Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Sản xuất và tiêu dùng bền vững thúc đẩy sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả

10/05/2016

   Trong thế kỷ qua, nền kinh tế toàn cầu đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cùng với đó là việc ngày càng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác một cách không bền vững. Mức tiêu dùng sinh khối tăng gấp 3 lần mỗi năm; lượng sử dụng nguyên liệu hóa thạch, kim loại và khoáng sản tăng từ 12 - 17 lần; vật liệu xây dựng tăng 34 lần...

   Tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc, tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 1992, sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) được đánh giá là một hướng đi quan trọng để kết nối các vấn đề phát triển và môi trường. Đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân của việc suy giảm môi trường toàn cầu là do sản xuất và tiêu dùng không bền vững, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển.

   10 năm sau Hội nghị Rio, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký kết Kế hoạch thực hiện Johannesburg (JPOI) tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững (WSSD). Chương 3 của Kế hoạch đề cập đến việc "chuyển đổi các mô hình SX&TDBV" và tuyên bố rằng "thay đổi cơ bản trong cách thức xã hội sản xuất và tiêu dùng là yếu tố không thể thiếu để đạt được phát triển bền vững toàn cầu. Tất cả các nước cần thúc đẩy mô hình SX&TDBV". Chương trình khung 10 năm (10YFP) đã được xây dựng để đẩy nhanh việc chuyển đổi sang mô hình SX&TDBV cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các hệ sinh thái bằng cách giảm sự lệ thuộc hay “tách rời” giữa phát triển kinh tế và suy thoái môi trường. Cuộc họp đầu tiên để xây dựng 10YFP diễn ra tại TP. Marrakech, Ma-rốc vào tháng 6/2003, do đó tên của thành phố được đặt tên cho tiến trình. Tiến trình Marrakech đã đáp ứng lời kêu gọi của Kế hoạch thực hiện JPOI bằng cách hỗ trợ việc thực hiện các chương trình, dự án và chính sách SX&TDBV cũng như hỗ trợ xây dựng 10YEP.

Hội nghị bàn tròn quốc gia lần thứ 6 về SX&TDBV tại TP. Đà Nẵng (2011)

   Khái niệm SX&TDBV

   SX&TDBV là một cách tiếp cận toàn diện để giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường từ các hệ thống sản xuất và tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy chất lượng cuộc sống của con người.

   SX&TDBV thúc đẩy sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, cung cấp các dịch vụ cơ bản, việc làm xanh và bền vững cũng như chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả người dân trên Trái đất. Việc triển khai thực hiện SX&TDBV là một cách tiếp cận tổng hợp nhằm đạt được kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, chi phí môi trường và xã hội trong tương lai, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

   SX&TDBV đòi hỏi áp dụng "tư duy vòng đời sản phẩm" để tăng hiệu quả quản lý bền vững các nguồn tài nguyên và đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên trong cả giai đoạn sản xuất và tiêu dùng. Với cách tiếp cận này, các mục tiêu và hành động của SX&TDBV trở thành đòn bẩy giúp đẩy nhanh việc chuyển đổi sang một nền kinh tế có hiệu quả sinh thái và biến các thách thức về môi trường và xã hội thành cơ hội kinh doanh và việc làm. Sự chuyển đổi hướng tới SX&TDBV cần có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, khoa học, các nhà bán lẻ, truyền thông và các cơ quan hợp tác phát triển... Do đó, đòi hỏi một cách tiếp cận có hệ thống và hợp tác giữa các tác nhân hoạt động trong chuỗi cung ứng, từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.

   Lợi ích của SX&TDBV đối với sự phát triển

   Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), yêu cầu sản xuất và tiêu dùng nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, đáp ứng các nhu cầu cơ bản và nguyện vọng của những người nghèo nhất thế giới, trong khi vẫn giữ được các hệ sinh thái tự nhiên. SX&TDBV cung cấp các cơ hội để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ bằng cách cung cấp nhiều sản phẩm sạch và an toàn, trong khi sử dụng ít nguyên liệu và năng lượng bền vững.

   Mặt khác, SX&TDBV cung cấp các cơ hội như tạo ra thị trường mới (thực phẩm hữu cơ, hội chợ thương mại, nhà ở, năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và du lịch) với việc làm phù hợp và giữ gìn môi trường bền vững cũng như quản lý hiệu quả, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đối với các nước đang phát triển, SX&TDBV cung cấp công nghệ và sử dụng tài nguyên hiệu quả như sản xuất năng lượng mặt trời tại khu vực nông thôn sẽ giảm việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

   Các nguyên tắc của SX&TDBV bao gồm: Nâng cao chất lượng cuộc sống mà không làm gia tăng suy thoái môi trường và không làm tổn hại đến nhu cầu về nguồn lực của các thế hệ tương lai; tăng trưởng kinh tế mà không gây tổn hại tới môi trường; Áp dụng tư duy vòng đời, xem xét đến tác động từ tất cả các giai đoạn trong vòng đời của quá trình sản xuất và tiêu dùng; Chống lại tác dụng phản hồi ngược do sự gia tăng trong tiêu dùng.

SX&TDBV là cách tiếp cận toàn diện, thúc đẩy chất lượng cuộc sống con người

   Kế hoạch hành động quốc gia về SX&TDBV ở Việt Nam

   Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về SX&TDBV, với mục tiêu tổng quát là giảm cường độ sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng trong hệ thống sản xuất và tiêu dùng (bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng); Tối ưu hóa hệ thống sản xuất và tiêu dùng (thay thế nguyên liệu đầu vào, quy trình, sản phẩm, dịch vụ và nhu cầu) để không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống. Kế hoạch giúp cán bộ nhà nước lập cơ chế, điều phối chính sách và các hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang SX&TDBV, góp phần phát triển bền vững đất nước.         

   Theo đó, Kế hoạch cũng đề ra một số lĩnh vực tập trung và ưu tiên trong giai đoạn 2010-2020 với các nội dung:

   Phát triển sản phẩm, dịch vụ và công nghệ thân thiện môi trường: Lồng ghép SX&TDBV vào các chiến lược phát triển, quy hoạch và kế hoạch tổng thể trong ngành công nghiệp và dịch vụ; Thiết kế sinh thái bằng phương pháp đánh giá vòng đời; Phát triển thị trường cho sản phẩm sinh thái; Thúc đẩy nền kinh tế 3R (hay còn gọi là nền kinh tế tái chế/tái sử dụng).

   Cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng: Thử nghiệm sản phẩm một cách công tâm; Dán nhãn sinh thái; Mua sắm xanh - Chính phủ bền vững; Mua sắm xanh trong doanh nghiệp.

   Thông tin, đào tạo và nâng cao nhận thức: Chiến dịch nâng cao nhận thức về SX&TDBV; Xây dựng các sáng kiến về SX&TDBV.

   Mới đây, ngày 11/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về SX&TDBV đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chương trình có mục tiêu tổng quát nhằm từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn thực hiện và áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượngn

                Vũ Nhung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn