Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2022: Bảo đảm hiệu quả, tính khả thi cao và đi vào thực tiễn

23/06/2023

    Trong thời gian qua, Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN hợp lý, hiệu quả. TNN được quản lý, sử dụng bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và trong điều kiện biến đổi khi hậu ngày càng bất thường như hiện nay, chất lượng TNN đang có dấu hiệu suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn, trong khi đó, một số quy định của Luật TNN năm 2012 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về TNN giai đoạn 2022 - 2023 là xây dựng Dự án Luật TNN (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2023.

    Quan điểm xây dựng Luật

    Một là, thể chế hóa quan điểm TNN là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. TNN phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; việc khai thác, sử dụng TNN phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài.

    Hai là, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNN, gắn với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả, hiệu lực.

    Ba là, kế thừa các quy định của Luật TNN năm 2012 đang phát huy hiệu quả và bãi bỏ những quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn và yêu cầu về bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ TNN trong tình hình mới; luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới Luật đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn nhằm tăng giá trị pháp lý của các quy định này.

    Bốn là, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị TNN quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước trong Luật TNN; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đồng thời nâng cao giá trị của nước.

    Năm là, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; tách bạch quản lý tổng hợp, thống nhất về TNN với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...).

    Sáu là, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; luật hóa các quy định đã được thực tiễn khẳng định phù hợp; hoàn thiện cơ chế, chế tài ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về TNN.

    Bảy là, phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận, sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.

TNN phải được xác định là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý

    Tám là, tiếp cận theo xu thế của quốc tế có tính đến đặc thù của Việt Nam; xây dựng Dự thảo Luật theo hướng quy định tích hợp các nội dung liên quan đến TNN, đồng thời, phân giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan đến TNN như thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông thủy...

    Một số điểm mới và định hướng xây dựng Dự thảo Luật

    Khi được Quốc hội thông qua, Luật TNN (sửa đổi) sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả bảo đảm phù hợp với tình hình mới của Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn TNN, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam, thông qua những điểm mới sau:

    1) Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt trong toàn bộ Dự thảo Luật thông qua các quy định để đảm bảo về số lượng nước (hoạt động điều tra cơ bản; quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về TNN; quản lý nhu cầu khai thác, sử dụng nước; quy hoạch TNN; quản lý việc điều hòa, phân phối nguồn nước cho các mục đích sử dụng); chất lượng cho các mục đích sử dụng (chức năng nguồn nước; sức chịu tải của nguồn nước; đảm bảo chất lượng nước cho nước sinh hoạt); đảm bảo hệ sinh thái và môi trường (dòng chảy tối thiểu trên các sông, đoạn sông, hồ; ngưỡng khai thác nước dưới đất) và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Đặc biệt, quy định cụ thể về điều hòa, phân phối TNN, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

    2) Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hướng tới Nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện, dần dịch chuyển theo hướng Nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm. Đồng thời, bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển TNN, trong đó quy định rõ nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước; làm rõ những hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển TNN. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển TNN, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.

    3) Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác TNN, nâng cao ý thức bảo vệ TNN, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác TNN nhằm tính đúng, tính đủ giá trị TNN, trong đó, Dự thảo Luật bổ sung thu tiền cấp quyền khai thác TNN đối với nước sinh hoạt và thu tiền theo lộ trình đối với sản xuất nông nghiệp.

    4) Bổ sung quy định về quản lý, khai thác, sử dụng nước, nhằm kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng nước phải phải đúng mục đích sử dụng, phù hợp với chức năng nguồn nước, khả năng của nguồn nước và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông, suối, ngưỡng khai thác nước dưới đất; quy định cụ thể về giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước theo hướng kết nối, truyền dữ liệu tự động, liên tục và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám sát khai thác, sử dụng TNN.

    5) Bổ sung quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ và các quy định về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp nhằm tăng cường việc bảo vệ những nguồn nước có chức năng điều hòa, phòng chống ngập úng, BVMT.

    6) Quy định trách nhiệm của Bộ TNMT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

    7) Bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương trong toàn bộ Dự thảo Luật. Hướng tới quản lý TNN trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.

    Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về TNN với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.

    Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung như: Hệ thống thông tin, dữ liệu TNN; bảo vệ nước dưới đất; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép; phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phương án xử lý đối với các công trình khai thác, sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Bỏ quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, điều tra cơ bản TNN.

ThS. Trần Thị Thu Hằng

Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

 

Ý kiến của bạn