Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Sự hiện diện và tính nguy hại của “Các chất ô nhiễm đáng quan ngại mới CECs” trong môi trường nước mặt và nước cấp cho sinh hoạt ở Việt Nam

15/08/2023

    Các chất đáng quan ngại mới (Contaminants of Emerging Concern CECs), là các chất được tìm thấy ở nồng độ vết như các hóa chất công nghiệp, dược phẩm và hormone tự nhiên/tổng hợp, hóa chất trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, v.v.. gần đây đã bắt đầu được nghiên cứu về sự hiện diện cũng như các đặc tính nguy hại trong môi trường nước mặt và nước cấp cho sinh hoạt của con người. Nguồn phát sinh của các chất ô nhiễm mới có thể kể đến như dòng chảy tràn từ các vùng nông nghiệp, đô thị, nước thải từ các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Kết quả của các nghiên cứu gần đây đã khẳng định có sự hiện diện của nồng độ tương đối cao của các CECs trong nguồn nước mặt của các thành phố trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là tại hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã và đang đánh giá các độc tính và mức độ rủi ro tác động lên hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay, việc nhận thức về tác hại của CECs chưa được phổ biển rộng, các quy định pháp luật và quy chuẩn môi trường hiện hành chưa có quy định cho việc phân tích, xác định ngưỡng tiêu chuẩn áp dụng trong các dạng môi trường nước, cũng như thiếu các định hướng nghiên cứu giải pháp quản lý. Chính vì thế, bài báo đưa ra cách nhìn tổng quan, hiện trạng ô nhiễm và đề xuất một số phướng pháp tiếp cận đối với các nội dung nêu trên ở Việt Nam.

1. Giới thiệu chung về CECs

1.1. Khái niệm/Định nghĩa

    Chất gây ô nhiễm đáng lo ngại mới (Contaminants of Emerging Concern CEC) là một thuật ngữ được các chuyên gia chất lượng nước sử dụng để mô tả các chất gây ô nhiễm đã được phát hiện trong các mẫu giám sát môi trường, có thể gây ra tác động đến hệ sinh thái hoặc sức khỏe con người và thường không được quy định theo luật môi trường hay các quy chuẩn hiện hành. Các nguồn gây ô nhiễm này bao gồm nông nghiệp, dòng chảy đô thị và các sản phẩm gia dụng thông thường (chẳng hạn như xà phòng và chất khử trùng) và dược phẩm được xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải và sau đó thải ra nguồn nước mặt [1][2]. Các CECs có khả năng đi vào vòng tuần hoàn nước sau khi được thải ra dưới dạng chất thải thông qua quá trình chảy tràn vào sông, trực tiếp thông qua việc xả nước thải vào nguồn nước hoặc bằng quá trình thấm vào mực nước ngầm, cuối cùng đi vào hệ thống cấp nước công cộng. Các chất gây ô nhiễm mới được biết là gây ra hoạt động phá vỡ nội tiết và các cơ chế độc hại khác, một số được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công nhận là chất gây ung thư [3].

    Như vậy có thể thấy, CECs là một nhóm đa dạng các chất hóa học gần đây đang được chú ý do các nguy cơ rủi ro tác động bất lợi tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe con người và môi trường. Những chất gây ô nhiễm này được đặc trưng bởi: (1) Tính mới: CECs là các chất hóa học được gây ô nhiễm tiềm ẩn nhưng chưa được quy định hoặc giám sát phổ biến trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chương trình môi trường hoặc sức khỏe cộng đồng. Chúng có thể bao gồm các hóa chất mới được tổng hợp hoặc các chất gần đây được xác định là chất gây ô nhiễm môi trường. (2) Sự hiện diện trong nhiều môi trường: CEC có thể được tìm thấy trong các ngăn môi trường khác nhau, bao gồm không khí, nước, đất và quần thể sinh vật. Chúng thường được phát hiện ở nồng độ thấp nhưng có thể tồn tại dai dẳng và tích lũy sinh học, dẫn đến rủi ro phơi nhiễm lâu dài. (3) Rủi ro tiềm ẩn: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể có tác động xấu đến hệ sinh thái, động vật hoang dã và sức khỏe con người. Những tác động này có thể bao gồm rối loạn nội tiết, bất thường về sinh sản và phát triển, khả năng gây ung thư và kháng kháng sinh.

1.2. Phân nhóm CECs chính

    Có ít nhất hơn 500 loại CECs đã được phát hiện. Để phân nhóm chúng, người ta có thể dựa theo cấu trúc phân tử, theo nguồn gốc, theo công dụng hoặc theo đặc tính hóa lý của chúng. Thuận tiện nhất cho công tác quản lý, kiểm soát và loại bỏ các CECs này, chúng tôi phân nhóm dựa theo nguồn gốc của chúng, do đó có các nhóm sau:

    (1) Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân (PPCPs): thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, hormone, chất chống nắng và hóa chất tạo hương thơm.

    Một số chất điển hình của nhóm này: Paraxanthine, theophylline, o-desmethylvenlafaxine và 10,11 dihydro-10-hydroxycarbamazepine, Alpha-estradiol, Gestodene, Diazepam, Fenbendazole, Fenofibrate, Caffeine, Fexofenadine, Cetirizine, Fluconazole, Nicotine, Irbesartan, Lidocain, Metfortine, Carbamezepine, Codein, Lasartan, Mebendazole, Axit mefenami, Axit Niflumic, Telmisartan, Valsartan, Iopromide, Triclosan, Butyl-paraben, Ethyl-paraben, Propyl-paraben, Methyl-paraben, Clarithromcyin, Metrodinazole, Ofloxacin, Tremethoprim, Chloramphenicol, Erythromyxin…

    (2) Hợp chất gây rối loạn nội tiết: là những chất có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết tố của sinh vật, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển và sinh sản.

    Một số chất điển hình của nhóm này: bisphenol A (BPA), phthalates, ...

    (3) Hóa chất công nghiệp: là các loại hóa chất khác nhau được sử dụng trong các quy trình công nghiệp, sản xuất và sản phẩm tiêu dùng

    Một số chất điển hình của nhóm này:

    (4) Thuốc bảo vệ thực vật: Thuốc trừ sâu là chất hóa học được sử dụng để kiểm soát dịch hại trong nông nghiệp, y tế công cộng và khu dân cư. Một số loại thuốc trừ sâu, chẳng hạn như organophosphates và pyrethroids, đã được xác định là CEC do tác động tiềm ẩn của chúng đối với các sinh vật không phải mục tiêu và sự tồn tại của môi trường.

    Một số chất điển hình của nhóm này: Bisphenol A/F/S (chất hóa dẻo), TCEP/Tris (2-chloroethyl) phosphat, TCP/Tricresyl phosphate, TEBP/Tris (2-butoxyethyl) phosphate, TEHPA/Tris (2-ethylhexyl) phosphate, TDCPP/Tris (1,3-dichloro-2-propyl) phosphate, DEHPA/Bis(2-ethylhexyl) phosphate, DibutylPhosphate (chất hóa dẻo và chống cháy), 6-ppd quinone, HMMM/Hexamethoxymethyl-melamine.

    (5) Vi nhựa: Vi nhựa là những hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm. Chúng có thể bắt nguồn từ sự phân hủy của các vật dụng bằng nhựa lớn hơn hoặc được sản xuất có chủ ý cho các ứng dụng khác nhau. Vi nhựa có thể được tìm thấy trong các vùng nước, đất và thậm chí cả trong không khí, gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với các sinh vật và hệ sinh thái dưới nước.

1.3. Nguồn gốc ô nhiễm và con đường chuyển hóa của CECs trong môi trường nước

    Nước thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp là nguồn chính phát sinh CECs, bao gồm: các hocmon, chất tẩy rửa hộ gia đình có chứa nonylphenol, một số ngành công nghiệp có sử dụng chất tẩy rửa có chứa nonylphenol và nhựa có chứa BPA hoặc có chất nông nghiệp alkylphenol và nonylphenol ethoxylate, Estrogen treroids, chất bề mặt. Các nhà máy xử lý nước thải đóng vai trò là tâm điểm gây ô nhiễm các CECs trong môi trường nước nếu như việc giảm thiểu tại nguồn không được thực hiện (giảm CECs từ sản phẩm hay giảm estrogen dược phẩm trong chất thải hộ gia đình), CECs từ đó đi vào môi trường nước dưới đất, nước mặt.

    Các estrogen tự nhiên và tổng hợp được con người sử dụng và bài tiết qua nước tiểu. Ngoài ra, sự tiết estrogen tự nhiên bởi vật nuôi từ các trang trại có khả năng là một nguồn gây ô nhiễm quan trọng các estrogen trong môi trường. Phân gia súc chứa lượng đáng kể estrogens steroids, estrone, 17ᵝ-estradiol và 17α-estradiol và dạng liên kết của chúng, khi được sử dụng làm phân nông nghiệp, chúng có khả năng gây ô nhiễm nước mặt và ngước ngầm.

    Hoạt động nông nghiệp cũng được xác định là nguồn ô nhiễm phân tán CECs, bao gồm nước thải từ nhà máy sữa và nước thải nuôi trồng thủy sản. Trang trại gia súc cũng được chứng minh là nguồn phát sinh các hợp chất estrogen trong phân và nước tiểu. Ngoài ra, dòng chảy tràn bề mặt có chứa thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Một số loại CECs dễ bay hơi có thể phát tán vào không khí, sau đó được hấp thụ bởi các hạt bụi lơ lửng và bị gió phát tán khắp nơi. Khi các hạt bụi đủ nặng hoặc gặp mưa sẽ rơi xuống gây ô nhiễm môi trường nước.

    Tại các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, các nonylphenol ethoxylate có thể chuyển hóa thành nhiều estrogen bền vững hơn khi so sánh với các hợp chất gốc ban đầu. Khi so sánh với các chất hoạt động bề mặt khác, nonylphenol ethoxylate  có thời gian phân hủy lâu hơn.

    CECs sau khi đi vào môi trường nước, tùy theo đặc tính hóa lý của từng chất mà chúng tồn tại ở dạng hòa tan trong nước hay hấp thụ trong các hạt lơ lửng sau đó được lắng đọng trong lớp trầm tích bùn đáy sông hay tích tụ inh học.

    Trong môi trường nước, một số CECs tồn tại bền vững như dioxin, thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, ..., một số khác phân hủy nhanh chóng nhưng vẫn hiện diện trong môi trường do chúng được sử dụng rộng rãi và liên tục như các sản phẩm chăm sóc (mỹ phẩm, dầu gội đầu...). Trong lớp trầm tích, các CECs tồn tại bền vững với chu kỳ bán rã có thể lên đến hàng chục năm, và có thể di chuyển xuống tầng sâu hơn, gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Ngoài ra, chúng có khả năng tích tụ sinh học và vận chuyển dọc theo chuỗi thức ăn. Các CECs hiện diện trong nước mặt và nước ngầm có thể gây ô nhiễm nguồn nước cap và cả nước uống do việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm như các nguồn cung cấp nước thô và phần lớn các nhà máy xử lý nước cấp không loại bỏ được các CECs.

2. Tính nguy hại của CECs

    CECs có khả năng đi vào chu trình nước qua các dòng nước thải đô thị, nước mưa chảy tràn vào sông, trực tiếp, hoặc thấm và ngấm vào mực nước ngầm, cuối cùng đi vào hệ thống cấp nước công cộng. CECs có khả năng gây ra rối loạn hoạt động nội tiết và các cơ chế độc hại khác, một số được Cơ quan Bảo vệ Môi trường công nhận là chất gây ung thư [1].

    Một số loại thuốc kháng sinh trong môi trường nước mặt (clarithromycin, erythromycin và sulfamethoxazole) có thể khiến cho các vi khuẩn trong nước mặt phát triển sức đề kháng và gây ra các ảnh hưởng khác như phá vỡ lưới thức ăn tự nhiên của hệ sinh thái [4]. Ibuprofen là một trong những dược phẩm thường được phát hiện nhất trong nước thải; trong một nghiên cứu về phản ứng trên toàn bộ phiên mã của cá bạc má nội địa, Menidia beryllina, đối với việc tiếp xúc lâu dài với ibuprofen. Ở nồng độ phơi nhiễm thấp nhất (0,0115 mg/L), đã phát hiện ra sự điều hòa giảm của nhiều gen liên quan đến sự phát triển của bộ xương, hô hấp hiếu khí và chức năng miễn dịch. Ở nồng độ phơi nhiễm cao nhất (1,15 mg/L), phát hiện tăng biểu hiện của các gen điều hòa trong con đường chuyển hóa axit arachidonic và một số gen miễn dịch liên quan đến phản ứng viêm. Ngoài ra, có sự biểu hiện khác biệt của các gen liên quan đến phản ứng căng thẳng oxy hóa và sự điều hòa giảm của các gen liên quan đến quá trình thẩm thấu. Nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích để theo dõi tác động của chất gây ô nhiễm nước thải phổ biến này trong môi trường và để tạo ra các dấu ấn sinh học khi tiếp xúc với ibuprofen có thể truyền sang các loài cá khác [5].

    CECs nhóm các sản phẩm chăm sóc cá nhân gây rối loạn nội tiết: CECs nhóm nước thơm (fragrances) có lẽ là loại PCP được nghiên cứu rộng rãi nhất và được cho là chất gây ô nhiễm phổ biến trong môi trường do tính bền bỉ với môi trường và khả năng gây độc cho các loài thủy sinh; CECs nhóm paraben có khả năng gây ra tác dụng phụ đối với các sinh vật dưới nước, benzyl-, butyl- và propylparaben có thể gây ra phản ứng estrogen ở mức độ thấp; các nghiên cứu về động vật có vú chỉ ra rằng các bộ lọc UV (UV filter), thuộc nhóm PCP, có nhiều khả năng gây ảnh hưởng nội tiết nhất. Bên cạnh khả năng ảnh hưởng đến nội tiết, mối quan tâm lớn khác với PCP là khả năng tích lũy sinh học của chúng trong các sinh vật dưới nước; Bộ lọc tia cực tím, chất khử trùng và nước hoa đều đã được chứng minh là tích lũy sinh học trong quần thể sinh vật và có khả năng phóng đại sinh học ở các bậc dinh dưỡng cao hơn [6].

    Các CECs có thể tích tụ dần theo con đường sinh học trong chuỗi thức ăn với nồng độ đáng kể trong các sản phẩm động vật như mỡ, cá và sữa. Đáng lo ngại nhất là việc tích tụ vào cơ thể bằng con đường nước uống. Phần lớn các CECs gây rối loạn nội tiết, có thể dẫn đến sự thay đổi sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến thế hệ mai sau. Các tác động đến sức khỏe con người bao gồm những bất thường trong sinh sản, ảnh hưởng đến tỉ lệ nam/nữ, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, các vấn đề sinh sản ở cả nam và nữ (chức năng sinh sản, sẩy thai, thai ngoài tử cung, thai chết lưu, sinh non), và sự gia tăng một số loại bệnh ung thu ở nam và nữ (ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú), ảnh hưởng đến não và hành vi của con người.

3. Hiện trạng hiện diện CECs tại Việt Nam

    Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và khối lượng các chất hóa học được sử dụng ở Việt Nam đã đi kèm với một số lượng lớn các hóa chất nguy hại tiềm ẩn được tìm thấy trong các mẫu môi trường. Ở Việt Nam, việc giám sát các chất hóa học chủ yếu giới hạn ở một số lượng nhỏ các chất gây ô nhiễm đã biết mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, và nhu cầu cấp thiết là phải kiểm tra một số lượng lớn hóa chất để ngăn chặn tác động từ việc mở rộng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, rất khó để phân tích một số lượng lớn hóa chất bằng các phương pháp hiện có, vì chúng tốn thời gian và tốn kém. Vì thế chưa có quá nhiều nghiên cứu về các hợp chất CECs. Duới đây là một số các nghiên cứu điển hình:

    Nghiên cứu của Chau và cộng sự [7], đã nghiên cứu trên 1153 chất CECs nhằm mục đích nắm bắt được bức tranh ô nhiễm của vi chất ô nhiễm trong môi trường nước. Để đạt được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp phân tích toàn diện: (1) chiết xuất pha rắn (SPE) và phân tích LC-TOF-MS, và (2) phân tích SPE và GC-MS. Tổng cộng 42 mẫu được thu thập dọc Sông Hồng, các sông nào ở Huế và Đà Nẵng và hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai. Khoảng hơn 50% các chất ô nhiễm dạng vết được tìm thấy cả vùng đô thị và ngoại ô có nguồn gốc là các hoá chất gia dụng. Có hơn 50 % tổng các hợp chất CECs được phát hiện ở đô thị và nông thôn là hóa chất tẩy rửa dùng trong gia đình (Sông Hồng 92 %, Hanoi 58 %, Hue-Danang 52 %, HCMC-SDR 71 %; Hình . 2). Sự phân bố các chất gây ô nhiễm trong môi trường của Hà Nội và TP.HCM-SDR gần giống nhau nhưng rất khác so với Huế - Đà Nẵng và sông Hồng (Hình 3). Chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến và với hàng triệu tấn được sản xuất trên toàn thế giới hàng năm (Koch et al. 2003), những hóa chất này đã trở nên phổ biến trong môi trường (Fromme et al. 2002; Fauser et al. 2003). Trong nghiên cứu, chất hóa dẻo chiếm tỷ lệ lớn trong các chất gây ô nhiễm được phát hiện, chiếm 21–22 % ở Hà Nội và TP.HCM-SDR, 50 % ở Huế-Đà Nẵng và lên đến 91 % ở sông Hồng. Trong trường hợp Huế-Đà Nẵng và sông Hồng, nước thải chưa qua xử lý từ các làng nghề được coi là nguồn chất hóa dẻo chính. Các làng nghề được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau tùy theo sản phẩm của họ, chẳng hạn như dệt may, vật liệu xây dựng, kim loại tái chế, giấy hoặc nhựa. Hầu hết các làng nghề này nằm ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, và lưu vực sông Hồng có số lượng làng nghề lớn nhất, chiếm 60% tổng số làng nghề như vậy trong cả nước. Tất cả các làng nghề này đã và đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề này không hề giảm mà thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Điều này có thể giải thích tại sao hóa chất công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần chất gây ô nhiễm ở Huế-Đà Nẵng (17%) [7].

    Một nghiên cứu khác của Tam và công sự [8], đánh giá sự hiện diện của các hợp chất gây rối loạn nội tiết estrogen (e-EDCs) trên hệ thống sông Sài Gòn Đồng Nai bao gồm estriol, bisphenol A (BPA), atrazine (ATZ), octylphenol, octylphenol diethoxylate, octylphenol triethoxylate, nonylphenol, Nonylphenol triethoxylate (NPE3), nonylphenol diethoxylate (NPE2) và 17bestradiol. Trong đó, đáng chú ý là NPE3 và NPE2 được tìm thấy trong hầu hết các mẫu, đặc biệt, chúng ở mức cao tại các địa điểm gần cửa lấy nước nhà máy xử lý nước sông Sài Gòn (235 ng L-1 NPE3 và 109 ng L 1 NPE2); (ii) tổng EEQ là 57 pg L-1 ở mức cao nhất trên các kênh rạch nội thành TP.HCM vào mùa khô. [8].

    Romaine et al., (2020) đã nghiên cứu đánh giá sự hiện diện của CECs trên sông Sài Gòn. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 121 CECs đã được phát hiện ít nhất một lần và 112 CECs đã được định lượng. Đặc biệt là số luợng và nồng độ CECs phát hiện tăng từ thuợng nguồn đến đoạn sông qua các thành phố và nồng độ cao ở các kênh rạch nội thành như kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè [9].

    Kết quả trong một nghiên cứu của Rikard Tröger (2021) phân tích đánh giá về CECs trong các mẫu nước mặt và nước uống của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, trong tổng cộng 177 hợp chất CECs được phân tích, 58 chất đã được phát hiện trong ít nhất một mẫu nước uống [10].

    Theo kết quả trên, ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật là loại CECs có số lượng hợp chất được phát hiện cao nhất. Quy định chất lượng về nước uống của Thụy Điển, cho phép tổng nồng độ thuốc trừ sâu là 500 ng L−1, hoặc 100 ngL−1 đối với một hợp chất thuốc trừ sâu riêng lẻ. Các mẫu lấy tại các quốc gia khác có nồng độ thuốc trừ sâu không vượt quá giới hạn tiêu chuẩn mà Thụy Điển ban hành, tuy nhiên ở Việt Nam nồng độ cao đến gần (336 ng L−1), vượt 03 lần so với giá trị hướng dẫn đối với từng loại thuốc trừ sâu. Do đó, ô nhiễm thuốc trừ sâu trong nguồn nước uống là một mối quan tâm lớn đối với các nhà máy xử lý nước thải, đặc biệt là ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hoạt động nông nghiệp như Việt Nam.

4. Một số tiêu chuẩn hiện hành đối với CECs trong môi trường nuớc

    Dựa trên các nghiên cứu về các nhóm chất CECs và độc tính của chúng, thông qua các kết quả nghiên cứu bằng cách mô tả nồng độ CECs theo thời gian và địa điểm, đã mở rộng và nâng cao hiểu biết của con người về mức độ phổ biến của các chất gây ô nhiễm mới phát sinh từ các nguồn khác nhau đổ vào các nhánh của lưu vực sông và các phụ lưu tại Việt Nam.

    Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cung cấp nước cho các hoạt động sinh hoạt, dịch vụ - thương mại, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trong địa bàn TP. HCM. Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế trong lưu vực, ô nhiễm môi trường nước trong lưu vực là vấn đề cần quan tâm. Chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai ảnh hưởng đến các nhà máy nước (NMN) trong địa bàn TP. HCM như NMN Tân Hiệp, NMN Thủ Đức, v.v… Hiện nay chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng như chất lượng nước sinh hoạt trong địa bàn TP. HCM vẫn được định kỳ quan trắc, bởi cơ quan chức năng của tỉnh thành trong lưu vực và quốc gia. Việc quan trắc hiện nay cho nguồn nước thô và nước sinh hoạt/nước thủy cục lần lượt dựa trên QCVN 08/BTNMT, giới hạn về chất lượng nước mặt và QCVN 01-BYT quy chuẩn về chất lượng nước sinh hoạt. Đơn vị cấp nước chính cho TP.HCM hiện nay là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) trực thuộc UBND TP.HCM, đây cũng là đơn vị cấp nước lớn nhất Việt Nam. Tổng công ty SAWACO hiện đang cung cấp nước cho gần 1.000.000 hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thành phố. Hiện nay, Tổng công ty Cấp Nước Sài Gòn (SAWACO) dựa trên 2 quy chuẩn trên để quan trắc chất lượng nước thô và nước uống. QCVN vẫn tập trung vào các thông số cơ bản như: COD, TSS, độ đục, ammonia, các chỉ tiêu về kim loại nặng, sản phẩm phụ của quá trình khử trùng (DBPs). Cụ thể, QCVN 01-1:2018 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt bao gồm 99 thông số đánh giá chất lượng nước trong đó có các nhóm thông số phóng xạ (2 chỉ tiêu), Thông số hóa chất khử trùng và sản phẩm phụ (14 chỉ tiêu), thông số hóa chất bảo vệ thực vật (26 chỉ tiêu), nhóm chất hữu cơ phức tạp (3 chỉ tiêu), nhóm thông số hợp chất hữu cơ (20 chỉ tiêu), nhóm A vi sinh (2 chỉ tiêu), nhóm cảm quan và vô cơ (6 chỉ tiêu), nhóm B vi sinh vật (2), nhóm B vô cơ. Các quy chuẩn về chất lượng nước sinh hoạt và chất lượng nước mặt và ngầm của Việt Nam hiện nay chưa thể hiện đầy đủ các CECs. Mặt khác, cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá sự hiện diện của CECs trong nguồn nước thô và nước sinh hoạt cũng như hiệu quả xử lý CECs của các nhà máy nước cấp ở TP.HCM.

    Hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang xây dựng tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn liên quan đến CECs, chẳng hạn như atrazine, trihalomethanes, nonylphenol, bisphenol A, ... Ví dụ WHO đã xây dựng ngưỡng giới hạn của NDMA là 0,1 µg/L.

Bảng 1. Tiêu chẩn chất lượng nước uống của WHO và một số quốc gia liên quan đến CECs

Thông số

WHO

US EPA

EU

Canada

Nhật

Việt Nam

Atrazine

100

3

-

2

-

2

Cloroform

300

80

-

-

60

200

Bromodichloromethane

60

80

-

-

30

60

Dibromochloromethane

100

80

-

-

100

100

Bromoform

100

80

-

-

90

100

Total THMs

-

-

100

100

100

-

NDMA (N-Nitrosodimethylamine)

0,1

0,01

-

0,04

-

-

17-ᵝ-Estradiol

-

-

-

-

0,08

-

Nonylphenol

-

-

-

-

0,3

-

Bisphenol A

-

-

-

-

0,1

-

Năm hiệu chỉnh gần đây nhất

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

    Các CECs được thải ra môi trường thường là các hợp chất dai dẳng, có độc tính cấp tính và mãn tính. Các nghiên cứu bổ sung về cả độc tính cấp tính và mãn tính cần được tiến hành để hiểu các tác động tiềm ẩn và nguy cơ phát thải CECs vào nước bề mặt. Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay chỉ ra rất ít độc tính ngắn hạn, dài hạn, và khả năng tích lũy sinh học, cũng như xu hướng gây ra các hiệu ứng estrogen và nội tiết. Xét các ảnh hưởng tiềm ẩn của các CECs, rõ ràng cần có nhiều nỗ lực phải thực hiện để đối phó với các vấn đề môi trường do các chất này gây ra bởi vì cộng đồng khoa học vẫn đang trong những bước đầu tiên để giảm thiểu nồng độ và những tác động của các chất này. Ở Việt Nam, các đề tài nghiên cứu về CECs xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn, nhằm mục đích xác định các nguồn, thành phần, tổng hoạt tính và rủi ro. Trong thời gian tới, các nghiên cứu sẽ tập trung đến việc đánh giá định lượng sự hiện diện một cách định lượn các hợp chất CECs của nguồn nước thô (nước mặt), nước sinh hoạt trong mạng lưới phân phối nước cấp đến người dân và hiệu quả xử lý CECs trong các nhà máy cấp nước sạch, từ đó hướng đến tìm các giải pháp cấp nước sạch an toàn cho người dân.

    Việc nghiên cứu các phương pháp tích hợp bằng cách sử dụng kết hợp phân tích hóa học và sinh học rất nên được khuyến khích.

Trương Thị Ngọc Thảo

Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2023)

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. "Contaminants of Emerging Concern including Pharmaceuticals and Personal Care Products"Water Quality Criteria. Washington, D.C.: U.S. Environmental Protection Agency (EPA). 2019

2. "Contaminants of Emerging Concern in the Environment"Environmental Health-Toxic Substances Hydrology Program. Reston, VA: U.S. Geological Survey. 2017-06-16.

3. "Emerging Contaminants and Federal Facility Contaminants of Concern". EPA. 2019

4. Djordje Vilimanovic1, Gangadhar Andaluri1, Robert Hannah1, Rominder Suri1, A. Ronald MacGillivray (2020), Occurrence and aquatic toxicity of contaminants of emerging concern (CECs) in tributaries of an urbanized section of the Delaware River Watershed.

5. Susanne m. Brander,inge werner,j. Wilson white, and linda a. Deanovic (2009) Toxicity of a dissolved pyrethroid mixture to hyalella azteca at environmentally relevant concentrations.

6. Chau, H.T.C., Kadokami, K., Duong, H.T., Kong, L., Nguyen, T.T., Nguyen, T.Q., Ito, Y., 2018. Occurrence of 1153 organic micropollutants in the aquatic environment of Vietnam. Environ. Sci. Pollut.

7. Chau, H.T.C., Kadokami, K., Duong, H.T., Kong, L., Nguyen, T.T., Nguyen, T.Q., Ito, Y., 2018. Occurrence of 1153 organic micropollutants in the aquatic environment of Vietnam. Environ. Sci. Pollut

8. Le Thi Minh, T., Nguyen Phuoc, D., Dinh Quoc, T., Ngo, H.H., Do Hong Lan, C., 2016. Presence of e-EDCs in surface water and effluents of pollution sources in Sai Gon and Dong Nai river basin. Sustain. Environ.

9. Romance Caracciolo, Beate I.Escher, Foon Yin Lai, Truong An Nguyen, Thi Minh Tam Le, Rita Schlichting, Rikard Troger, Julien Nemery, Karin Wiberg, Phuoc Dan Nguyen, Christine Baduel., 2023. Impact of a megacity on the water quality of a tropical estuary assessed by a combination of chemical analysis and in-vitro bioassays. Science of the total Environment.

10. Rikard Tröger, Hanwei Renb, Daqiang Yinb, Cristina Postigoc, Phuoc Dan Nguyend,Christine Baduel, Oksana Golovkoa, Frederic Beeng, Hanna Joerss h, Maria Rosa Boledai, Stefano Poleselloj, Marco Roncoroni, Sachi Taniyasul, Frank Menger, Lutz Ahrens, Foon Yin Lai, Karin Wiberg., 2021. What’s in the water? Target and suspect screening of contaminants of emerging concern in raw water and drinking water from Europe and Asia. Water Research.

Ý kiến của bạn