Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Ô nhiễm môi trường từ các điểm tập kết rác thải sinh hoạt

30/07/2015

     Theo thống kê, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội thải ra khoảng 5.400 tấn rác thải sinh hoạt, có khi lên tới trên 7.000 tấn, trong khi tại các quận mới như Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải mới chỉ đạt được trên 70%. Điều đáng nói là những thùng đựng rác tại các điểm tập kết thường xuyên ở tình trạng không che phủ bạt, bốc mùi hôi, vào những ngày nắng nóng, việc phát tán mùi càng nhanh hơn và là nơi trú ẩn của các loại ký sinh trùng có hại, còn khi trời mưa to, nước bẩn từ thùng rác thải rỉ ra đường, gây ô nhiễm môi trường.

 

Các điểm tập kết rác bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường



     Trao đổi với ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội - đơn vị được giao quản lý về công tác vệ sinh môi trường tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên, Tông cho biết, theo quy định, những thùng thu gom rác được tập kết tại vị trí quy định phải được che phủ bằng bạt cẩn thận, sau khoảng hai giờ đồng hồ sẽ được xe chuyên dụng đến vận chuyển đến nơi xử lý. Cũng theo ông Phạm Văn Đức, việc người dân phản ánh ô nhiễm là có cơ sở vì không phải lúc nào công nhân cũng thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, không ít gia đình, hộ dân làm ăn, buôn bán không muốn những thùng rác án ngữ "mặt tiền", nên thường có ý kiến, trong khi việc đặt thùng rác không phải là do công ty môi trường muốn đặt ở đâu tùy thích mà mỗi địa điểm đều phải xin ý kiến của phường, tổ dân phố.

     Hiện tại công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP. Hà Nội đã được xã hội hóa, tổng cộng có 26 đơn vị tham gia, trong đó có nhiều công ty tư nhân, công ty cổ phần. Thực tế cho thấy, mặc dù là lĩnh vực công ích, nhưng khi doanh nghiệp tham gia sẽ tính đến bài toán lỗ - lãi. Có lẽ xuất phát từ vấn đề doanh thu, lợi nhuận nên một số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP đã nghĩ ra những cách làm ngang tắt, tự ý rút bớt quy trình, không tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường đối với việc tập kết rác chờ xử lý để giảm ngày công lao động… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về thu gom, xử lý rác thải.

     Năm 2015, TP. Hà Nội tiếp tục chọn là "Năm trật tự văn minh đô thị", với quyết tâm xây dựng TP ngày càng sáng xanh, sạch đẹp hơn. Vì thế, thiết nghĩ bên cạnh việc xây dựng thêm những nhà máy xử lý và bổ sung số lượng xe vận chuyển rác... thì các cơ quan chức năng của TP cần quan tâm xem xét, nghiên cứu, tìm ra phương thức thu gom, xử lý rác một cách hợp lý, khoa học hơn, nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường ngay từ chính những công cụ phục vụ công tác BVMT.

 

Lê Chính

 

Ý kiến của bạn