Banner trang chủ

Hiệu quả mô hình quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại tỉnh Gia Lai

20/07/2025

    Trong khuôn khổ dự án “Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam” (Dự án SFM), Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (MBFP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp thực hiện đã có chuyến khảo sát thực tế tìm hiểu quản lý rừng bền vững dành cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, từ ngày 16 - 18/7/2025, tại tỉnh Gia Lai.

    Thúc đẩy chính sách chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững

    Theo kết quả nghiên cứu, rừng che phủ 42,02% diện tích đất của cả nước và đóng vai trò trung tâm như bể hấp thụ các-bon tự nhiên, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Tuy nhiên, chất lượng rừng nhìn chung vẫn còn thấp và tính đa dạng loài còn hạn chế. Rừng cũng đang chịu nhiều rủi ro nghiêm trọng như thiệt hại do gió bão,sâu bệnh hại, khô hạn, cháy rừng,… vốn ngày càng trầm trọng hơn bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

    Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất ở Đông Nam Á. Kinh tế rừng trồng chủ yếu dựa vào thâm canh rừng trồng chu kỳ ngắn để sản xuất dăm gỗ làm nguyên liệu sinh khối. Mô hình truyền thống này với mật độ trồng cao, chu kỳ ngắn và mục tiêu là sản xuất dăm gỗ - đã bộc lộ những giới hạn và không còn đáp ứng đầy đủ các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế của Việt Nam… Do đó, định hướng của Việt Nam là chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững than thiện với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nâng cao tính đa dạng loài, chu kỳ trồng rừng dài hơn và sản xuất gỗ xẻ. Đồng thời, thiết lập các điều kiện tiên quyết về mặt pháp luật và thể chế cần thiết để chuyển dịch sang quản lý rừng bền vững thích ứng với BĐKH.

    Việc triển khai Dự án SFM do Chính phủ CHLB Đức tài trợ tại 6 công ty lâm nghiêp nhà nước và Ban quản lý rừng phòng hộ của 3 tỉnh: Gia Lai (Bình Định cũ), Quảng Trị và Đăk Lăk (Phú Yên cũ) trong 3 năm từ 1/1/2022- 31/12/2025) đến nay đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

    Với việc tiếp cận từ nhiều góc độ, Dự án đã tư vấn các bên liên quan cấp Trung ương và cấp tỉnh hoàn thiện khung pháp luật nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững. Ở cấp tỉnh, các hướng dẫn về kỹ thuật lâm sinh đối với trồng rừng gỗ lớn đang được xây dựng. Các chủ rừng được hỗ trợ áp dụng quản lý rừng bền vững tại một diện tích rừng dự kiến được chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững theo kế hoạch hàng năm.

Đoàn khảo sát thực tế làm việc với Sở NN&MT tỉnh Gia Lai

    Theo ông Nguyễn Danh Đàn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án SFM: Tại địa phương, các chủ rừng được tăng cường năng lực trong quản lý trồng rừng chu kỳ dài, đồng thời hỗ trợ chủ rừng trong việc phát triển các mô hình kinh doanh mới và xác định các phương án tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

    Từ đó, mỗi chủ rừng đã thiết lập các lô rừng làm điểm trình diễn quản lý rừng bền vững với tổng diện tích 48ha. Các chủ rừng đã được tập huấn về kỹ thuật gỗ xẻ và mở rộng áp dụng các thực hành từ các mô hình trình diễn; Mô hình hợp tác giữa chủ rừng là các hộ gia đình và các công ty lâm nghiệp và Ban quản lý…

    Đối với cấp Trung ương, dự án đã tư vấn cho Bộ NN&PTNT (nay là Bộ NN&MT) sửa đổi Nghị định 118 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Một số nội dung đã được lồng ghép trong Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ban hành năm 2024, sửa đổi Nghị định 118.

Hoạt động tỉa thưa và tỉa cành tại Công ty TNHH Lâm Nghiệp Quy Nhơn

    Ghi nhận hiệu quả thực tế từ các mô hình quản lý rừng bền vững

    Tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn là đơn vị tiên phong trong quá trình chuyển đổi từ trồng rừng luân canh chu kỳ ngắn sang sản xuất gỗ lớn chất lượng cao với chu kỳ dài, thông qua việc áp dụng các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến như tỉa thưa, tỉa cành sớm một cách cẩn trọng, cũng như trồng xen các loài cây bản địa trong các khu rừng trồng thuần loài hiện có.

    Việc trồng xen các loài cây bản địa sinh trưởng chậm (như Lim Xanh) với các loài ngoại lai sinh trưởng nhanh như Keo mang lại một cách tiếp cận lâm nghiệp tích hợp, nhằm tạo nguồn thu từ rừng trồng ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau theo thời gian. Trong khi Keo trồng để sản xuất gỗ lớn có thể khai thác sau khoảng 10 năm, thì các loài cây gỗ bản địa thường cần chu kỳ sinh trưởng dài hơn. So với rừng trồng thuần loài, mô hình trồng rừng hỗn giao này giúp tăng cường đa dạng sinh học, cải thiện khả năng chống chịu của rừng và đa dạng hóa nguồn thu trong tương lai nhờ vào các loại gỗ cứng bản địa có giá trị cao và độ bền tốt.

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn chia sẻ tại buổi khảo sát

    Theo ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn: “Việc chuyển đổi sang mô hình rừng gỗ lớn là bước đi chiến lược đối với chúng tôi. Điều này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế dài hạn cho rừng, định hướng này còn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Sự hỗ trợ của Dự án SFM đã giúp chúng tôi nâng cao năng lực và thử nghiệm thành công các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến và có tiềm năng nhân rộng trên quy mô lớn.”

    Bên cạnh đó, Đoàn khảo sát đã trực tiếp trao đổi với đại diện cộng đồng tại xã Vĩnh Sơn, tỉnh Gia Lai những người đang trực tiếp tham gia Thỏa thuận hợp tác với Công ty. Theo người dân chia sẻ, họ đã được tham gia các hoạt động tuần tra rừng, tập huấn về bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về quản lý rừng bền vững. Một trong những lợi ích nổi bật từ mối quan hệ hợp tác này là sự gắn kết ngày càng bền chặt giữa cộng đồng địa phương và Công ty, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và chia sẻ trách nhiệm trong quản lý rừng bền vững.

Cộng đồng tại xã Vĩnh Sơn, tỉnh Gia Lai những người đang trực tiếp tham gia Dự án

    Tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (tỉnh Gia Lai), Đoàn khảo sát đã tìm hiểu kỹ về quy trình sản xuất gỗ lớn chất lượng cao từ loài cây sinh trưởng nhanh - keo lai cũng như vai trò của đổi mới công nghệ và tiềm năng hấp thụ các-bon trong rừng trồng.

Ông Ngô Văn Tỉnh - Giám đốc TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chia sẻ hiệu quả khi tham gia Dự án

    Tại đây, việc tỉa thưa được thực hiện từ rất sớm - chỉ sau 2,5 năm trồng rừng. Trong lâm nghiệp truyền thống, việc tỉa thưa thường được thực hiện muộn hơn, hoặc bỏ qua khi mục tiêu kinh doanh là sản xuất sinh khối thay vì gỗ lớn. Yếu tố thành công then chốt của tỉa thưa là lựa chọn chính xác những cây cần loại bỏ. Phần trình diễn cho thấy các cây sinh trưởng kém hoặc bị cong được xác định và loại bỏ có chọn lọc. Tỉa thưa sớm giúp giảm cạnh tranh trong lô rừng, tạo điều kiện cho những cây khoẻ và thẳng phát triển tốt hơn nhờ có thêm không gian, ánh sáng và dinh dưỡng. Tỉa thưa là biện pháp phổ biến trong rừng trồng hướng đến sản xuất gỗ xẻ - khi mục tiêu là tạo ra các cây cao, đường kính lớn, có giá trị kinh tế cao.

    Bên cạnh đó, Công ty cũng trình diễn việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác giám sát rừng trên toàn bộ diện tích rừng được quản lý. Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chia sẻ “Việc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) giúp chúng tôi giám sát rừng trên diện tích lớn hơn, với độ chính xác cao hơn, an toàn hơn và chi phí thấp hơn so với kiểm tra thủ công truyền thống. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới quản lý rừng bền vững.”

Sử dụng UAV giúp giám sát rừng trên diện tích lớn, với độ chính xác cao. Ảnh: GIZ Việt Nam

    Theo Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, việc áp dụng UAV trong quản lý bảo vệ rừng đã cho thấy rõ nhiều ưu điểm. Trước hết là hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra rừng. Chỉ dùng flycam từ 10 đến 30 phút, người kiểm tra rừng chỉ cần đứng tại một vị trí vẫn có thể quan sát rõ diện tích rừng rộng lớn từ khoảng cách xa vài km. Nhờ đó, một số hành vi xâm lấn, khai thác rừng trái phép đã được phát hiện và có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp theo tình hình thực tế. Flycam cung cấp hình ảnh, video chi tiết về hiện trạng rừng giúp công ty theo dõi được sự thay đổi của diện tích rừng, qua đó xác định rõ các khu vực có nguy cơ cao về cháy, sạt lở đất để triển khai biện pháp phòng ngừa từ xa. Flycam cũng giúp xác định vị trí, quy mô và diễn biến của đám cháy, hỗ trợ đắc lực lực lượng chức năng trong công tác chữa cháy. So với việc tuần tra truyền thống, UAV giúp giảm đáng kể thời gian, công sức và chi phí tuần tra, kiểm tra rừng. Dữ liệu từ UAV giúp công tác cập nhật thông tin về rừng chính xác, toàn diện, theo đó, công tác quản lý, quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng cũng đạt hiệu quả cao hơn.

    Bể chứa các-bon tự nhiên khi chuyển đổi sang mô hình trồng rừng gỗ lớn

    Hai đơn vị tham gia Dự án là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã tiến hành đánh giá tiềm năng gia tăng hấp thụ và lưu trữ các-bon khi chuyển đổi từ mô hình trồng rừng sản xuất sinh khối sang mô hình trồng rừng gỗ lớn. Theo đó, Dự án SFM đã hỗ trợ đo đạc trữ lượng các-bon ở các rừng trồng keo theo nhiều độ tuổi, áp dụng phương pháp “Quản lý rừng cải tiến” (IFM) theo chuẩn mực VM0003 của tổ chức VERRA - một trong những bộ tiêu chuẩn quốc tế có uy tín trong lĩnh vực tín chỉ các-bon tự nguyện (VCS). Phương pháp này đánh giá khả năng gia tăng hấp thụ các-bon nhờ kéo dài chu kỳ khai thác. Cụ thể, phương pháp này đã được sử dụng để đánh giá tác động của việc chuyển đổi rừng trồng keo ngắn hạn 5 năm sang chu kỳ 11 năm phục vụ sản xuất gỗ lớn tại Việt Nam.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn gia tăng hấp thụ và lưu trữ các-bon. Ảnh: Văn Ba - GIZ Việt Nam

    Kết quả cho thấy, tiềm năng giảm phát thải đáng kể của mô hình ở các diện tích rừng đồng nhất và quy mô lớn. Các biện pháp kỹ thuật lâm sinh kết hợp với việc kéo dài chu kỳ có thể làm tăng trữ lượng các-bon dài hạn trung bình lên 221 tấn CO₂/ha với chu kỳ 11 năm, so với chỉ 78 tấn CO₂/ha trong chu kỳ 5 năm.

    Để đánh giá tiềm năng gia tăng hấp thụ và lưu trữ các-bon trong rừng trồng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, với sự hỗ trợ của Dự án SFM, đã tiến hành đo đạc trữ lượng các-bon tại các lô rừng trồng ở các độ tuổi khác nhau. Theo phương pháp VM0003, điều này tương đương với việc gia tăng hấp thụ thêm 4,2 tấn CO₂ tương đương/ha/năm sau khi đã trừ các yếu tố bất định, rò rỉ và không duy trì. Như vậy, chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững không chỉ làm gia tăng giá trị gỗ thương phẩm mà còn mang lại lợi ích khí hậu, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu - đặc biệt khi các chu kỳ dài hơn được duy trì một cách ổn định.

    Các dự án lâm nghiệp có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính rất đáng kể. Những mô hình trình diễn này cho thấy quản lý rừng bền vững có thể mang lại đồng thời lợi ích về khí hậu và kinh tế.

Bà Carina van Weelden, Cán bộ quản lý thực hiện Dự án của GIZ Việt Nam. Ảnh: GIZ Việt Nam

    Bà Carina van Weelden, Cán bộ quản lý thực hiện Dự án của GIZ Việt Nam chia sẻ: “Các biện pháp kéo dài chu kỳ khai thác trong quản lý rừng bền vững đặc biệt phù hợp với thực tiễn ngành lâm nghiệp Việt Nam - nơi mô hình rừng trồng keo ngắn ngày đang phổ biến. Khi kết hợp đổi mới công nghệ với việc tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương trong quản lý rừng, chúng ta thấy rằng những khu rừng khỏe mạnh hơn và xuất hiện những cơ hội mới trên thị trường các-bon và gỗ nguyên liệu.”

    Có thể nói, Dự án SFM là minh chứng cụ thể cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Bộ NN&MT và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) mà còn đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu quản lý rừng bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Phạm Đình

Ý kiến của bạn