Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 04/12/2024

Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển Miền Trung

29/04/2016

   Trước hiện tượng cá biển và cá nuôi lồng bè của người dân các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chết đồng loạt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh kế của người dân, ngày 20/4/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng của Bộ về việc làm rõ nguyên nhân gây nên hiện tượng nêu trên. Lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Sở TN&MT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân cá chết ở khu vực này. Đồng thời, giao Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì việc xác định đúng nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố (nếu có) và cung cấp thông tin về sự việc với các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ trưởng cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt có nhiều nguyên nhân trong đó không loại trừ nguyên nhân do môi trường bị ô nhiễm. Do đó, trách nhiệm của Bộ TN&MT là phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ làm rõ việc có hay không việc cá chết là do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, do đó, cần điều tra, nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản, dựa trên các chứng cứ khoa học mới xác định được nguyên nhân chính xác.

   Về phía Tổng cục Môi trường, Tổng cục đã cử đoàn công tác gồm Cục Kiểm soát hoạt động BVMT, Cục Kiểm soát ô nhiễm và Trung tâm Quan trắc môi trường phối hợp với Sở TN&MT 4 tỉnh tiến hành khảo sát hiện trường, lấy mẫu nước và cá tại các khu vực cá chết, gửi các đơn vị có hệ thống máy móc hiện đại và kinh nghiệm tiến hành xét nghiệm, phân tích. Ngày 15/4/2016, Tổng cục đã có Văn bản số 799/TCMT-KSMT thành lập đoàn kiểm tra do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài làm Trưởng đoàn  kiểm tra việc thực hiện công tác BVMT đối với các cơ sở khu vực Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

   Tiếp đó, ngày 21/4/2016, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 1411/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế về việc thực hiện một số biện pháp khẩn cấp giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt. Tại Văn bản, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh thông báo, tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng cá chết để chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi; Triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, xử lý đúng quy cách, không để xảy ra tình trạng đưa cá chết đi tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường; Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời các diễn biến mới về Bộ TN&MT để có biện pháp xử lý.

   Ngày 23/4/2016, tại Hà Tĩnh đã diễn ra cuộc họp giữa 2 Bộ TN&MT, NN&PTNT với Lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ TN&MT đang  chủ trì, phối hợp với nhiều Bộ, ngành, các nhà chuyên môn, khoa học cùng hệ thống quan trắc trực thuộc Bộ tại các địa phương tiến hành lấy mẩu, kiểm tra, đánh giá và sẽ sớm tìm ra nguyên nhân.

 

Toàn cảnh cuộc họp giao ban tại Hà Tĩnh

 

   Ngày 24/4/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chuyến khảo sát, chỉ đạo khắc phục hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung. Tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng đã kiểm tra thực địa, thăm hỏi bà con ngư dân chịu thiệt hại ở khu vực Cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh. Chiều cùng ngày, tại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh,  Phó Thủ tướng có buổi làm việc với đại diện các Bộ TN&MT, NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần phối hợp đưa ra kết luận sớm nhất về tình trạng cá chết bất thường, nhằm trấn an dư luận và nhanh chóng đưa hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh dịch vụ liên quan đến thủy hải sản hoạt động hồi phục trở lại, ổn định tình hình kinh tế, an sinh xã hội tại các địa phương; Yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan  kiểm tra, khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết trên cơ sở khoa học, tránh cảm tính, thận trọng nhưng nhanh nhất, sớm nhất. Việc tăng cường kiểm soát môi trường, yêu cầu kiểm tra định kỳ tất cả doanh nghiệp quy mô lớn có hệ thống thải khí, xả thải ra tự nhiên ra sông biển, ao hồ cũng là vấn đề rất bức bách. Nếu nguyên nhân được xác định do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây ra cố tình gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong trường hợp cần thiết và chưa đủ khả năng kết luận về nguyên nhân vụ việc, có thể tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản lồng bè của ngư dân Hà Tĩnh

 

   Sau khi nghe Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tình hình kiểm tra thực địa tại tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại; Đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ các Bộ: TN&MT, NN&PTNT khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý vi phạm. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, TN&MT, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và các địa phương trong cả nước chủ động tiến hành rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng về công tác BVMT, đặc biệt là môi trường biển.

   Chiều ngày 27/4/2016, Lãnh đạo các Bộ TN&MT, NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; Lãnh đạo 4 tỉnh ven biển; Các cơ quan khoa học trong và ngoài nước; GS.TS Yashuwo Fukuyo, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản đã có cuộc họp thảo luận các kết quả điều tra ban đầu của vụ việc trên. Sau khi thảo luận, loại trừ nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, 20h tối cùng ngày, Bộ TN&MT đã tổ chức họp thông báo nhận định sơ bộ của các nhà khoa học và cơ quan quản lý.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp

 

   Theo đó, có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, còn gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ.

   Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có đủ bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế bằng việc hy sinh môi trường. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

   Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định.

     Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và có các giải pháp ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự, cần tổ chức nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân nói trên. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện các nghiên cứu, nếu cần thiết, sẽ huy động các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng. Trong thời gian sớm nhất, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp các kết quả phân tích các độc tố và sẽ đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước biển ven bờ và có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.

B. Hằng

Ý kiến của bạn