Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam về xây dựng danh mục phân loại xanh hỗ trợ cho thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh

27/06/2023

    Phát triển thị trường tín dụng xanh (TDX), trái phiếu xanh (TPX) đang là xu hướng nổi lên mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu với sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia phát triển cũng như các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...  Hai kênh huy động vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường, khí hậu. Ở Việt Nam, ngay từ khi Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa ra nhiệm vụ “Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư BVMT”. Trong khoảng 10 năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển tài chính xanh, TDX, TPX. Tuy vậy, dưới góc độ pháp luật thì trước khi Luật BVMT năm 2020 được ban hành, hành lang pháp lý để hỗ trợ cho hai kênh tài chính này lại hết sức thiếu hụt, không đồng bộ.

1. Tổng quan về tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Tín dụng xanh

    TDX cũng như giống như các loại tín dụng khác nhưng được ưu tiên cho các hoạt động kinh tế đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, BVMT. Theo đó, TDX được hiểu là việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích về môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học chung.

    TDX có thể được cung cấp bởi TCTD thuộc Chính phủ, các công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, quỹ đầu tư xanh. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp TDX ra thị trường. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Bănglađét… đều thực hiện biện pháp chính sách để khuyến khích các NHTM tham gia sâu, rộng hơn vào việc phát triển, cung cấp TDX. Hiện nay, nhiều ngân hàng tại Trung Quốc đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về rủi ro môi trường của khách hàng để kiểm soát sát sao các khoản vay và khách hàng có rủi ro cao về môi trường và tăng cường cấp tín dụng cho các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.

    Các lợi ích mà TDX mang lại được chứng minh ở cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp, bao gồm: (i) đối với quốc gia, TDX đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường và xã hội; góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân; tránh được rủi ro về môi trường và xã hội mà nhiều quốc gia đã gặp phải do quá chú trọng về tăng trưởng và phát triển kinh tế mà coi nhẹ tác động đến môi trường, sinh thái tự nhiên; (ii) ở cấp độ doanh nghiệp, TDX khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quy trình quản lý, tăng cường áp dụng các biện pháp BVMT. Thông qua đó, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước; (iii) về phía cộng đồng người dân, người tiêu dùng trong nền kinh tế, TDX sẽ mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế những rủi ro sử dụng sản phẩm độc hại. Đặc biệt, đây cũng là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thế giới, mở ra cơ hội để các định chế tài chính quốc tế huy động nguồn lực đầu tư vốn lớn vào thị trường Việt Nam.

 Trái phiếu xanh

    TPX cũng là công cụ nợ nhưng được phát hành trên thị trường chứng khoán để huy động tài trợ, cho vay từ khu vực tư nhân nhằm mở rộng quy mô và hiện thực hóa các kế hoạch về đối phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh quốc gia. TPX được xem là công cụ thúc đẩy phát triển, đầu tư vào các hoạt động BVMT của doanh nghiệp để đầu tư vào các dự án có mục đích BVMT, mang lại lợi ích môi trường, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính. Cùng với đó, thông qua quy định về TPX cho phép hình thành kênh huy động tài chính cho Chính phủ, chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu nổi cộm với quy mô lớn và dài hạn.

    Theo thống kê của Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) tính đến hết năm 2021, tổng tích lũy TPX được phát hành trên toàn cầu đến nay là 1.541 nghìn tỷ đô, riêng năm 2021 đạt là 452,2 tỷ đô. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy vai trò to lớn của việc sử dụng TPX như một đòn bẩy nguồn lực quan trọng cho công tác quản lý, BVMT của nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể coi là một ví dụ điển hình. Riêng năm 2018, TPX được phát hành bởi cả nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc đạt mức 30 tỉ USD, tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2019 đã đạt 21,8 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Ở khu vực ASEAN năm 2020 được đánh giá là năm kỷ lục trong phát hành các khoản vay xanh, xã hội và bền vững với tổng phát hành đạt 12,1 tỷ USD năm 2020, tăng 5,2% so với cùng kỳ so với mức 11,5 tỷ USD năm 2019; tổng tích lũy phát hành ở ASEAN kể từ năm 2016 đến nay ở mức 29,1 tỷ USD; Singapore là nước dẫn đầu với 53% tổng lượng phát hành của khu vực; Thái Lan và Indonesia cũng có mức tăng trưởng đáng kể. Theo đánh giá của Sean Kidney, Tổng giám đốc Tổ chức CBI, TPX ước đạt 500 tỷ USD cuối năm 2021 và dự báo cuối 2022 giá trị phát hành TPX sẽ đạt 1.000 tỷ USD và có thể đạt 5,000 tỷ USD vào năm 2025; trở thành kênh huy động vốn xanh toàn cầu quan trọng nhất.

2. Cơ chế trong thúc đẩy chuyển dịch nguồn lực tài chính theo hướng xanh hóa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

2.1. Xây dựng danh mục phân loại xanh để định hướng dòng vốn xanh trên thị trường tài chính

    Hiện nay, TDX, TPX đang được áp dụng rộng rãi và trở thành xu hướng phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế. Để thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng xanh, nhiều tổ chức khu vực, quốc gia đã xây dựng và ban hành các danh mục phân loại xanh, điển hình như: danh mục phân loại xanh do Ủy ban châu Âu ban hành và áp dụng rộng rãi trong toàn khối vào năm 2020; Trung Quốc (lần 1 năm 2020, bản cập nhật tháng 4 năm 2022); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Bangladesh; Ấn Độ; Mông Cổ; Kazakhstan... Cùng với đó, một số tổ chức tài chính quốc tế uy tín cũng ban hành các bộ tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn riêng như Tổ chức Sáng kiến khí hậu Toàn cầu (CBI), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

    Theo Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), Danh mục phân loại xanh (Green taxonomy) là một hệ thống phân loại để xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư giúp thúc đẩy một quốc gia đạt được các mục tiêu môi trường ưu tiên cụ thể của quốc gia đó, ví dụ như giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Năm 2012, Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI- Climate Bond Initiative) đưa ra các hướng dẫn tự nguyện cho thị trường tài chính dưới hình thức Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Taxonomy - CBI Taxonomy), Tiêu chuẩn và Chương trình chứng nhận trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Standard and Certification Scheme). Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu là một hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn, và yêu cầu kỹ thuật dựa trên nền tảng khoa học khí hậu bao gồm nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), và đóng góp của các Nhóm công tác Kỹ thuật và Công nghiệp của CBI.

Nguồn: Liên minh Tương lai của dữ liệu bền vững (FoSDA), 2022

Hình 1. Bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có sử dụng và cân nhắc sử dụng Danh mục phân loại xanh tính đến năm 2022

    Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển của Danh mục phân loại tài chính bền vững (EU Sustainable Finance Taxonomy) hay còn gọi là EU Taxonomy for sustainable activities) của Ủy ban châu Âu, và Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy) của gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được ban hành chính thức (Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Phillipin, Colombia...) hoặc đang trong quá trình soạn thảo cho các hoạt động kinh tế bền vững với mục tiêu giảm phát thải, BVMT và thúc đẩy nền kinh tế các bon thấp.

    Tất cả các Danh mục phân loại xanh đều được xây dựng nhằm mục đích chung là giúp các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách và các bên liên quan xác định khoản đầu tư nào có thể được gắn nhãn “xanh”, từ đó giúp đưa ra các quyết định về các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, khuyến khích và mở rộng việc thực hiện các dự án và hoạt động kinh tế bền vững với môi trường và đóng góp vào các mục tiêu môi trường cụ thể. Trong các mục tiêu môi trường cụ thể của mỗi Danh mục phân loại xanh có sự khác biệt để thể hiện các mục tiêu môi trường quốc gia và mức độ ưu tiên về phát triển các ngành kinh tế mà các quốc gia hướng đến

Bảng 1. Mục tiêu tổng quát, và mục tiêu môi trường của các Danh mục phân loại xanh

 

Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu môi trường

Danh mục phân loại  của CBI

Cung cấp các tiêu chí chi tiết phù hợp với khí hậu cho các nhà phát hành TPX và trái phiếu khí hậu, các nhà đầu tư, Chính phủ và các cơ quan quản lý thuộc trung ương để giúp họ hiểu các khoản đầu tư quan trọng sẽ mang lại một nền kinh tế cac bon thấp.

Nền kinh tế các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) phù hợp với giới hạn nóng lên toàn cầu 1,5 độ C do Thỏa thuận COP 21 Paris đặt ra.

Danh mục phân loại  của EU

Để giúp các nhà đầu tư, công ty, tổ chức phát hành và chủ đầu tư dự án điều hướng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp, có khả năng phục hồi và sử dụng tài nguyên hiệu quả, và đóng vai trò là khung báo cáo cho quy định mới của EU về công bố thông tin liên quan đến khí hậu của các nhà đầu tư, tập đoàn và ngân hàng.

(1) Giảm nhẹ BĐKH; (2) Thích ứng BĐKH; (3) Sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn nước và tài nguyên biển; (4) chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn; (5) Quản lý ngăn chặn ô nhiễm; (6) Bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Danh mục phân loại  của Trung Quốc

Để xanh hóa toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó phát triển thị trường TPX là một phần thiết yếu.

(1) Tiết kiệm năng lượng; (2) Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; (2) Bảo tồn nguồn tài nguyên và tái chế; (3) Giao thông sạch, (4) Năng lượng sạch; (5) Bảo vệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2020

    Mặc dù, các quốc gia có thể xây dựng Danh mục phân loại xanh dựa trên các nguyên tắc và cách thức khác nhau, nhưng nhìn chung những danh mục phân loại xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc chính sau:

- Tiếp cận theo nguyên tắc “Danh sách trắng”: Cách tiếp cận này tập trung vào việc xác định các dự án đủ điều kiện hoặc các hoạt động kinh tế theo từng ngành hoặc tiểu lĩnh vực. Loại phân loại này liệt kê các công nghệ được coi là xanh hoặc bền vững và cung cấp mô tả chi tiết về tính đủ điều kiện. Việc phân loại dựa trên danh sách trắng không phải lúc nào cũng bắt đầu bằng việc sàng lọc toàn bộ các hoạt động kinh tế mà tìm cách xác định các hoạt động đã xanh hoặc chứa các thành phần xanh có thể mang lại nhiều tác động tích cực hơn cho môi trường. Cách tiếp cận này được Nga, Trung Quốc và Mông cổ sử dụng trong quá trình xây dựng Danh mục phân loại xanh của mình.

- Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (Technical screening criteria): Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật cung cấp thông tin về các ngưỡng và tiêu chí sàng lọc cho các hoạt động kinh tế và sự tuân thủ của chúng với các mục tiêu cụ thể. Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật xác định liệu các hoạt động kinh tế có tạo ra một đóng góp đáng kể vào môi trường và không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác hay không. Trong các lĩnh vực, cách tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật nhằm mục đích trung lập về công nghệ trong việc sàng lọc các dự án đủ điều kiện để đưa vào và do đó không xác định trước bất kỳ hoạt động công nghệ hoặc tiểu ngành cụ thể nào. Tuy nhiên, việc vận hành tiêu chí sàng lọc kỹ thuật sẽ đòi hỏi sự sẵn có của dữ liệu cần thiết. Danh mục phân loại xanh của Hàn Quốc, EU và Nam Phi đang sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng.

- Tiếp cận dựa trên các nguyên tắc (principles-based approach): tương tự như Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, cách tiếp cận này được áp dụng ở Danh mục phân loại của Malaixia và Nhật Bản. Ngân hàng Negara, Malaixia sử dụng phương pháp phân loại dựa trên nguyên tắc để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Danh mục xanh áp dụng nguyên tắc tiếp cận này sẽ bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cốt lõi để đánh giá các hoạt động kinh tế nào có thể được tài trợ.

Bảng 2. Danh mục phân loại xanh của các quốc gia và vùng lãnh thổ

TT

Quốc gia/ Vùng lãnh thổ

Tên Danh mục phân loại xanh, và tiến trình xây dựng

  •  

EU

Ủy ban châu Âu thành lập Nhóm chuyên gia kỹ thuật (TEG) về tài chính bền vững (7/2018)

Nghị định về Khung Danh mục phân loại - Taxonomy Regulation (12/2019)

TEG công bố Báo cáo cuối cùng về Danh mục phân loại - EU Taxonomy (3/2020)

  •  

Mông Cổ

Danh mục phân loại xanh quốc gia (9/2019), và Dự thảo Danh mục phân loại tài chính gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG finance taxonomy) (10/2021)

  •  

Malaixia

Danh mục phân loại dựa trên nguyên tắc về BĐKH (4/2021)

  •  

Trung Quốc

Danh mục dự án được phát hành TPX (12/2015), phiên bản cập nhật (4/2021)

  •  

Nhật Bản

Hướng dẫn về TPX 2017 (cập nhật 2020), Hướng dẫn cơ bản về chuyển đổi tài chính khí hậu (5/2021), Roadmap Taskforce to formulate sector-specific roadmaps

  •  

Nga

Danh mục phân loại xanh quốc gia được thông qua (11/2021) được phát triển bởi Ngân hàng phát triển nhà nước (VEB), đưa trên hệ thống phân loại của EU và Trung Quốc

  •  

ASEAN

Danh mục phân loại ASEAN cho tài chính bền vững (11/2021)

  •  

Hàn Quốc

Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành (K-Taxonomy) và Hướng dẫn về K-Taxonomy (12/2021) phù hợp theo mục tiêu và cấu trúc của Danh mục phân loại EU

  •  

Inđonêxia

Danh mục phân loại xanh Inđônêxia (1/2022)

  •  

Philippines

Lộ trình tài chính bền vững của Philippines

  •  

Nam Phi

Danh mục phân loại tài chính xanh Nam Phi (3/2021) dựa trên Danh mục phân loại EU

  •  

Bangladesh

Chính sách về tài trợ TPX cho các ngân hàng và tổ chức tài chính (9/2022) phản chiếu nội dung của Danh mục phân loại EU

  •  

Canada

Hội đồng Hành động tài chính bền vững (5/2021) được giao nhiệm vụ xây dựng Danh mục phân loại mới

  •  

Chile

Lộ trình cho Danh mục phân loại xanh Chile (5/2021)

  •  

Colombia

Danh mục phân loại xanh Colombia theo Danh mục phân loại của EU (4/2022)

  •  

Cộng hòa Dominica

Dự án xây dựng Danh mục phân loại xanh quốc gia (2/2022)

  •  

Ấn Độ

Danh mục phân loại, bước đầu tập trung vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu

  •  

Kazakhstan

Danh mục phân loại đang được phát triển và có thể được xuất bản vào cuối năm 2021

  •  

New Zealand

Danh mục phân loại dựa trên Danh mục phân loại EU

  •  

Singapore

Báo cáo tư vấn về Danh mục phân loại (1/2021), Tham khảo Danh mục phân loại EU và Danh mục phân loại ASEAN

  •  

Thái Lan

Danh mục phân loại giải quyết nhu cầu của địa phương và điều chỉnh phát triển quốc tế

  •  

Anh

Học viện Tài chính Xanh TP Luân Đôn, phù hợp với Danh mục phân loại của EU

  •  

Mexico

Đang trong quá trình thảo luận Danh mục phân loại Mexico

  •  

Sri Lanka

Mô hình Danh mục phân loại theo Danh mục phân loại của EU và Trung Quốc

Nguồn: Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT tổng hợp

2.2. Cấu trúc của một Danh mục phân loại xanh điển hình

    Một Danh mục phân loại xanh thường bao gồm các nhóm ngành chính, các tiểu ngành, và các tiêu chí môi trường để xác định một dự án hay hoạt động kinh tế thuộc ngành và tiểu ngành đó là “xanh”, đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu môi trường quốc gia. Việc phân nhóm ngành này có sự khác nhau giữa các quốc gia. Các ngành/nhóm ngành có thể bắt nguồn từ các phân loại ngành hiện có được sử dụng bởi các cơ quan thống kê quốc gia hoặc phân loại công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế của Liên hợp quốc đối với tất cả các hoạt động kinh tế (International Standards Industrial Classification – ISIC); ví dụ như EU và Trung Quốc. Các ngành liên quan cũng có thể được rút ra từ các chính sách và quy định về môi trường, các hệ thống phân loại ngân sách khu vực công và hệ thống đo lường, báo cáo và xác minh (MRV - measuring, reporting, and verification) được sử dụng để theo dõi và báo cáo về tài chính khí hậu, hoặc các tiêu chí của các sản phẩm tài chính xanh hiện có mà lĩnh vực ngân hàng thường sử dụng. Với các xuất phát điểm như vậy, số lượng các ngành và tiểu ngành cũng rất khác nhau giữa các Danh mục phân loại xanh. Áp dụng phân loại ngành hiện có của quốc gia là xu hướng được nhiều quốc qua sử dụng để cấu trúc Danh mục phân loại xanh của mình. Các Danh mục phân loại xanh đã ban hành trước đây cũng có xu hướng được nâng cấp theo cấu trúc này.

Bảng 3. Phân loại ngành của một số Danh mục phân loại xanh

Danh mục phân loại xanh

Hệ thống Phân loại ngành sử dụng

Số lượng ngành chính và các tiểu ngành

Mông Cổ (2019)

Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào

8 nhóm ngành lớn và 28 nhóm tiểu ngành

Hàn Quốc (2020)

Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào

5 nhóm, với 64 hoạt động kinh tế xanh

CBI (2021)

Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào

8 nhóm ngành lớn và 44 nhóm tiểu ngành

EU (2021)

Phân loại thống kê các hoạt động kinh tế trong Cộng đồng Châu Âu (Statistical classification of economic activities in the European Community – NACE)

8 ngành nghề xanh với 70 loại hình dự án xanh hoặc chuyển đổi xanh

Trung Quốc (2021)

Tham chiếu đến Hệ thống phân loại ngành quốc gia

6 nhóm ngành cấp I, 25 ngành cấp II, 47 ngành cấp III và 202 ngành cấp IV

ASEAN (2021)

Tham chiếu đến Phân loại công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế (ISIC)

9 nhóm ngành cấp I ưu tiên

Bangladesh (2022)

Không sử dụng hệ thống phân loại ngành nào

8 ngành nghề xanh với 55 sản phẩm, dự án, hoặc sáng kiến xanh

Nguồn: Nhóm chuyên gia và tác giả tổng hợp

    Nhìn chung các khung Danh mục phân loại thường được tiếp cận xây dựng thành khoảng 6-8 nhóm ngành lớn và rất nhiều các tiểu ngành, như các ví dụ ở  Bảng 4 dưới đây:

Bảng 4. So sánh các lĩnh vực được lựa chọn trong Danh mục phân loại xanh của CBI, EU và Trung Quốc

TT

CBI

EU

Trung Quốc

1

Năng lượng (8)

Rừng (5)

Tiết kiệm năng lượng và BVMT (6)

2

Giao thông (5)

Nông nghiệp (3)

Công nghệ sản xuất sạch hơn (4)

3

Tài nguyên nước (6)

Chế tạo (9)

Công nghiệp năng lượng sạch (2)

4

Công trình/ Tòa nhà (4)

Cung cấp điện, khí, hơi nước và điều hoà (25)

Sinh thái & Môi trường (2)

5

Sử dụng đất và tài nguyên biển (5)

Nước, nước thải, chất thải và sửa chữa (12)

Nâng cấp cơ sở hạ tầng xanh (6)

6

Công nghiệp (5)

Giao thông vận tải và lưu kho (10)

Dịch vụ xanh (5)

7

Chất thải (7)

Thông tin và truyền thông (2)

 

8

Thông tin và truyền thông (4)

Xây dựng và Bất động sản (4)

 

Nguồn: Tác giả tổng hợp

    Các tiêu chí môi trường bao gồm các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng, và chỉ tiêu môi trường cho từng ngành hoặc tiểu ngành là một trong những nội dung cốt lõi của Danh mục phân loại xanh, nhằm hỗ trợ việc lựa chọn các khoản đầu tư cụ thể trong các ngành và tiểu ngành đã xác định. Tiêu chí quan trọng để lựa chọn một dự án hay tài sản đầu tư cụ thể là cách nó góp phần đáp ứng mục tiêu quốc gia hoặc tiêu chuẩn hoặc ngưỡng được chấp nhận.

    Mức độ chi tiết của các tiêu chí môi trường phụ thuộc vào cách tiếp cận xây dựng (mục 1.3) và nền tảng cơ sở dữ liệu, nền tảng kỹ thuật của từng quốc gia. Tuy nhiên, các Danh mục phân loại xanh được xây dựng gần đây hoặc được cập nhật gần đây có xu hướng tăng mức độ chi tiết của các tiêu chí môi trường, với các ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể hơn, bên cạnh các yêu cầu không gây hại đáng kể.

Bảng 5. Tiêu chí sàng lọc chính của một số Danh mục phân loại xanh

Danh mục phân loại xanh

Tiêu chí sàng lọc

CBI (2021)

CBI đưa ra các tiêu chí sàng lọc cho một số lĩnh vực phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên ở mức 2OC - nghĩa là phù hợp với Thỏa thuận Paris

EU (2021)

EU đưa ra các chỉ số và các ngưỡng cụ thể cho từng hoạt động, (ví dụ: ngưỡng giảm KNK gCO2e/đơn vị sản phẩm; tuân thủ các tiêu chuẩn, nhãn mác hoặc quy định như Yêu cầu quản lý rừng bền vững đối với hoạt động tái trồng rừng; tuân thủ yêu cầu công nghệ như đối với điện mặt trời; hoặc tuân thủ các quy định cụ thể. Tất cả các ngưỡng này phù hợp với cam kết của Hiệp định Paris của EU nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 ° C

Trung Quốc (2021)

Các chỉ số được chọn cho từng hoạt động dự án. Các tiêu chí được xác định dựa trên chứng minh về giảm phát KNK, Phương pháp chung của MDB về Theo dõi Tài chính Khí hậu (Các nguyên tắc chung), và các tiêu chí của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)

ASEAN (2021)

Chưa xây dựng. Hiện mới hoàn thành Khung nền tảng (Foundation Framework) được xây dựng theo cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc. Các tiêu chí và ngưỡng trong các tiêu chuẩn bổ sung (Plus Standards) sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và định lượng.

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 6. Ví dụ về các tiêu chí môi trường của ngành Nông nghiệp trong các Danh mục phân loại xanh

 

Danh mục phân loại CBI

Danh mục phân loại EU

Danh mục phân loại Trung Quốc

Ngành Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp, bao gồm:

Trồng trọt nông lâm kết hợp

Chăn nuôi gia súc

 

Cơ sở vật chât chất cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm:

Máy móc và thiết bị quản lý canh tác đất đai và chăn nuôi gia súc

Xây dựng hệ thống công nghệ liên kết thông tin

Xây dựng hệ thống tưới tiêu

Là một ngành đóng vai trò trung tâm trong biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và an ninh lương thực. Các hoạt động cụ thể gồm:

Trồng cây hàng năm

Trồng cây lâu năm

Chăn nuôi

Nhân giống cây trồng, vật nuôi

Chăn nuôi gia cầm

Sản xuất sản phẩm hữu cơ nông nghiệp

Tóm tắt Tiêu chí sàng lọc, Ngưỡng và chỉ tiêu

Tuân theo mục tiêu về hấp thu carbon, giảm khí phát thải, nhằm tạo nên “nền nông nghiệp các bon thấp”

Các tiêu chí về giảm thiểu:

Nguyên tắc chung

Giảm phát thải từ hoạt động quản lý đất trồng, quản lý vật nuôi

Tăng việc loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển và lưu trữ trong sinh khối trên và dưới mặt đất cho đến giới hạn của mức bão hòa.

Không sản xuất nông nghiệp trên vùng đất có trữ lượng carbon cao

 

Ngưỡng, chỉ số sàng lọc

Giảm phát thải KNK (bao gồm cả phát thải từ các đầu vào được sử dụng trong trang trại) thông qua việc áp dụng các thực hành quản lý thích hợp

Duy trì và phát triển trữ lượng các bon theo các mục tiêu cam kết của lộ trình 20 năm thông qua việc áp dụng thực hành quản lý thích hợp.

Không gây hại đáng kể (DNSH)

DNSH mục tiêu và các ngưỡng áp dụng

Sản phẩm đầu ra cần đáp ứng:

Tiêu chuẩn GB/T19630 về sản phẩm hữu cơ Trung Quốc​

Tiêu chuẩn môi trường và chất lượng của Bộ Nông nghiệp​

7 hướng dẫn chung về thuốc bảo vệ thực vật phân bón, thuốc thú y, phụ gia thức ăn và thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm, vệ sinh động vật​

45 tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu xanh

 Các dự án phải tuân thủ:

Quy định quản lý an toàn đối với các sinh vật biến đổi gen (GMO)

Công ước Rotterdam về thủ tục chấp thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại trong thương mại quốc tế

Nghị định thư Montréal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn

Việc trồng cây thuốc lá không được công nhận

Nguồn: Tác giả tổng hợp

3. Kết luận và kiến nghị

    Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường TDX, TPX như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược BVMT Quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050... Dưới góc độ pháp luật, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về TDX (Điều 149) và TPX (Điều 150) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp TDX, phát hành TPX (khoản 2 Điều 154 và các Điều 155, 156 và 157). Các quy định về TDX, TPX trong hệ thống pháp luật về BVMT, trong các định hướng phát triển của các tổ chức tín dụng (TCTD), trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ ban hành (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) và chính quyền địa phương (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP) đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển, quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết khí hậu.

    Trên thực tế, từ năm 2017 đến nay BộTN&MT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo TDX, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp TDX và phát hành thí điểm TPX. Thị trường TDX đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số TPX chính quyền địa phương, TPX doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, các “Danh mục dự án xanh” và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể theo thông lệ quốc tế; và việc thiếu một danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia làm hạn chế việc áp dụng đồng bộ ở ngành tài chính để huy động nguồn tài chính định hướng xanh.

    Luật BVMT năm 2020 bổ sung thêm hai quy định về TDX, TPX là cần thiết, kịp thời và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế, góp phần tạo hành lang pháp lý để hình thành, phát triển thị trường sản phẩm tài chính tiềm năng này, góp phần định hướng lại dòng đầu tư và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, tại COP26, Liên minh tài chính Glaskow vì trung hòa các bon (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) bao gồm 450 Tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng đại diện cho 130.000 tỷ USD (tương đương 40% tổng tài sản tài chính trên thế giới) đã đạt được thỏa thuận chung cam kết chuyển đổi danh mục cho vay và đầu tư để nhằm đạt được Trung hòa các bon (Net-Zero) bằng “0” vào năm 2050 hoặc sớm hơn và trong vòng 18 tháng kể từ khi tham gia Liên minh, các đinh chế tài chính, ngân hàng này sẽ đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2030 (hoặc sớm hơn), đồng nghĩa với cam kết gia tăng ở quy mô lớn chưa từng có danh mục đầu tư và TDX, TPX. Hầu hết các tập đoàn và định chế tài chính, ngân hàng đa quốc gia hiện diện tại Việt nam đều tham gia Liên minh tài chính trên và sẽ chuyển đổi danh mục đầu tư và tài trợ, cho vay của mình sang đầu tư vào TDX, TPX đặt ra cho Việt Nam cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ trong việc huy động nguồn vốn từ hai kênh tài chính tiềm năng này. Để chính sách này phát huy hiệu quả trong thực tiễn đòi hỏi các Bộ, cơ quan ngang bộ cần tiếp tục phối hợp để hướng dẫn cụ thể, nhất là việc ban hành danh mục phân loại xanh chính thức và các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về các dự án xanh, cũng như quy trình dán nhãn minh bạch cho các dự án đáp ứng yêu cầu TDX, TPX, tuân theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

    Để có căn cứ đầy đủ về pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chí môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 150 của Luật BVMT năm 2020 để được cấp TDX, phát hành TPX, việc xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp TDX, phát hành TPX.

TS. Lại Văn Mạnh, Tạ Đức Bình

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2023)

Tài liệu tham khảo

[1]

J. Banga, "The green bond market: a potential source of climate finance for developing countries," Journal of Sustainable Finance & Investment, 2019.

[2]

Bộ Chính trị, "Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa," 15 11 2004.

[3]

Quốc hội Khóa 14, "Luật BVMT số 72/2020/QH14," 17 11 2020.

[4]

H. P. G. Nguyễn Viết Lợi, Công cụ tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam., Hà Nội: Nxb Tài chính, 2020.

 

[5]

Ngân hàng Thế giới, 6/2020. “Xây dựng Danh mục phân loại xanh quốc gia: Hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới”

[6]

International Labour Organization, International Conference of Labour Statisticians, “International Standard Industrial Classification of All Economic Activities”

[7]

CBI. “Climate Bonds Taxonomy”; https://www.climatebonds.net/standard/taxonomy

[8]

Bank Negara Malaixia (BNM), 4/2021. “Climate Change and Principle-based Taxonomy”

 

Ý kiến của bạn