Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

13/03/2023

    Ngày 28/2/2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội nghị

    Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý các nội dung trọng tâm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; hộ gia đình sử dụng đất…

    Góp ý tại Hội nghị, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Luật Đất đai được ban hành năm 1987, 1993, 2003 và 2013 (sửa đổi 2018) gắn với từng thời ký phát triển, có vai trò quan trọng trong hệ thống luật. Việc sửa đổi Luật Đất đai đang là vấn đề được quan tâm, lấy ý kiến nhân dân. Hội nghị lấy ý kiến lần này có ý nghĩa quan trọng để chọn lọc, tập hợp và đề cập đồng bộ các nội dung mà Trung ương định hướng trong Nghị quyết 18-NQ/TW nâng cao chất lượng của luật, xứng tầm. Dự thảo lần này đã đề cập đến nhiều quy định cụ thể, song vẫn có nhiều góp ý khác nhau thậm chí trái chiều. Một số từ giải thích chưa chuẩn xác hoặc còn thiếu.

    Đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nội dung khá toàn diện, bao quát, có nhiều điểm mới có tính chất đột phá, TS. Lê Văn Hoạt - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã căn bản quán triệt và cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và các định hướng chính sách lớn đã để ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, TS. Lê Văn Hoạt cho rằng, cần rà soát kỹ hơn, cụ thể hơn, đảm bảo sự thống nhất hơn giữa các nội dung trong bản thân Luật này và các Luật khác có liên quan để đảm bảo tính khả thi của Luật. Đây là vấn đề rất rộng, rất phức tạp và rất quan trọng, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cần được rà soát thật kỹ, xem xét một cách cẩn trọng…

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao 20 ý kiến bằng văn bản gửi tới Hội nghị và 9 ý kiến phát biểu trực tiếp thể hiện sự tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố bằng văn bản cùng với các ý kiến của nhân dân, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam các cấp sẽ được tổng hợp, chắt lọc khách quan gửi về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh Luật.

An Vi

Ý kiến của bạn