Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tại Việt Nam

05/07/2023

    Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới gió mùa, với các điều kiện tự nhiên đặc thù, đã tạo ra các cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên sinh học phong phú, đa dạng, có vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người như: cảnh quan núi, cao nguyên (núi đá, cao nguyên, karst, hẻm núi, di sản địa học/địa chất, hoang mạc, thác nước, hồ trên núi, đèo, hang động, đồng cỏ); cảnh quan đồng bằng (hồ tự nhiên, vùng đất ngập nước, rừng tự nhiên tại khu vực nông thôn và đô thị, ngã ba sông); cảnh quan ven biển (cồn cát, bãi biển, bờ đá, rừng ngập mặn, bãi triều, cửa sông ven biển); cảnh quan biển, đảo (sườn bờ ngầm, rừng/thảm thực vật tự nhiên trên đảo, rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ sinh thái rong biển, vũng, vịnh, đầm phá, đảo và quần đảo, khu trú ngụ của các loài thủy sinh).

    Cảnh quan là nơi chứa đựng các điều kiện, dịch vụ cần thiết và cung cấp không gian sống cho con người và sinh vật. Hội đồng Châu Âu (2000) khẳng định về tầm quan trọng của cảnh quan như sau: Cảnh quan có vai trò quan trọng đối với lợi ích cộng đồng trong các lĩnh vực văn hóa, sinh thái, môi trường và xã hội, đồng thời là nguồn tài nguyên thuận lợi cho hoạt động kinh tế và việc bảo vệ, quản lý và lập kế hoạch có thể góp phần tạo việc làm; Cảnh quan góp phần hình thành các nền văn hóa địa phương và nó là một thành phần cơ bản của di sản văn hóa và thiên nhiên châu Âu, góp phần mang lại hạnh phúc cho con người và củng cố bản sắc châu Âu; Cảnh quan là một phần quan trọng trong chất lượng cuộc sống của người dân ở khắp mọi nơi: ở thành thị và nông thôn, ở những khu vực xuống cấp cũng như những khu vực có chất lượng cao, ở những khu vực được công nhận là có vẻ đẹp nổi bật cũng như những khu vực đời thường; Cảnh quan là một yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng của cá nhân và xã hội và việc bảo vệ, quản lý và lập kế hoạch của nó đòi hỏi các quyền và trách nhiệm của mọi người. Các nhà khoa học trên giới và Việt Nam đã khẳng định: cảnh quan thiên nhiên với các chức năng, giá trị quan trọng như: cung cấp tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn, môi trường, sinh thái, thẩm mỹ, văn hóa… là đối tượng cần bảo vệ và khai thác sử dụng bền vững phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

    Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các đạo luật riêng về quản lý, bảo vệ cảnh quan như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay ban hành các quy định quản lý, bảo vệ cảnh quan trong các đạo luật liên quan như Nga, Anh, Phần Lan, Estonia. Nội dung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên được đề cập trong các Công ước, hướng dẫn như Công ước Di sản thế giới, Công ước Cảnh quan Châu Âu, Công ước Đa dạng sinh học, hướng dẫn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)… Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cảnh quan thiên nhiên và sự quan tâm của quốc tế đối với vấn đề này.

    Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam nhiều trường hợp phá hủy/phá vỡ toàn bộ cảnh quan hay một trong những hợp phần cấu trúc cảnh quan, mặc dù đạt được ích lợi kinh tế và có thể là xã hội trước mắt, nhưng đã và đang để lại hoặc dẫn đến hậu quả lâu dài. Ở nhiều địa phương quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phá vỡ hay xâm hại các cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; ít quan tâm đến các cảnh quan có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái như: khu đất ngập nước có tầm quan trọng, các khu vực có đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học (nằm ngoài các khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và đa dạng sinh học), công viên, không gian xanh lớn, vành đai xanh, rừng, sông, suối, dòng chảy quan trọng tại các khu vực đô thị và nông thôn; chưa chú trọng đến tính tổng thể và mối liên hệ chặt chẽ giữa các hợp phần của cảnh quan. Nguyên nhân của các tác động này là do ảnh hưởng từ các hoạt động phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác khoáng sản, quá trình đô thị hóa nông thôn và có thể do bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

    Các quy định pháp luật đối với bảo vệ cảnh quan ở Việt Nam đã được đề cấp trong một số Luật và các văn bản dưới Luật, nội dung chủ yếu tập trung tại các văn bản như: Luật đa dạng sinh học năm 2008, Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật khoáng sản năm 2010, Luật di sản Văn hóa năm 2013, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Tuy nhiên, hành lang pháp lý quy định về việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên còn nhiều thiếu hụt, dẫn đến việc bảo vệ cảnh quan, đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên chưa hiệu quả. Nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tác động mạnh mẽ đến cảnh quan thiên nhiên như xây dựng trái phép tại Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú… ngay cả những cảnh quan thiên nhiên có tầm quan trọng quốc tế như Vịnh Hạ Long, danh thắng Tràng An - Ninh Bình cũng đã bị xâm phạm.

 Thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động thuộc Quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An,

Di sản thế giới hỗn hợp của UNESCO duy nhất ở Đông Nam Á

    Từ thực trạng nêu trên, việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tăng cường bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tại Việt Nam là rất cần thiết. Chỉ thị này được ban hành sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường công tác bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tại Việt Nam, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nội dung Chỉ thị tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tại Việt Nam như sau:

    Thứ nhất là rà soát, ban hành các chính sách, quy định pháp luật và các công cụ, giải pháp, hướng dẫn bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;

    Thứ hai là xây dựng tiêu chí và lập danh mục các cảnh quan thiên nhiên quan trọng cấp quốc gia; xây dựng tiêu chí và hướng dẫn địa phương lập danh mục cảnh quan thiên nhiên quan trọng cấp tỉnh;

    Thứ ba là ban hành Quy chế quản lý cảnh quan thiên nhiên quan trọng, cảnh quan sinh thái quan trọng đã được quy hoạch; ban hành Chương trình quản lý cảnh quan bền vững cho các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

    Thứ tư là ban hành hướng dẫn lồng ghép tiếp cận cảnh quan vào nội dung quản lý của các ngành, lĩnh vực có liên quan từ trung ương đến địa phương;

    Thứ năm là ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và Hướng dẫn kỹ thuật phục vụ công tác kiểm soát tác động, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư có nguy cơ tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường và công ta kiểm tra các dự án khi vận hành;

    Thứ sáu là điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện các cảnh quan thiên nhiên quan trọng; quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về cảnh quan thiên nhiên quan trọng;

    Thứ bảy là tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là đánh giá và giám sát tác động của các dự án đầu tư đến cảnh quan thiên nhiên quan trọng;

     Thứ tám là tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của cảnh quan thiên nhiên; hướng dẫn, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các nội dung quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

    Để triển khai thực hiện Chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, thể thao và du lịch, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

    Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo, đốc thúc triển khai thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; rà soát, lập danh mục các cảnh quan thiên nhiên quan trọng và tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ; chỉ đạo áp dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan trong xây dựng và triển khai quy hoạch cấp tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư có vị trí liên quan đến cảnh quan thiên nhiên; trong quản lý và phân vùng môi trường trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn Ban quản lý các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh lồng ghép nội dung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong các phương án, kế hoạch, đề án quản lý khu bảo tồn; tổ chức, giám sát, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư có nguy cơ tác động mạnh đến cảnh quan thiên nhiên. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các dự án làm phá vỡ, thay đổi cảnh quan thiên nhiên quan trọng trên địa bàn tỉnh.

    Có thể thấy, các tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tác động mạnh mẽ đến cảnh quan thiên nhiên, làm mất đi tính toàn vẹn và các giá trị, chức năng quan trọng của cảnh quan thiên nhiên. Tình trạng các cảnh quan thiên nhiên quan trọng bị phá hủy, xâm hại vẫn diễn ra phổ biến do các hoạt động phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác vật liệu xây dựng… Nhiều trường hợp cảnh quan thiên nhiên quan trọng đã mất đi những giá trị, chức năng quan trọng vĩnh viễn, không thể phục hồi. Vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách quản lý, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cần được ban hành kịp thời và triển khai thực hiện hiệu quả trong bối cảnh hiện nay để bảo vệ những giá trị, chức năng quan trọng của cảnh quan thiên nhiên tại Việt Nam.

TS. Phạm Hạnh Nguyên

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2023)

Ý kiến của bạn