03/04/2023
Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là CNC nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Những năm gần đây, ứng dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản được xem là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp tại các đô thị lớn, điển hình như Thủ đô Hà Nội. Toàn Thành phố hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượn, Quốc Oai… Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 45 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi; 54 mô hình đối với lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt lẫn chăn nuôi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa, cụ thể là giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng, chiếm khoảng 35% tổng giá trị.
“Đòn bẩy” cho sản xuất bền vững của các doanh nghiệp
Trong số các mô hình ứng dụng CNC hiệu quả tại Hà Nội phải kể đến mô hình trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, ứng dụng CNC của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ CNC Cuối Quý (huyện Đan Phượng). Toàn bộ hệ thống nhà màng của HTX đều sử dụng phân bón hữu cơ và men vi sinh, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng pép phun sương chờ ngày thu hoạch. Để diệt sau bọ, HTX tự làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa milo, ủ trong 2 tuần, sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Tuy không làm cho sâu chết ngay nhưng thuốc hữu cơ tác động trực tiếp làm chúng ngưng không ăn và yếu dần rồi chết. Thay vì phun thuốc diệt cỏ để khử trùng đất, tiêu diệt mầm bệnh, sau khi thu hoạch xong, HTX sử dụng đèn khò phun lửa khắp khu vực canh tác. Đây là cách làm của người Nhật để tiêu diệt nấm bệnh, trứng sâu bọ nhưng vẫn giữ được giun. Ngoài hệ thống nhà màng, phần diện tích còn lại gia đình anh chị trồng 2,5 ha măng tây xanh; 2 ha súp lơ lấy ngồng; 2 mẫu ngô lấy quả non và ngọn; hơn một mẫu ổi Đài Loan. Diện tích này dùng màng phủ ni lông, hệ thống tưới nhỏ giọt cho sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Toàn bộ sản phẩm rau được các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học hợp đồng tiêu thụ ổn định. Với sản lượng 3 tạ rau/ngày của HTX sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/1ha, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ CNC Cuối Quý - Một trong những mô hình tiêu biểu ứng dụng CNC hiệu quả tại Hà Nội
Theo bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc Hợp tác xã, trồng rau trong nhà màng không chỉ mang lại năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống mà việc ứng dụng CNC còn đảm bảo được chất lượng cho sản phẩm. Hiện, mỗi ngày HTX Rau hữu cơ CNC Cuối Quý cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng; chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm khoảng 2 - 4 tấn rau xanh các loại, thu lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng. Việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích, vì chỉ cần đầu tư một lần nhưng tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới,nhà màng tránh được sâu bệnh gây hại, giảm chi phí. Mặt khác, nhà màng có kết cấu đơn giản, không sử dụng bất kỳ mối hàn nào, không xây móng, dễ lắp đặt, tháo dỡ. Với quy trình gieo hạt từ trong ra ngoài, đóng cửa chờ thu hoạch và thu hoạch một lần từ ngoài vào trong, bẫy côn trùng ở 4 góc mái nhà màng, không tốn công chăm sóc, rau lại đảm bảo an toàn.
Một mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC tiêu biểu khác của Hà Nội phải kể đến là Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín). Từ năm 2007, Công ty đã xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch với việc chuẩn hóa 5 khâu, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm, tạo chuỗi thực phẩm khép kín. Thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Organic Green hình thành với sản phẩm thịt lợn cấp đông sâu được đóng túi hút chân không cùng các sản phẩm chế biến từ thịt (xúc xích, giò, thịt hun khói…). Đối với khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty chọn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, sản phẩm thơm ngon, an toàn; sản lượng 1.000 tấn/tháng, cung cấp cho các trại chăn nuôi của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ngon, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, công ty đã liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh. Từ nguồn này, công ty thu mua lợn, gà tại các trang trại liên kết, thực hiện giết mổ trên dây chuyền công nghệ châu Âu bảo đảm an toàn thực phẩm (dây chuyền đặt tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì). Đặc biệt, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội kết nối các đơn vị: Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành NN& PTNT... qua đó, giúp người tiêu dùng thay đổi tư duy trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, thịt mát, thịt cấp đông của Công ty. Hiện Công ty cũng đã mở 134 điểm bán thực phẩm sạch nhằm bảo đảm cung ứng thực phẩm chế biến cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố, trở thành địa điểm tin cậy, uy tín cho những người tiêu dùng thông minh.
Có thể thấy, với sự nhạy bén, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm và sự quyết tâm, mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Thành phố đã thành công với việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đã dần hình thành nên những người nông dân hiểu biết, hiện đại và nhờ đó đã mang lại những sản phẩm nông nghiệp an toàn, người bạn tin tưởng cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.
Một số tồn tại, hạn chế và định hướng phát triển trong thời gian tới
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa. Thời gian qua, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội cũng đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn Thành phố hiện có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới, và 9 DN chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản. Gần 95 hợp tác xã tại các địa phương cũng đang bước đầu tiếp cận với những phương thức sản xuất mới trên cơ sở tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, số lượng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn bị đánh giá là quy mô hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố mới chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.
Hà Nội phấn đấu sẽ xây dựng được trung tâm nông nghiệp CNC điển hình của cả nước
Năm 2023, ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành đạt từ 2,5 - 3%; phấn đấu tăng thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên. Với đặc thù của Thủ đô, Hà Nội cần có hướng đi riêng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNC, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch. Khó khăn nhất của Hà Nội trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là diện tích đất nhỏ hẹp nên khó thu hút doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Do vậy, Thành phố cần chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân có điều kiện ứng dụng CNC, nên vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất một mặt hàng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; doanh nghiệp sẽ liên kết với nông dân, tư vấn về quy trình, kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có giá trị, nhiều vùng nhỏ cộng lại sẽ thành vùng lớn.
Như vậy, từ hực tế trên cho thấy, đẩy mạnh khoa học công nghệ đang được xem là giải pháp quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp tại Hà Nội hiện nay. Điều này cũng hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII: Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”. Hiện Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng để trình UBND Thành phố xem xét, ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng 2030. Đồng thời, sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành phố hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trình HĐND Thành phố thông qua vào tháng 7/2023. Cùng với đó, thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hằng năm. Trong chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển sản xuất con giống chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng bà con nông dân, hy vọng rằng trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển mạnh, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, đồng thời xây dựng được trung tâm nông nghiệp CNC điển hình của cả nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bùi Hằng
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)