Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 15/11/2024

Thực trạng thoái hóa đất và giải pháp phòng chống sa mạc hóa, cải thiện chất lượng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

16/07/2024

    Ngày Môi trường thế giới (5/6/2024) và Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6/2024) đều có chủ đề liên quan tới một vấn đề toàn cầu, có ảnh hưởng đến an ninh sinh thái của hành tinh, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, đó là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” và “Chung tay quản lý và sử dụng đất bền vững, di sản của chúng ta - tương lại của chúng ta”. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhân loại tới thách thức môi trường được cảnh báo là lớn nhất trong mọi thời đại, tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, sinh kế, môi trường.

1. Mở đầu

    Đất Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm cả số lượng và chất lượng do chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác do công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và thoái hóa đất. Nhiều vùng đất màu mỡ đang bị suy giảm chất lượng do rủa rồi, suy giảm độ phì nhiêu đất, khô hạn, hoang mạc hóa, kết von, đá ong, mặn hóa, phèn hóa. Quá trình và sự thoái hóa xảy ra ở hầu hết các vùng địa lý tự nhiên, kinh tế trong cả nước, cả đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Diện tích thoái hóa từ mức trung bình tới cao chiếm tới 15,07% tổng diện tích tự nhiên và tập trung ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Tăng cường chất hữu cơ, kiểm soát thay đổi sử dụng đất và quản lý, sử dụng đất, nước bền vững là chiến lược chống sa mạc hóa tại Việt Nam.

    Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động quốc gia về sa mạc hóa. Ngày 2/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg về Ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm thực hiện Công ước chống sa mạc hoá của Liên hợp quốc và cụ thể hoá định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

    Theo Công ước, sa mạc hóa là sự suy thoái đất tại các vùng khô hạn, bán khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra. Suy thoái đất là quá trình giảm hoặc mất đi năng suất sinh học và khả năng đem lại lợi ích kinh tế của đất. Vùng khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn là vùng có tỷ lệ bốc hơi nước khoảng từ 0,05 đến 0,60. Ở Việt Nam, chống sa mạc hóa có nghĩa là ngăn chặn nguy cơ thoái hóa đất, hạn chế quá trình thoái hóa đất ở vùng bán khô hạn, khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn; phục hồi và cải tạo đất đang bị suy thoái, hoang hóa bằng việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa để từng hộ dân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên đất đai, rừng, chống nhiễm mặt, nhiễm phèn, chống cát di động, phát triển thủy lợi để cải thiện sinh kế cho người dân địa bàn bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa [3]. Ban đầu Công ước chỉ quan tâm tới các vùng khô hạn nhưng sau đó đã mở rộng hoạt động sang việc phòng chống suy thoái, thoái hoá đất.

    Theo Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg, quan điểm chỉ đạo chống sa mạc hóa bao gồm: (1) Chống sa mạc hóa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, nguồn nước và đất đai, nâng cao từng bước thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết vững chắc nhiệm vụ định canh định cư. (2) Chống sa mạc hóa phải được tiến hành một cách khoa học, hiệu quả, trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ của Nhà nước, có tính kế thừa và được sự chỉ đạo tập trung và đồng bộ của Chính phủ; được cụ thể hóa bằng các dự án do các Bộ, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân địa phương bị sa mạc hóa thực hiện và huy động được sự quan tâm và góp sức của toàn xã hội. (3) Mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm tập trung đầu tư và thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tăng cường đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại, kế thừa kinh nghiệm truyền thống phù hợp, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia chống sa mạc hóa và các cam kết đa phương về môi trường (MEAs). (4) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, gắn Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ môi trường cũng như các chiến lược, các chương trình quốc gia khác với việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs).

2. Hiện trạng thoái hóa đất nông nghiệp tại Việt Nam

2.1. Hiện trạng đất nông nghiệp năm 2022

    Hiện trạng đất nông nghiệp năm 2022 được thể hiện qua Bảng 1.

Bảng 1: Hiện trạng đất nông nghiệp toàn quốc năm 2022

Thứ tự

Loại đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

 

Tổng diện tích đất nông nghiệp

NNP

28.002.574

100

1

Đất sản xuất nông nghiệp

SXN

11.673.357

41,69

1.1

Đất trồng cây hàng năm

CHN

6.753.636

24,12

1.1.1

Đất trồng lúa

LUA

3.930.351

14,04

1.1.1.1

Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

3.190.965

11,40

1.1.1.2

Đất trồng lúa nước còn lại

LUK

639.490

2,28

1.1.1.3

Đất trồng lúa nương

LUN

99.895

0,36

1.1.2

Đất trồng cây hàng năm khác

HNK

2.823.285

10,08

1.1.2.1

Đất bằng trồng cây hàng năm khác

BHK

1.053.522

3,76

1.1.2.2

Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác

NHK

1.769.763

6,32

1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

4.919.721

17,57

2

Đất lâm nghiệp

LNP

15.467.658

55,24

2.1

Đất rừng sản xuất

RSX

8.025.301

28,66

2.1.1

Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên

RSN

3.868.691

13,82

2.1.2

Đất có rừng sản xuất là rừng trồng

RST

3.210.013

11,46

2.1.3

Đất đang sử dụng để bảo vệ, phát triển RAX

RSM

946.598

3,38

2.2

Đất rừng phòng hộ

RPH

5.123.285

18,30

2.2.1

Đất có rừng phòng hộ là rừng tự nhiên

RPN

4.016.676

14,34

2.2.2

Đất có rừng phòng hộ là rừng trồng

RPT

599.697

2,14

2.2.3

Đất đang sử dụng để bảo vệ, phát triển RPH

RPM

506.911

1,81

2.3

Đất rừng đặc dụng

RDD

2.319.072

8,28

2.3.1

Đất có rừng đặc dụng là rừng tự nhiên

RDN

2.083.974

7,44

2.3.2

Đất có rừng đặc dụng là rừng trồng

RDT

104.658

0,37

2.3.3

Đất đang sử dụng để bảo vệ, phát triển RDM

RDM

130.439

0,47

3

Đất nuôi trồng thủy sản

NTS

783.930

2,80

4

Đất làm muối

LMU

15.373

0,05

5

Đất nông nghiệp khác

NKH

62.256

0,22

            Nguồn: Bộ TN&MT, 2022

    Qua Bảng 1 cho thấy, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp là 2 loại đất chiếm chủ yếu trong đất nông nghiệp, trong đó đất có rừng tự nhiên phòng hộ, đặc dụng và sản xuất chiếm 35,6% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trong đất sản xuất nông nghiệp thì đất trồng lúa và đất trồng cây lâu năm là chính với diện tích tương ứng là 3.930.351 ha, chiếm 14,04% và 4.919.721 ha, chiếm 17,57% tổng diện tích đất nông nghiệp; đây là những loại đất quyết định tới an ninh lương thực và đời sống của người dân nông thôn cả ở đồng bằng và trung du, miền núi. Trong khi nguy cơ sa mạc hóa xuất hiện ngay cả ở những vùng đất được cho là màu mỡ trước đây, nhưng do quá trình canh tác không bền vững dẫn đến suy thoái đất. 

2.2. Tình trạng thoái hóa đất nông nghiệp

2.2.1. Diện tích thoái hóa  

    Theo Tổng cục Quản lý đất đai (2020), đất nông nghiệp Việt Nam được đánh giá ở mức độ thoái hóa nhẹ tới trung bình là chủ yếu, diện tích thoái hóa nặng chỉ chiếm có 4,14 tổng diện tích điều tra và chiếm 3,64% tổng diện tích tự nhiên; khu vực thoái hóa nặng chủ yếu trên địa bàn các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc (619 nghìn ha), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (455 nghìn ha). Diện tích đất bị thoái hóa trung bình phân bố chủ yếu trên địa bàn các vùng: Trung du và Miền núi phía Bắc (1.839 nghìn ha), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (889 nghìn ha).

Bảng 2. Hiện trạng thoái hóa đất nông nghiệp năm 2020

TT

Mức độ thoái hóa

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

So với diện tích điều tra (%)

So với diện tích tự nhiên (%)

1

Thoái hóa nặng

1.207.000

10,20

4,14

3,64

2

Thoái hóa trung bình

3.787.000

31,99

13,00

11,43

3

Thoái hóa nhẹ

6.844.000

57,81

23,49

20,66

 

Tổng

11.838.000

100,00

40,63

35,73

Nguồn: Tổng cục Quản lý đất đai, 2020

    Đất bị thoái hóa nặng chủ yếu xảy ra trên: đất chưa sử dụng với 800 nghìn ha (chiếm 2,42% DTTN), đất lâm nghiệp với 293 nghìn ha (chiếm 0,88% DTTN) và đất sản xuất nông nghiệp với 114 nghìn ha (chiếm 0,34% DTTN). Đất bị thoái hóa trung bình chủ yếu xảy ra trên: đất sản xuất nông nghiệp với 1.655 nghìn ha (chiếm 5,00% DTTN), đất lâm nghiệp với 1.367 nghìn ha (chiếm 4,13% DTTN) và đất chưa sử dụng với 753 nghìn ha (chiếm 2,27% DTTN).

            Bảng 3. Hiện trạng thoái hóa theo loại hình sử dụng đất

TT

Loại đất

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

So với diện tích tự nhiên (%)

1

Đất sản xuất nông nghiệp

5.077.000

23,21

15,33

1.1

- Thoái hóa nặng

114.000

0,52

0,99

1.2

- Thoái hóa trung bình

1.655.000

7,56

14,36

1.3

- Thoái hóa nhẹ

3.308.000

15,12

28,71

2

Đất lâm nghiệp

4.969.000

22,71

15,00

2.1

- Thoái hóa nặng

293.000

1,34

1,97

2.2

- Thoái hóa trung bình

1.367.000

6,25

9,19

2.3

- Thoái hóa nhẹ

3.309.000

15,12

22,25

3

Đất nuôi trồng thủy sản

93.000

0,43

0,28

4

Đất chưa sử dụng

1.693.000

7,74

5,11

 

Tổng

21.785.000

100,00

 

Nguồn: Tổng cục Quản lý đất đai, 2020

    Diện tích đất lâm nghiệp bị thoái hóa nặng xảy ra trên các vùng đồi núi chủ yếu bị xói mòn, rửa trôi và suy giảm độ phì có sự che phủ không cao, đây là các khu vực rừng bị suy giảm tương đối nghiêm trọng.

    Thoái hóa đất nuôi trồng thủy sản chủ yếu do sự xâm nhập mặn ở các vùng chuyên canh ven biển và một số khu vực do tự phát chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản lợ, mặn.

2.2.2. Các quá trình thoái hóa đất

    Quá trình thoái hóa đất trên địa bàn cả nước không đồng nhất mà theo đặc trưng của từng vùng, chủ yếu gồm 5 quá trình thoái hóa đất. Trong đó, thoái hóa do quá trình khô hạn, hoang mạc hóa và quá trình suy giảm độ phì nhiều đất là chủ yếu.

 Nguồn: Tổng cục Quản lý đất đai, 2020

Bảng 4: Các quá trình thoái hóa đất

TT

Quá trình xói mòn

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

So với DTTN (%)

1

Quá trình rửa trôi

13.358.000

29,67

40,33

2

Quá trình suy giảm độ phì nhiêu đất

13.417.000

29,80

40,51

2.1

Suy giảm nặng

1526000

3,39

4,61

2.2

Suy giảm trung bình

4.409.000

9,79

13,31

2.3

Suy giảm nhẹ

7481000

16,61

22,58

3

Quá trình khô hạn, hoang mạc hóa đất

16.773.000

37,25

50,64

3.1

Suy giảm nặng

1.449.000

3,22

 

3.2

Suy giảm trung bình

 

0,00

 

3.3

Suy giảm nhẹ

 

0,00

 

4

Quá trình kết von, đá ong hóa

1156000

2,57

3,97

4.1

Kết von nặng

 194.000

0,43

0,58

4.2

Kết von trung bình

369.000

0,82

1,11

4.3

Kết von nhẹ

 594.000

1,32

1,79

5

Quá trình mặn hóa

197.000

0,44

0,59

5.1

Mặn hóa nặng

47.000

0,10

1,14

5.2

Mặn hóa trung bình

43.000

0,10

0,13

5.3

Mặn hóa nhẹ

107.000

0,24

0,32

6

Quá trình phèn hóa

125.000

0,28

0,38

6.1

Phèn hóa nặng

81.000

0,18

0,24

6.2

Phèn hóa trung bình

17.000

0,04

0,05

6.3

Phèn hóa nhẹ

27.000

0,06

0,08

 

Tổng

45.026.000

100,00

 

Nguồn: Tổng cục Quản lý đất đai, 2020

3. Nguyên nhân và giải pháp chống sa mạc hóa tại Việt Nam

3.1. Nguyên nhân chính ảnh hưởng tới thoái hóa đất

    Một là, suy giảm độ phì nhiêu do canh tác độc canh, thâm canh cao và lạm dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, nhất là vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nhưng ít sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, làm cho đất bị chua hóa, mất chất hữu cơ và kiệt quệ chất dinh dưỡng.

    Hai là, chuyển mục đích sử dụng đất ở vùng ven biển từ đất lúa, đất trồng cây hằng năm sang nuôi trồng thủy sản dẫn đến mặn hóa, phèn hóa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.

    Ba là, tập quán canh tác nương rẫy du canh (đốt nương làm rẫy) của đồng bào các dân tộc thiểu số gây xói mòn, rửa trôi.

    Bốn là, suy giảm, chia cắt hệ thống tưới tiêu ở vùng đồng bằng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng nông thôn mới.

    Năm là, trong lâm nghiệp, hiện tượng chặt phá rừng, kỹ thuật khai thác rừng không hợp lý (khai thác trắng), sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp còn phổ biến gây xói mòn đất, suy giảm tính chất đất rừng gây hoang mạc hóa, nhất là khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc.

3.2. Các giải pháp phòng chống sa mạc hóa

    Thứ nhất, tăng cường bón phân hữu cơ, tận dụng các vật thể hữu cơ sau thu hoạch để bổ sung mùn cho đất, trồng xen hoăc luân canh cây họ đậu, cây có khả năng cố định đạm trong đất nhằm nâng cao sức khỏe đất;

    Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ thay đổi sử dụng đất vùng ven biển, bảo vệ và trồng rừng ngập mặn ven biển kết hợp đầu tư các công trình đê điều, tưới tiêu, công trình thủy lợi để hạn chế xâm nhập mặn, thau chua rửa mặn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nghiên cứu các giống cây trồng có khả năng chịu mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu.

    Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân làm nghề rừng thông qua các chương trình như chi trả dịch vụ môi trường rừng, buôn bán tín chỉ các bon; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đất dốc bền vững như làm ruộng bậc thang, vườn rừng, vườn nhà, trại rừng, nương định canh tùy theo cấp độ dốc và đảm bảo tính bền vững.

    Thứ tư, đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, các mô hình nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp học tập cộng đồng trên các vùng đất nông nghiệp tập trung hoặc xen kẽ trong các khu đô thị mới, không công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tăng thu nhập và phát triển hài hòa bền vững.

    Thứ năm, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp, xây dựng bản đồ đất kỹ thuật số các bon hữu cơ trong đất Việt Nam, bản đồ chất lượng đất, thoái hóa đất để kiểm soát biến động hàm lượng chất hữu cơ trong đất, diễn biến chất lượng đất và thoái hóa đất.

TS. Nguyễn Bá Long

 Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn

Trường Đại học Lâm nghiệp

(Nguồn: Bài đang trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2024). Quyết định số 1489/2024/QĐ-BNN ngày 30 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiện toàn ban điều phối quốc gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Quyết định số 3048/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 10 năm 2023 về Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2022.

3. Liên hợp quốc (1992). Công ước về chống sa mạc hóa, hội nghị thưởng đỉnh của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, Rio de Janeiro.

4. Thủ tướng Chính phủ (2006). Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9  năm  2006 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

5. Tổng cục Quản lý đất đai (2020). Báo cáo Tổng hợp Điều tra, đánh giá thoái hóa đất cả nước, Dự án Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc” (Hợp phần I: Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội)”.

Ý kiến của bạn