Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam

21/09/2023

    Ngày 20/9/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, từ khi loài người phát minh ra lửa, việc sử dụng năng lượng được coi là thước đo của sự tiến bộ nhân loại, nó thể hiện năng lực phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, đây lại đang là thời điểm nền kinh tế các quốc gia trên thế giới cố gắng khắc phục hàng loạt khó khăn để phục hồi sau những “cú sốc” từ đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam, dù quá trình chuyển dịch năng lượng của nước ta đã, đang đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

    Các thống kê cho thấy, tuy là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng, song Việt Nam lại là quốc gia có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, chúng ta cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai, vấn đề an ninh năng lượng cần phải được đảm bảo, cung cấp đầy đủ, an toàn cho sản xuất và tiêu dùng… Làm sao để Việt Nam đạt được mục tiêu kép là trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt NetZero vào năm 2050.

    PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế thì cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai, cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam có 2 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ. Từ câu chuyện để thị trường quyết định giá gạo để nhìn lại câu chuyện giá điện hiện nay. Phải chăng đã đến lúc cần nhìn nhận một cách nghiêm túc việc tính giá điện theo cơ chế thị trường. Đây chính là giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tất nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, cần hoàn thiện nhiều khung phổ pháp lý, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra...

    Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu. Trong khi đó, phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế, cũng không bắt kịp xu hướng xanh hóa nguồn năng lượng, thì chúng ta sẽ bị tụt lại rất xa. Do đó, cần phải hiểu rõ, thời đại sẽ tác động như thế nào đến vấn đề an ninh năng lượng, làm sao để Việt Nam vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, vừa có vị trí quan trọng trong bản đồ năng lượng toàn cầu. Theo tính toán, để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của năng lượng phải gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việc thay đổi cấu trúc nguồn cung, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Việc thay đổi cấu trúc sử dụng năng lượng cũng gây nhiều áp lực, tuy nhiên vấn đề này chưa được đề cập đến và nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Toàn cảnh Diễn đàn

    Diễn đàn cũng lắng nghe các tham luận về: Một số vấn đề về phát triển năng lượng trong quy hoạch điện VIII; Chuyển đổi sang năng lượng xanh - Hướng đi tất yếu tại Việt Nam; Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng và thách thức cho phát triển bền vững; Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và đề xuất định hướng phát triển bền vững cho PVN; Bộ ba năng lượng ‘TRILEMMA’ và chuyển đổi năng lượng bền vững… với sự đánh giá, phân tích của các chuyên gia là trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam phải luôn có kế hoạch giám sát, theo dõi để sớm nhận biết những tác động để giải quyết. Mặc dù đã có Quy hoạch điện VIII, có lộ trình thực hiện nhưng vẫn phải sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là thiếu điện do nhiều nguyên nhân. Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân… đảm bảo quá trình chuyển đổi sang điện xanh sẽ diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, những tác động bất lợi nếu nảy sinh sẽ được giải quyết hiệu quả.

    Trong phần thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến để bàn luận, tìm giải pháp trong tình huống giá năng lượng thế giới tăng cao khi mà nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh; đánh giá thực trạng và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam…

    Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là ba loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện ở nhiều quốc gia. Trong đó, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển. Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam, khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn và chính sách. Theo Quy hoạch điện VIII, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí (trong đó có nhiệt điện LNG) rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững. Khi ngành công nghiệp khí LNG phát triển thuận lợi sẽ đóng góp tích cực vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.

    TS. George Mathew - CEO Công ty TeamSustain limited (Ấn Độ) đánh giá, Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể đạt mục tiêu Netzero vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam cần đi từ việc sử dụng hiệu quả năng lượng tại các hộ gia đình, sau đó đến hệ thống văn phòng và khu công nghiệp. Vấn đề tiếp theo là cải thiện sức mạnh nội tại, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Hiện tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, do vậy cần phải chủ động phát triển nội lực.

    PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện TN&MT cho rằng, giới chuyên gia, tổ tư vấn Chính phủ cũng như Quốc hội cần làm rõ khái niệm thế nào là năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... để người dân và cán bộ quản lý hiểu và thực hiện. Đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo chi tiết, lộ trình kế hoạch cụ thể, trách nhiệm cụ thể của từng cán nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, cần có những buổi họp kiểm điểm nhằm đánh giá từng bước trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII…

    Các ý kiến góp ý của đại biểu tại Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tập hợp, gửi các cơ quan hữu quan nhằm sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Châu Loan

Ý kiến của bạn