Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Diễn biến chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông khu vực phía Bắc những tháng đầu năm 2022

06/08/2022

    Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc hằng năm tổ chức triển khai Chương trình quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia và các chương trình quan trắc mang tính liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, các điểm nóng, đặc thù và nhạy cảm về môi trường trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc.

    Đối với môi trường nước trên các lưu vực sông (LVS), Trung tâm thực hiện Chương trình quan trắc tại 5 LVS, bao gồm: LVS Cầu, Nhuệ - Đáy, Mã - Chu, Hồng - Thái Bình và LVS Lam, sông La. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã triển khai 3 đợt quan trắc tương ứng vào các tháng 2, 3 và 4. Theo đó, diễn biến chất lượng môi trường nước trên các LVS được đánh giá dựa trên chỉ số chất lượng nước (VN_WQI, gọi tắt là WQI).    

    Nhìn chung, qua kết quả quan trắc 3 đợt đầu năm 2022 cho thấy, chất lượng môi trường nước trên các LVS ở khu vực miền Bắc khá tốt, trong số 5 LVS trên có LVS Hồng, Mã và Lam, sông La có chất lượng môi trường nước sông duy trì từ mức trung bình đến mức tốt. Chất lượng môi trường nước sông ở mức xấu đến ô nhiễm, tập trung tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên LVS Nhuệ - Đáy: đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận TP. Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội; LVS Cầu: đoạn sông Ngũ Huyện Khê; đoạn suối Loàng, cầu Bóng Tối. 

    LVS Cầu

    Trên dòng chính sông Cầu (đoạn qua Bắc Kạn, Thái Nguyên), chất lượng môi trường nước sông duy trì mức tốt đến rất tốt trong cả 3 đợt quan trắc, giá trị WQI từ 76-93, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt nhưng cần có biện pháp xử lý. Chất lượng nước sông Cầu bị suy giảm khi đến địa phận Bắc Ninh, Bắc Giang, tại đây nước sông chỉ ở mức trung bình, giá trị WQI từ 51-75, trong đó thời điểm quan trắc tháng 2/2022 ghi nhận tại Hòa Long nước sông bị ô nhiễm nặng, song đến tháng 3, 4/2022 môi trường nước sông khu vực này đã được cải thiện, nước sông đã ở mức có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Biểu đồ 1. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Cầu  

    Trên các phụ lưu sông Cầu, hạ lưu sông Công, sông Nghinh Tường, sông Thương tại Hải Dương, mặc dù có sự biến động giữa các đợt quan trắc song nhìn chung chất lượng nước sông luôn duy trì ở mức trung bình đến mức tốt và rất tốt, giá trị WQI từ 52-92, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

    Các điểm cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê, điểm cầu Bóng Tối trên suối Bóng Tối vẫn là các điểm nóng ô nhiễm môi trường nước trên LVS Cầu. Nguyên nhân do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề của Bắc Ninh và TP. Thái Nguyên. Tại đây, ghi nhận liên tiếp trong cả 3 đợt quan trắc giá trị WQI từ 10-25, phản ánh nước sông bị ô nhiễm nặng cần biện pháp xử lý. Kết quả quan trắc cho thấy, tại điểm Đào Xá bị ô nhiễm nặng bởi hợp chất hữu cơ và dinh dưỡng, giá trị DO <4 mg/L, giá trị BOD5 (122 mg/L) vượt 8 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1, tương tự tại cầu Bóng Tối, giá trị DO rất thấp, <4 mg/L, giá trị NH4+ (16,6 mg/L), vượt 18 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1.

Biểu đồ 2. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Công và các sông

    LVS Nhuệ - Đáy

    Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) vẫn là các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên LVS Nhuệ - Đáy. Nước sông bị ô nhiễm nặng, cần có các biện pháp xử lý. Trừ điểm quan trắc Phương Liệt và Tựu Liệt (tháng 2/2022) nước sông được cải thiện tạm thời song cũng chỉ ở mức kém, đến tháng 3, 4, tiếp tục trở lại ở mức ô nhiễm nặng, giá trị WQI từ 10-25.

Biểu đồ 3. Diễn biến chất lượng nước trên các sông nội thành Hà Nội

    Trên dòng chính sông Nhuệ, chất lượng nước sông vẫn duy trì ở mức ô nhiễm hoặc mức kém, giá trị WQI từ 10-50, do tiếp nhận nước ô nhiễm từ sông Tô Lịch và nước thải từ các làng nghề của TP. Hà Nội.

    Sông Nhuệ đoạn chảy qua TP. Hà Nội chất lượng nước sông ở mức kém được ghi nhận tại điểm Cống Liên Mạc (liên tục trong cả 3 đợt), tại điểm Đồng Quan và Cống Thần (đợt 1, tháng 2/2022). Tại các thời điểm quan trắc còn lại, ghi nhận nước sông bị ô nhiễm nặng, giá trị WQI từ 10-25. Nước sông Nhuệ được cải thiện dần khi chảy qua địa phận Hà Nam, tại các điểm cống Nhật Tựu và Đò Kiều, nước sông sử dụng được cho hoạt động giao thông thủy, đến điểm cầu Phủ Lý nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và mục đích khác, giá trị WQI từ 51-75.

Biểu đồ 4. Diễn biến chất lượng nước trên sông Nhuệ

    Trên sông Đáy, đoạn qua TP. Hà Nội kéo dài đến đoạn tiếp giáp Hà Nam, từ cầu Mai Lĩnh đến Thanh Tân-Hà Nam, kết quả quan trắc đầu năm 2022 cho thấy, chất lượng nước sông thường xuyên ở mức kém, giá trị WQI từ 26-50 trong cả 3 đợt quan trắc. Chất lượng nước sông Đáy được cải thiện dần về phía địa phận tỉnh Ninh Bình, giá trị WQI từ 51-94, nước sông đã sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

    Các phụ lưu sông Hoàng Long, sông Đào, chất lượng nước sông khá tốt, sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, giá trị WQI từ 76-79. Riêng sông Châu Giang, do ảnh hưởng của nước ô nhiễm từ sông Nhuệ và nước thải của các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, khu vực Hữu Bị, cầu Phủ Lý, Đầm Tái và cầu Sắt chất lượng nước sông cũng thường ở mức kém, giá trị WQI từ 26-50.

Biểu đồ 5. Diễn biến chất lượng nước trên sông Đáy

    LVS Hồng - Thái Bình

    Chất lượng nước trên LVS Hồng - Thái Bình qua các đợt quan trắc đầu năm 2022 khá tốt, chất lượng nước sông đạt ở mức trung bình đến rất tốt, giá trị WQI từ 65-92, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và mục đích khác.

    Trên sông Đà, Lô, Thái Bình chất lượng môi trường nước sông vẫn duy trì trạng thái tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.

Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Hồng

    LVS Mã - Chu

    Tại thượng lưu sông Mã (đoạn qua Điện Biên, Sơn La), đa phần các điểm quan trắc cho giá trị WQI từ 55-75, phản ánh chất lượng nước sông Mã ở mức trung bình, tuy nhiên về phía hạ lưu (đoạn qua Thanh Hóa), chất lượng nước sông được cải thiện, tại đây nước sông duy trì ở mức tốt đến rất tốt, giá trị WQI >76, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

    Các phụ lưu sông Chu và sông Bưởi, chất lượng nước sông tốt hơn dòng chính sông Mã, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.  

Biểu đồ 7. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Mã - Chu

    LVS Lam, sông La và các phụ lưu

    Chất lượng môi trường nước LVS Lam, sông La và các phụ lưu qua 03 đợt quan trắc duy trì ở mức khá tốt, đa phần tại các điểm quan trắc chất lượng nước có giá trị WQI >76, đạt mức tốt đến rất tốt, có thể sử dụng cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, tập trung đông dân cư như cầu Nam Đàn, cầu Bến Thủy 2, chất lượng nước sông bị suy giảm, ở mức trung bình, nước sông sử dụng cho tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích khác.

    Kết luận

    Chất lượng môi trường nước trên các LVS (Hồng - Thái Bình, Mã Chu và Cả La) qua 3 đợt quan trắc cho thấy, đều duy trì ở mức tốt đến rất tốt, nước sông có thể dùng cho cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích khác.

    Các LVS Nhuệ - Đáy, LVS Cầu vẫn là các LVS có giá trị WQI ở mức kém và mức ô nhiễm cao, cụ thể tại các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, Sét, Lừ), đoạn sông Nhuệ chảy qua TP. Hà Nội thuộc LVS Nhuệ - Đáy; sông Ngũ Huyện Khê, suối Bóng Tối thuộc LVS Cầu mà nguyên nhân chính do tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ TP. Hà Nội, TP. Thái Nguyên và từ các làng nghề dọc trên lưu vực. Do đó, rất cần có những biện pháp tổng thể nhằm xử lý, khắc phục hiệu quả và đồng bộ của các địa phương trên lưu vực.  

ThS. Nguyễn Gia Cường, ThS. Phạm Thị Thùy
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)

 

 

Ý kiến của bạn