Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Việt Nam tăng cường khả năng phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

08/03/2023

   Ngày 7/3/2023, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án của Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên (WARM Facility) do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và BVMT.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Đức Hiển, phát biểu khai mạc Hội thảo

    Sau 35 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong quy hoạch đô thị với tốc độ đô thị hóa ở mức cao (40% năm 2022 so với 30,5% năm 2010), đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: tốc độ phát triển nhanh song lại thiếu chiến lược tổng thể và bền vững, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với phát triển xã hội và BVMT, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai và con người, năng lực quản lý còn hạn chế. Do đó, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch đô thị tổng thể đảm bảo hài hòa các vấn đề nêu trên nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh chống chịu với  BĐKH và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Nhằm nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, về phát triển đô thị, Nghị quyết 06 đã xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH.

    Việt Nam thuộc tốp 10 nước chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu trên thế giới; bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên với 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất lớn. Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về những tác động của biến đổi khí hậu, và nước biển dâng tới các đô thị ven biển của Việt Nam đã dự báo mực nước biển có thể dâng cao thêm 30 cm vào năm 2050 theo kịch bản cực đoan nhất. Cũng theo kịch bản này, có thể có khoảng 4,5 triệu người thuộc các tỉnh thành ven biển chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt. Nhận thức được những vấn đề trên, Việt Nam đã xác định quan điểm và định hướng phát triển đô thị phải theo hướng bền vững, xây dựng các đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo.

    Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong những năm tới là triển khai hiệu quả Nghị quyết 148/NQ-CP. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến quan trọng về lượng và chất trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Thực hiện vai trò thường trực trong hợp tác quốc tế lĩnh vực phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè  quốc tế, trong đó có Pháp và các nước khác thuộc Cộng đồng EU.

    Hội thảo sẽ là cơ hội trao đổi, thảo luận và chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển bền vững đô thị và mở ra khả năng học hỏi, áp dụng tại Việt Nam. Điều này sẽ góp phần vào việc thúc đẩy phát triển đô thị bền vững nói riêng, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong giai đoạn tới một cách hiệu quả hơn và bền vững hơn và hữu ích đối với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Các đại biểu tham dự tại Hội thảo

    Chia sẻ về những kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị tại TP. Lyon (Pháp), ông Nicolas WARNERY, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, nước Pháp luôn sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Tôi tin tưởng rằng kinh nghiệm của các chuyên gia Pháp đến từ Lyon sẽ giúp các tỉnh, thành của Việt Nam có giải pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH.

    Do điều kiện địa lý tự nhiên nằm ở khu vực hợp lưu của hai con song là sông Rhône và sông Saône, TP. Lyon, giống như nhiều thành phố của Việt Nam, hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng. TP. Lyon đã áp dụng thành công nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa môi trường và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu.

    Ông Giorgio ALIBERTI, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: Liên minh Châu Âu luôn cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc xây dựng Quỹ WARM nhằm tài trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của Việt Nam.

    Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung vào các vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị bền vững. Đề xuất các giải pháp để Việt Nam áp dụng phát triển đô thị bền vững, có khả năng chống chịu và thích ứng với BĐKH trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Châu Loan

Ý kiến của bạn