Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Trao quyền cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp thông minh, toàn diện và bền vững

05/09/2024

    Ngày 5 - 6/9/2024, tại Hà Nội, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức Hội thảo APEC về trao quyền cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện. Hội thảo nhằm nâng cao năng lực xây dựng cho các nền kinh tế thành viên APEC, thông qua việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các thông lệ tốt trong việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ theo đổi nền nông nghiệp thông minh với khí hậu nói chung; hỗ trợ phụ nữ áp dụng các phương pháp tiếp cận nông nghiệp thông minh với khí hậu nói riêng, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), giải quyết tình trạng mất an toàn lương thực và các thách thức về môi tường.

    Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO), khoảng 8,9% dân số thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng cùng nạn đói do mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Những tác động bất lợi của BĐKH (nhiệt độ tăng cao, biến đổi thời tiết, cây trồng xâm lấn, sâu bệnh…) đã khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, dẫn đến giảm năng suất cây trồng, chất lượng dinh dưỡng của các loại ngũ cốc chính; giảm năng suất chăn nuôi, thất thoát, lãng phí lương thực. Mặt khác, nông nghiệp cũng góp phần gây ra BĐKH với ước tính xả ra môi trường khoảng 19 – 29% tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG). Có thể nói, khí hậu và nông nghiệp có mối quan hệ tác động qua lại, bổ trợ lẫn nhau, vì vạy, cách tiếp cận nông nghiệp thông minh với khí hậu sẽ giúp thúc đẩy nông nghiệp bền vững và toàn diện, góp phần giải  quyết tình trạng mất an ninh lương thực, đáp ứng các mục tiêu về khí hậu cũng như gánh nặng cho môi trường. Theo nghĩa đó, nông nghiệp thông minh với khí hậu là một cách tiếp cận giúp hướng dẫn các hành động chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm theo hướng thực hành xanh và chống chịu với BĐKH.

    Cũng theo FAO, nếu nữ nông dân được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực sản xuất, năng suất lao động của họ sẽ tăng từ 20 - 30%, góp phần giảm nạn đói toàn cầu từ 12 - 17%, giúp từ 100 - 150 triệu người không bị đói. Chiếm tỷ lệ tương đối trong lực lượng lao động, nữ nông dân có thể là đọng lực mạnh mẽ, thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu nếu như họ được trang bị kiến thức phù hợp và nâng cao kỹ năng. Đặc biệt, không chỉ có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thách thức của BĐKH, phụ  nữ còn có cơ hội được hưởng lợi từ việc tham gia vào thị trường các-bon và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đang phát triển do hạn chế về kinh nghiệm, năng lực,  nguồn lực. Điều này có thể cản trở nỗ lực của APEC nhằm theo đuổi an ninh lương thực thông qua thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu để nâng cao năng suất, tính bền vững và bao trùm.

Toàn cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thị Thủy, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, Hội thảo APEC về trao quyền cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện phù hợp với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo năm 2022, trong đó khẳng định cam kết thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bền vững và toàn diện thông qua thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết thách thức toàn cầy, bao gồm BĐKH, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai và an ninh lương thực… Hội thảo cũng góp phần thực hiện Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030 với trọng tâm là thúc đẩy chuyển đối hệ thống lương thực, tăng cường an ninh lương thực bằng cách giảm thiểu và thích ứng với BĐKH cũng như nâng cao tính bền vững đề giảm thiểu tác động có hại của hệ thống lương thực đối với môi trường. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng phù hợp với Lộ trình La Serena cho phụ nữ và tăng trưởng toàn diện giai đoạn từ năm 2019 - 2030, tập trung vào việc trao quyền cho phụ nữ nói chung, nữ nông dân ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa nói riêng, thông qua xây dựng năng lực để cải thiện sự tham gia, đóng góp của họ trọng theo đuổi nền nông nghiệp thông minh với khí hậu, vì mục đích bền vững, toàn diện.

    Hội thảo đã diễn ra với 6 phiên họp: (1) Tổng quan về việc trao quyền cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động vùng sâu, vùng xa, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH. Phiên họp này cung cấp bối cảnh về sự tham gia của phụ nữ hướng tới nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH tại các nền kinh tế thành viên APEC. Từ đó đánh giá tình hình hiện tại, phân tích cơ hội, thách thức cũng như tiềm năng với quan điểm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữvà nền nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với BĐKH. (2) Xác định những trở ngại, rào cản cản trở phụ nữ vùng sâu, vùng xa áp dụng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH (nhận thức hạn chế, năng lực thấp, thiếu thể chế hỗ trợ và các vấn đề nhạy cảm về giới, công cụ vận động…). (3) Tháo gỡ nút thắt cho sự tham gia của phụ nữ vào chuỗi giá trị nông thôn. Phiên họp này tập trung tìm hiểu cách thức cải cách chính sách và thực hiện các biện pháp có thể cải thiện quyền lợi về đất đai cho phụ nữ, thúc đẩy tăng cường thể chế cho các hợp tác xã phụ nữ cũng như doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đồng thời, cung cấp khả năng tiếp cận tài chính và thị trường thông qua các giải pháp ứng dụng công  nghệ, bao gồm cả xuất khẩu… (4) Xác định các nguồn lực để tăng cường năng lực và trao quyền cho phụ nữ áp dụng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH. Tại đây, các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau khám phá nhiều kênh hợp tác khác nhau như có thể thông qua các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ, hiệp hội phụ nữ, hợp tác xã, công đoàn và nhóm nông dân… Từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng của phụ nữ trong việc áp dụng nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH vì mục tiêu bền vững và hòa nhập. (5) Cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ với các kỹ năng và công nghệ để phục hồi khí hậu, tập trung vào cách cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ với các kỹ năng và công nghệ để thúc đẩy năng lực phục hồi khí hậu, áp dụng nông nghiệp thông minh, bền vững. (6) Thảo luận và đề xuất. Các đại biểu đã tập trung bàn thảo, đưa ra một số khuyến nghị về cách trao quyền cho phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH, nhằm khai thác cơ hội kinh doanh cũng như theo đuổi tăng trưởng và phát triển năng động, bền vững…

    Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, vai trò của phụ nữ lại càng trở nên quan trọng trên hành trình hướng tới kinh tế xanh. Vì vậy, trao quyền, nâng cao vị thế của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa nhằm thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH, thân thiện với môi trường. Đây là một biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tiến trình đạt tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện, đồng thời là căn cơ để góp phần xử lý hài hòa giữa một bên là yêu cầu phát triển kinh tế và một bên là nỗ lực BVMT, chống BĐKH, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.

    Nhân dịp này, bà Phạm Quỳnh Mai cũng gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để Hội thảo đạt được kết quả tốt đẹp, cung cấp thông tin có giá trị choa APEC nói chung, nhóm đối tác chính cách về phụ nữ và kinh tế (PPWE) nói riêng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn