Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) - Công cụ mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh

05/07/2023

    Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) sẽ là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường. Vậy Chỉ số xanh cấp tỉnh là gì? Nó sẽ đóng vai trò như thế nào trong đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26? 

1. Bối cảnh triển khai dự án Chỉ số xanh cấp tỉnh

    Kể từ khi tiến hành “Đổi mới” vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Kể cả khi chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu mới nổi với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính năm 2022 tăng 8,02% và giữ vị thế cao trong nhiều bảng xếp hạng thế giới về quy mô GDP, quy mô xuất nhập khẩu… Dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước không ít thách thức, trong đó đáng chú ý là mô hình tăng trưởng cũ đang tạo áp lực lớn lên mục tiêu phát triển bền vững.

    Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/ 8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã chỉ ra những vấn đề quan trọng Việt Nam đang phải đối mặt: “Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội”.

    Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững đã chỉ rõ nhiều khó khăn, thách thức Việt Nam đang gặp phải hiện nay. Cụ thể, đó là “Mô hình tăng trưởng vẫn chưa rõ nét, năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn, quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế; chênh lệch mức sống và mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng vẫn còn lớn; khoa học và công nghệ vẫn chưa trở thành động lực cốt lõi của phát triển bền vững, vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới và ứng dụng công nghệ…;; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là các vùng có mật độ phát triển công nghiệp cao, tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, xử lý vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập; biến đổi khí hậu và thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến các vùng miền…”.

    Để xử lý các thách thức, khó khăn trên, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/ 8/2019 của Bộ Chính trị đã xác định cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tạo chuyển biến về chất lượng phát triển, tránh bẫy thu nhập trung bình. Kết luận số 56 yêu cầu các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương tạo động lực để khuyến khích các bên liên quan, như doanh nghiệp, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, cải thiện quản trị kinh tế, đặc biệt là thực thi chính sách của địa phương - được coi là trụ cột chính để đạt được các mục tiêu phát triển về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế chia sẻ. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tháng 1/2021 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với một bộ mục tiêu và chỉ tiêu rõ ràng hướng tới “xây dựng nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường”. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ cần tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững, công bằng xã hội và phát triển nền kinh tế xanh và trung hòa các-bon. 

    Những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nêu trên là hết sức quan trọng. Để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng trên, cần thiết phải có những dữ liệu đáng tin cậy để theo dõi, đo lường tiến trình thực hiện. Từ những dữ liệu theo dõi, đo lường được theo thời gian mới sát thực tế mới có thể góp phần xác định và triển khai các giải pháp chính sách một cách hiệu quả nhất. 

    Phát huy vai trò của VCCI, tác động và ảnh hưởng sâu rộng của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (từ năm 2005 đến nay) trong điều hành kinh tế cấp tỉnh và thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh cấp tỉnh, năm 2020, Dự án PCI đã chủ động phát triển ý tưởng xây dựng một bộ Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm thúc đẩy các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ý tưởng này được Dự án PCI gửi tới USAID để mời hợp tác. Đồng thời, với định hướng phát triển tài trợ từ khu vực tư nhân, Dự án PCI gửi đề xuất tới Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB). Kỳ vọng của Dự án PCI khi phát triển ý tưởng hợp tác này là bộ Chỉ số xanh cấp tỉnh nhằm thúc đẩy các tỉnh/thành phố quan tâm hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chỉ số sẽ được khuyến khích sử dụng rộng rãi trong thực tiễn và khuyến khích trở thành bộ công cụ hữu ích giúp chính quyền tỉnh, thành phố sử dụng trong hoạch định chính sách, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.

    Dự kiến Chỉ số xanh sẽ được thực hiện lồng ghép với điều tra PCI từ khâu thực hiện khảo sát, xử lý dữ liệu, xây dựng báo cáo, và công bố báo cáo. Chỉ số xanh sẽ được trình bày như một chương của Báo cáo PCI thường niên.

    Với hai mục tiêu: (1) Xây dựng và thử nghiệm thành công bộ Chỉ số xanh cấp tỉnh. Chỉ số xanh cấp tỉnh được sử dụng để đánh giá chất lượng môi trường cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp, mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của doanh nghiệp, ứng xử môi trường của doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng đầu tư về môi trường tại tỉnh, thành phố. (2) Thúc đẩy Chỉ số xanh trở thành một công cụ giúp chính quyền các tỉnh, thành phố có được thông tin kịp thời về chất lượng môi trường của địa phương, định hướng trong cấp phép, sàng lọc các dự án đầu tư. Bộ công cụ này sẽ cung cấp cho Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường những thông tin hữu ích về thực trạng môi trường tại cấp độ doanh nghiệp. Chỉ số này cũng kỳ vọng tạo ra được định hướng và áp lực để các doanh nghiệp đầu tư rộng rãi hơn vào vấn đề môi trường.

Chỉ số xanh cấp tỉnh là gì?

    Chỉ số xanh cấp tỉnh là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Mục tiêu của chỉ số xanh là thúc đẩy các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án “xanh”, chất lượng cho Việt Nam.

    Chỉ số xanh cấp tỉnh được đánh giá, xếp hạng dựa trên 4 chỉ số thành phần: (1)  Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; (3) Vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong việc thúc đẩy thực hành xanh; (4) Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, PCI góp phần thúc đẩy quá trình cải cách môi trường kinh doanh các địa phương trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, hiện nay. Việc xây dựng và công bố PGI, VCCI mong muốn khuyến khích, cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường. Bởi thực tế minh chứng vai trò các tỉnh, thành phố rất quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thời gian qua. Các địa phương là chủ thể chính thực hiện các chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, chọn lọc được các dự án đầu tư thân thiện với môi trường. Theo đó, các địa phương cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường. Những chính sách này cũng góp phần định hướng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có ý thức bảo vệ, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Đây là những nhóm hoạt động và nội dung đánh giá mà chỉ số PGI hướng tới.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường

Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022)

    Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.  

    Theo kết quả PCI 2022, Top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An. Trong đó, Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Tiếp theo sau là Bắc Giang với 72,80 điểm và Hải Phòng với 70,76 điểm. Thành phố Đà Nẵng xếp vị trí thứ 9 với 68,52 điểm. Top 5 địa phương có điểm Chỉ số xanh PGI 2022 cao nhất gồm: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Đà Nẵng.

    Kết quả khảo sát Chỉ số PGI năm 2022 cho thấy, chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn, hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt. Tuy nhiên, 30% doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi ô nhiễm”. 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng lưu ý, 58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương. Cũng theo Báo cáo của VCCI, mặc dù nhìn chung các doanh nghiệp FDI tỏ ra hài lòng hơn về công tác quản trị môi trường tại địa phương, so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song vẫn có một số lĩnh vực chưa được doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực, như công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá tích cực hơn đối với công tác hướng dẫn về quy định pháp luật môi trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.

    Theo chia sẻ từ lãnh đạo các địa phương, để có kết quả này, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đối với công tác bảo vệ môi trường. Cùng đó, đưa ra nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể như: kiểm tra thường xuyên công tác bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp; quan điểm là không đánh đổi môi trường, lấy kinh tế một cách đơn thuần, kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, chưa xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý ô nhiễm môi trường.

    Là địa phương đứng thứ 5 cả nước về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) với chỉ số đạt 16,68 và xếp thứ 9 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Đà Nẵng được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (chỉ số thành phần 1); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp (chỉ số thành phần 2); hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh (chỉ số thành phần 3) và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể (chỉ số thành phần 4).Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường của Đà Nẵng sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, qua đó nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI trong những năm tới.

    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều địa phương, việc áp dụng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) song song Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh hơn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, đối với việc tiếp nhận các dự án đầu tư, cần có những đánh giá đa chiều về những ảnh hưởng lâu dài về môi trường. Qua đó, tạo động lực để tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Thông qua Chỉ số xanh, mong muốn các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường. Cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.

TS. Võ Văn Lợi

Học viện Chính trị khu vực III

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2023)

Ý kiến của bạn