Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Công cụ đánh giá năng lực quản lý hệ thống chất thải rắn áp dụng tại địa phương

21/06/2023

    Hiện nay, quản lý chất thải rắn (CTR) đô thị là một trong những thách thức lớn đối với các quốc gia có thu nhập từ thấp tới trung bình, là vấn đề cần thiết phải giải quyết. Năng lực yếu kém trong công tác quản lý CTR không chỉ gây ra những hậu quả bất lợi về môi trường mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 quy định tại khoản 7, Điều 72, Mục I, Chương VI, địa phương chịu trách nhiệm về quản lý CTR trên địa bàn; ban hành quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý CTR theo quy định của pháp luật. Do vậy, năng lực về quản lý CTR ở cấp địa phương đóng góp quan trọng trong việc quản lý bền vững và hiệu quả CTR.

    Chương trình “TP Sạch, Đại Dương Xanh” (CCBO) là chương trình trọng điểm của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm CTR và rác thải nhựa đại dương, chương trình thực hiện tại 10 quốc gia thuộc châu Á, Thái Bình Dương, Mỹ La-tinh và vùng vịnh Ca-ri-bê, cụ thể: Cộng hòa Dominican, Liên bang Microbesia, Fiji, Inđônêxia, Maldevies, Papua New Guinea, Peru, Philippin, Sri Lanka và Việt Nam. Một trong các hợp phần của Chương trình là tăng cường năng lực quản lý hệ thống CTR tại địa phương. Để thực hiện, Chương trình CCBO đã xây dựng Công cụ đánh giá năng lực quản lý hệ thống chất thải rắn (SCIL), cho phép địa phương tự đánh giá năng lực hiện tại về quản lý CTR gắn với các tiêu chí quan trọng và cần thiết nhằm xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống quản lý CTR bền vững, giúp địa phương xác định được thực trạng hiện tại về quản lý CTR và xác định được các cải thiện của các hoạt động quản lý theo các giai đoạn bằng cách thực hiện đánh giá ở các lần tiếp theo. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch quản lý hệ thống CTR của địa phương, ngoài ra kết quả đánh giá còn cung cấp các thông tin quan trọng, có giá trị cho địa phương về nhu cầu đào tạo, cũng như những thay đổi về chính sách và các hành động khác có liên quan.

    Công cụ đánh giá năng lực quản lý CTR cho thành phố (TP)

    Công cụ đánh giá

    SCIL là công cụ được xây dựng để đánh giá năng lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý hệ thống 3R/CTR. Khi thực hiện, năng lực hiện tại về quản lý CTR tại địa phương sẽ được xác định, danh mục các vấn đề cần cải thiện được đề xuất, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện trong tương lai. Do đó, địa phương có thể dựa vào các kết quả đánh giá của SCIL để đầu tư nguồn lực một cách chiến lược và xây dựng lộ trình cải thiện hệ thống 3R/quản lý CTR của mình. Đặc biệt, kết quả đánh giá này có ý nghĩa nhất khi địa phương triển khai việc xây dựng, cập nhật hoặc rà soát các kế hoạch hoặc chiến lược về 3R/QLCTR.

    Công cụ SCIL được tổ chức theo nhiều tầng cùng với các cấp độ khác nhau để trở nên chi tiết hơn, được thiết kế thành các hợp phần, các tiểu hợp phần giúp làm rõ từng hợp phần mà công cụ thực hiện, các tiêu chí và các câu hỏi. Để có điểm số đánh giá, địa phương hoàn thành bảng hỏi của từng hợp phần. Công cụ cho phép chấm điểm cho từng hợp phần theo hướng dẫn, sau khi xác định điểm số của từng hợp phần, điểm số tổng quan về năng lực quản lý hệ thống quản lý CTR tự động được tổng hợp dựa trên kết quả của các hợp phần. Ngoài ra, Công cụ được thiết kế để địa phương sử dụng dễ dàng, logic và trực quan, bao gồm: Sách hướng dẫn thực hiện đánh giá; Bài trình bày giới thiệu về Công cụ SCIL; Bộ câu hỏi đánh giá, khảo sát theo từng hợp phần; Công cụ phân tích (Các bảng biểu xây dựng trên Excel). Công cụ này sẽ được xuất bản để hướng dẫn chi tiết địa phương cách thực hiện và quy trình thực hiện. Khi thực hiện đánh giá, nhóm đánh giá đọc toàn bộ nội dung của phần hướng dẫn trước khi triển khai. Quản lý CTR là hệ thống phức tạp và bao gồm nhiều hợp phần kết hợp với nhau, mỗi hợp phần có vai trò và đóng góp vào hệ thống quản lý CTR của địa phương. Công cụ SCIL đánh giá hệ thống quản lý CTR của TP trên cơ sở 6 hợp phần, bao gồm: (1) Hợp phần quy hoạch/kế hoạch; (2) Hợp phần chính sách và pháp luật; (3) Hợp phần quản lý tài chính; (4) Hợp phần cung cấp dịch vụ; (5) Hợp phần nguồn lực con người; (6) Hợp phần kết nối cộng đồng.

    Hợp phần quy hoạch

    Hợp phần này với mục đích là đánh giá về việc xây dựng quy hoạch/kế hoạch tốt và toàn diện về quản lý CTR của TP mà đáp ứng được các nhu cầu của người dân, dựa trên 2 tiểu hợp phần nhằm đánh giá về quy trình lập quy hoạch/kế hoạch minh bạch và toàn diện và Quy hoạch/kế hoạch 3R/QLCTR dài hạn, chiến lược được phê duyệt. Để xác định 2 nội dung trên, các tiêu chí được xây dựng, hợp phần này có 9 tiêu chí, mỗi tiêu chí có các số lượng câu hỏi tương ứng. Tổng số câu hỏi của hợp phần quy hoạch là 36 câu hỏi.

    Hợp phần chính sách và pháp luật

    Hợp phần này với mục đích đánh giá về việc TP thực thi các yêu cầu về mặt chính sách và pháp luật mà các cấp cao hơn (cấp Quốc gia và cấp tỉnh) yêu cầu, dựa trên 3 tiểu hợp phần, cụ thể: (1) đánh giá về chính sách và pháp luật của TP nhằm hỗ trợ việc thực thi thực hiện về 3R/CTR; (2) Đánh giá về tính thực thi và tính giám sát thực hiện; (3) Đánh giá về các thực hành và trách nhiệm của các bên liên quan trong hệ thống quản lý CTR đã được thể chế hoá, hợp phần này bao gồm 12 tiêu chí, mỗi tiêu chí sẽ có số lượng các câu hỏi tương ứng. Tổng số câu hỏi là 30 câu hỏi.

    Hợp phần quản lý tài chính

    Mục đích của hợp phần này là đánh giá về các hệ thống, quy trình quản lý, lập ngân sách và giám sát các loại chi phí và doanh thu của hệ thống 3R/QLCTR của TP, dựa trên 3 tiểu hợp phần, cụ thể: (1) Đánh giá về việc TP đã xác định và phân tích các phương án tài chính cho hệ thống 3R/QLCTR, phương án huy động nguồn lực cho hệ thống; (2) TP đã thiết lập được hệ thống ngân sách toàn diện cho hệ thống 3R/QLCTR, (3) Tính hiệu quả và minh bạch của việc sử dụng ngân sách cho hệ thống 3R/QLCTR. Hợp phần này có 7 tiêu chí, mỗi tiêu chí sẽ có các câu hỏi tương ứng. Tổng số câu hỏi cho hợp phần này là 24 câu hỏi.

    Hợp phần cung cấp dịch vụ

    Mục đích của hợp phần này là đánh giá về mức độ có sẵn về cơ sở hạ tầng của TP và các cách thức để cung cấp cho người dân dịch vụ về 3R/CTR một cách tin cậy, công bằng và thân thiện với môi trường đối với tất cả các loại CTR, bao gồm cả CTR có thể tái chế và tái sử dụng, dựa trên 4 tiểu hợp phần, cụ thể: (1) Dịch vụ thu gom tất cả các loại CTR; (2) Quy trình thu gom CTR và thị trường tái chế các vật liệu; (3) Thực hiện chôn lấp và xử lý CTR; (4) Hiệu suất thực hiện và đánh giá về dịch vụ. Tổng số câu hỏi của hợp phần này là 36, tương ứng với 7 tiêu chí.

    Hợp phần nguồn lực con người

    Mục đích của hợp phần này là đánh giá về việc TP xây dựng nguồn lực con người, bộ máy tổ chức, quy trình hiệu quả và công bằng nhằm hướng tới việc cung cấp dịch vụ về 3R/QLCTR một cách hiệu quả và an toàn, dựa trên 4 tiêu chí, cụ thể: (1) Đánh giá về tổ chức nhân sự về 3R/QLCTR; (2) Về quản trị nguồn nhân lực; (3) Đào tạo cho cán bộ, công nhân viên về 3R/QLCTR; (4) Về an toàn lao động. Tổng số câu hỏi của hợp phần này là 23 câu hỏi, tương ứng với các 8 tiêu chí.

    Hợp phần kết nối cộng đồng

    Hợp phần này được xây dựng để đánh giá mực độ mà TP kết nối với người dân và các tổ chức có liên quan tham gia vào các quá trình như lập quy hoạch/kế hoạch, triển khai các hoạt động về 3R/QLCTR, tiếp nhận và kết hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình xây dựng và giám sát hệ thống, dựa trên 2 tiểu hợp phần, cụ thể: Sự tham gia của cộng đồng trong việc ra các quyết định về 3R/QLCTR, và giám sát các hoạt động; Thực hiện hiệu quả các chiến lược đề ra nhằm thay đổi hành vi về 3R/CTR tới người dân. Tổng số câu hỏi của hợp phần này là 28 câu hỏi, tương ứng với 11 tiêu chí.

    Đặc biệt, bộ câu hỏi là phần quan trọng của quá trình đánh giá, các câu hỏi này chứa các nội dung thảo luận và quy trình thực hiện của hệ thống. Mỗi một câu hỏi là một điểm số đánh giá, câu hỏi được xây dựng dưới dạng “Có/không”, mỗi câu hỏi có mức độ phức tạp khác nhau, nhưng câu trả lời luôn luôn được xác định là “có” hoặc “không”. Với mỗi câu trả lời có, người đánh giá cần cung cấp các tài liệu tương ứng với nội dung của các câu hỏi đó, được xem như là chứng cứ đối với các câu trả lời. Sau khi hoàn thành phần khảo sát dựa vào bảng hỏi của 6 hợp phần, các dữ liệu sẽ được nhập vào công cụ đánh giá. Công cụ đánh giá này được xây dựng dựa trên phần mềm Microsoft® Excel, bao gồm các trang tính, mỗi hợp phần sẽ tương ứng với một trang tính. Điểm số của mỗi hợp phần sẽ tự động tổng hợp sau khi nhập dữ liệu và theo đó điểm số đánh giá tổng hợp cũng sẽ được tự động tổng hợp.

    Mục đích và giá trị của Công cụ SCIL

    Mục đích của Công cụ SCIL là hỗ trợ các TP tự đánh giá năng lực thực tế của họ về quản lý CTR bằng cách cung cấp cách tiếp cận có phương pháp để đánh giá tất cả 6 hợp phần của hệ thống quản lý CTR. Kết quả là điểm số đánh giá, cung cấp thông tin tổng quan về thực hiện, triển khai hệ thống quản lý CTR hiện tại, xác định gốc rễ các vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân tại mỗi hợp phần của hệ thống để từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện, nội dung ưu tiên giải quyết trước mắt và sẽ giải quyết trong kế hoạch. Ngoài ra, quá trình đánh giá này còn tăng cường sự phối hợp, thảo luận và các phản biện giữa các thành viên thuộc các phòng, ban có liên quan trong hệ thống quản lý CTR của TP, để từ đó xác định được các vấn đề cần cải thiện trong phạm vi, quyền hạn của các của các phòng, ban có liên quan.

    Kết quả đánh giá này có thể làm cơ sở hoặc kết hợp với kế hoạch hiện có của TP để đưa vào các nội dung xây dựng hoặc nội dung chỉnh sửa về kế hoạch 3R/quản lý CTR của TP. Đánh giá này với kỳ vọng rằng là một công cụ cho các TP để thực hiện đánh giá hàng nằm, từ đó giúp TP có dữ liệu trực quan về các cải thiện của hệ thống quản lý CTR trên địa bàn theo từng năm. 

    Áp dụng Công cụ SCLL tại Việt Nam và các hiệu quả

    Trong kế hoạch thực hiện của Chương trình. “TP Sạch, Đại Dương Xanh” tại Việt Nam, bộ Công cụ SCIL được áp dụng và đánh giá tại 4 TP, bao gồm: Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc và Biên Hòa. Hiện tại, 3 trong 4 TP trên đã thực hiện đánh giá năng lực quản lý hệ thống CTR, gồm: Huế, Đà Nẵng và Phú Quốc.

    Trong thời gian thực hiện CCBO tại Việt Nam, Chương trình đã phối hợp cùng với các TP tổ chức thực hiện đánh giá năng lực hệ thống quản lý CTR, tổng thời gian thực hiện từ 1 - 3 tháng, tuy nhiên đây là toàn bộ thời gian bao gồm Chương trình làm việc với các TP để lên kế hoạch thực hiện. Tổng thời gian thực hiện đánh giá khoảng 36 giờ làm việc trong vòng từ 1 - 2 tháng, cùng với kế hoạch chi tiết được chia sẻ tới các thành viên trong nhóm đánh giá, nhằm giúp các thành viên này chủ động sắp xếp kế hoạch để triển khai. Thời gian Chương trình thực hiện đánh giá năng lực tại TP. Huế trong thời gian từ tháng 2 - 4/2022, TP. Phú Quốc từ tháng 5 - 6/2022 và, TP. Đà Nẵng từ tháng 7 - 9/2022.

    Mỗi TP đã thành lập nhóm làm việc/nhóm đánh giá, là đại diện từ các phòng, ban có liên quan của mỗi hợp phần trong sáu hợp phần nói trên. Nhóm đánh giá có 1 trưởng nhóm, 1 điều phối viên thực hiện và ít nhất 6 thành viên tham gia đánh giá. Mỗi hợp phần ít nhất có 1 đại diện từ các phòng ban có liên quan, tuy nhiên theo tình hình thực tiễn của mỗi TP, nhóm đánh giá này được thành lập phù hợp để đảm bảo quá trình đánh giá đầy đủ và chính xác. Tại TP. Đà Nẵng, có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ về CTR cho TP là Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh miền Trung, do vậy, thành viên thực hiện đánh giá ở hợp phần cung cấp dịch vụ là đại diện từ 2 đơn vị này.

    Nói chung, 3 TP đều đánh giá cao Công cụ SCLL vì nó dễ thực hiện, rõ ràng và có kết quả mang tính trực quan. Các vấn đề cần cải thiện của mỗi TP được xác định và đưa vào kế hoạch triển khai giữa Chương trình CCBO và TP. Tại Huế, Sở TN&MT và TP. Huế đã rà soát và đưa các nội dung, tiêu chí của Công cụ đánh giá để có thể xem xét bổ sung vào kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn tại TP. Huế. Ở Đà Nẵng, Sở TN&MT Đà Nẵng đang xem xét Công cụ đánh giá và phối hợp với Chương trình CCBO để có kế hoạch triển khai thực hiện đánh giá tại cấp quận, huyện. Một số nội dung, tiêu chí của Công cụ đánh giá sẽ được các quận xem xét để đưa vào thảo luận với các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn nhằm cải thiện hơn nữa dịch vụ cung cấp về 3R/CTR trên địa bàn từng quận/huyện. Tại TP. Phú Quốc, Chương trình CCBO và TP sẽ áp dụng cách tiếp cận của Công cụ đánh giá để xây dựng Dự thảo Đề án phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn TP.

    Với mong muốn cung cấp cho các TP công cụ để đánh giá được năng lực quản lý hệ thống CTR trên địa bàn, như một công cụ đánh giá của mỗi TP để có thể xác định được năng lực của TP và những cải thiện về hệ thống quản lý CTR hàng năm.

Lori Scozzafava

Giám đốc Tăng cường năng lực và Quản trị toàn cầu

Lê Thanh Nga

Quản lý Tăng cường năng lực và Quản trị Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2023)

Ý kiến của bạn