14/07/2025
Ngày 14/7/2025, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Vin; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức họp báo Diễn đàn Trí thực trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn; ông Nguyễn Kim Quy, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (LHTNVN); GS. Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Diễn đàn, giảng viên cao cấp Đại học quốc gia Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTNVN, các đại biểu là trí thức trẻ...
Ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM, Chủ tịch Trung ương Hội LHTNVN phát biểu tại buổi họp báo
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM, Chủ tịch Trung ương Hội LHTNVN cho biết, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là sự kiện thường niên do Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức từ năm 2018. Qua 5 kỳ tổ chức, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 trí thức trẻ trong và ngoài nước đóng góp vào các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển tài năng trẻ Việt Nam. Với các chủ đề theo từng năm: Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0 (năm 2018); Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước (năm 2019); Việt Nam 2045 (năm 2020); Phát huy Trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia (năm 2021); Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch (năm 2022). Qua các năm tổ chức Diễn đàn, Trung ương Đoàn TNCSHCM đã thành lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu có cơ chế hoạt động, trao đổi thường xuyên của hơn 2.000 trí thức trẻ trên toàn thế giới.
Năm 2025, thế giới tiếp tục có những chuyển động nhanh, mạnh, phức tạp, khó đoán định, từ cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia lớn, cho đến vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển vượt bậc cùng những hệ quả xã hội chưa từng có tiền lệ. Song hành với đó, nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên bứt phá mới nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những đột phá công nghệ chưa từng có, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, blockchain... đang định hình lại cục diện sản xuất và phân phối toàn cầu. Ở trong nước, đất nước đang thực hiện nhiều chủ trương lớn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh quốc gia… Do đó, Đảng đã xác định rõ, con người, nhất là đội ngũ trí thức trẻ chính là trung tâm, là chủ thể sáng tạo và là động lực then chốt của sự phát triển. Các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị gần đây như Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển đội ngũ doanh nhân đều khẳng định vai trò tiên phong của nguồn nhân lực trí thức trẻ trong hành trình đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Ông Nguyễn Kim Quy, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Nam Phó Chủ tịch thường trực
Ủy ban Trung ương Hội LHTNVN báo cáo công tác chuẩn bị Diễn đàn
Trên nền tảng kế thừa và phát huy thành công của 5 kỳ Diễn đàn trước, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 19 - 21/7/2025 tại Hà Nội với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Từ hơn 600 hồ sơ đăng ký của các trí thức trẻ trong và ngoài nước, Ban Tổ chức đã lựa chọn 201 đại biểu chính thức cùng 15 thành viên Hội đồng tư vấn là những gương mặt ưu tú, đang công tác, học tập, nghiên cứu tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, hoạt động trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, môi trường, y tế, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, văn hóa và chính sách công. Đáng chú ý, đội ngũ đại biểu năm nay có cơ cấu đa dạng, kết hợp hài hòa giữa các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và lớp trí thức trẻ năng động, đang theo đuổi nghiên cứu tại các cơ sở khoa học hàng đầu thế giới. Đây là nguồn lực quý báu, có khả năng đóng góp trực tiếp vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách quốc gia, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển đất nước.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực, nhằm góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời, là sáng kiến có tính chiến lược trong việc hình thành hệ sinh thái kết nối trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu để xây dựng nguồn lực chất lượng cao cho quốc gia, thúc đẩy hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực, liên khu vực. Đặc biệt, Diễn đàn có sự đồng hành, tài trợ của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank với các giải pháp thanh toán, tài chính số và chung sức cùng đội ngũ trí thức trẻ toàn cầu trong xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh cho Việt Nam. Diễn đàn hứa hẹn là không gian kết nối trí tuệ, thúc đẩy đối thoại chính sách, lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo và đặc biệt là tạo ra những hành động cụ thể, thiết thực nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức trẻ - lực lượng đang ngày càng giữ vai trò nòng cốt trong tiến trình xây dựng đất nước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, từ đó từng bước góp sức vào tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường vào năm 2045.
Ban Tổ chức kỳ vọng, Diễn đàn không chỉ là nơi trao đổi tư tưởng, mà còn là cầu nối giữa trí thức - chính sách - thị trường, góp phần đưa - sáng kiến, tri thức cũng như hàm lượng chất xám của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam vào trực tiếp dòng chảy phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời mong muốn, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục là cầu nối quan trọng để đưa những giá trị của Diễn đàn đến gần hơn với công chúng, với cộng đồng trí thức trẻ người Việt ở mọi nơi trên thế giới. Sự đồng hành, cổ vũ và lan toả từ các cơ quan báo chí không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông cho Diễn đàn, mà còn tiếp thêm động lực để đội ngũ trí thức trẻ người Việt ngày càng mạnh mẽ gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Quang cảnh buổi họp báo
Báo cáo về công tác chuẩn bị Diễn đàn, ông Nguyễn Kim Quy, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Nam Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Trung ương Hội LHTNVN cho biết, hướng tới Diễn đàn lần thứ VI, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Trung ương Hội LHTNVN và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức 5 tọa đàm, hội thảo tiền Diễn đàn với sự tham gia của hơn 1.000 trí thức trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học, cùng 32 bài trình bày chuyên sâu từ các diễn giả là đại biểu, thành viên Hội đồng tư vấn. Đây là minh chứng rõ nét cho tính kết nối liên tục, sự tham gia thực chất và chiều sâu học thuật ngày càng gia tăng của Diễn đàn. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay có nhiều điểm đổi mới cả về nội dung, hình thức lẫn cách tiếp cận. Bên cạnh việc kế thừa tinh thần học thuật nghiêm túc, kết nối xuyên suốt của các kỳ trước, Diễn đàn lần thứ VI chú trọng hơn đến việc kết nối trí thức trẻ với thực tiễn phát triển quốc gia, thông qua những hoạt động mang tính trải nghiệm thực tế, đối thoại chuyên sâu với các tập đoàn, mô hình công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam. Chủ đề thảo luận cũng được thiết kế tập trung hơn vào các nhóm vấn đề đang nổi lên mang tính chất toàn cầu, đòi hỏi sự góp sức từ chính đội ngũ trí thức trẻ - những người đang ở tuyến đầu của đổi mới, nghiên cứ, và kiến tạo tương lai. Đồng thời, các phiên đối thoại không chỉ mang tính lý luận mà còn tập trung hướng tới khuyến nghị chính sách thực chất, có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể sau Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, ngoài chủ đề chung, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung cụ thể: Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững; thích ứng bền vững trước các thách thức của thời đại biến đổi toàn cầu; phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới. Các sản phẩm được công bố sau Diễn đàn gồm: Báo cáo khuyến nghị của cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Báo cáo ghi nhận các cơ chế, khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Cơ sở dữ liệu Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; Kỷ yếu Diễn đàn (online).
Thu Hằng