Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Hà Nội: Tích cực đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống

06/06/2023

    Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Luật BVMT 2020 với nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các TTHC vào 1 giấy phép môi trường (GPMT); đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Nhận thấy, Luật BVMT năm 2020 có tầm quan trọng trong việc BVMT và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo đưa Luật vào cuộc sống. 

Phòng Cảnh sát môi trường công an TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Long Biên tổ chức tuyên truyền pháp luật về BVMT cho các em học sinh trường Trung học cơ sở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội

    Ngay sau khi Luật có hiệu lực, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 27/8/2021 và nhiều văn bản về triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020 trên địa bàn thành phố; đôn đốc các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch số 196/KH-UBND và tuyên truyền, triển khai Luật BVMT năm 2020. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu, trình UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 về công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc thẩm quyền; hướng dẫn UBND cấp huyện, xã phê duyệt, bãi bỏ những quy trình nội bộ trong lĩnh vực môi trường không còn phù hợp với Luật… Ngoài ra, Sở TN&MT đã có Văn bản số 10298/STNMT-QLCTR ngày 28/12/2022 báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô.

    Thành phố xác định quản lý chất thải là vấn đề trọng tâm của công tác BVMT, trong đó giải pháp 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) được đặt lên hàng đầu. Còn theo quy định tại Điều 75, Luật BVMT năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

    Thực hiện quy định tại Văn bản số 10298/STNMT-QLCTR, chậm nhất ngày 31/12/2024 phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân thành 3 loại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 20/8/2021 về triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020; Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 6/2/2023 về việc thực hiện Điều 79, Luật BVMT năm 2020; yêu cầu rà soát tổng thể quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng hạ tầng đồng bộ phục vụ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại.

    Song song với đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020, thành phố Hà Nội còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, khi triển khai các dự án có phát sinh thủ tục môi trường, Luật BVMT năm 2020 hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thực tế, có một số công trình sử dụng rất ít đất lúa, như xây dựng nhà văn hóa, trường học, nghĩa trang nhân dân của các xã, nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án…

    Để triển khai hiệu quả Luật BVMT năm 2020, trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Luật. Đồng thời, Sở cũng xây dựng sổ tay hướng dẫn, tổ chức hội nghị tập huấn; ban hành bộ giải đáp câu hỏi thường gặp liên quan đến quá trình triển khai luật. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Sở TN&MT tham mưu thành phố xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại để thi hành Luật BVMT năm 2020 đạt hiệu quả trong cuộc sống.

Đức Anh

 

Ý kiến của bạn