30/06/2022
Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP TP. Hà Nội đến năm 2020; Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 14/6/2021 của UBND TP. Hà Nội về thực hiện Chương trình OCOP TP. Hà Nội năm 2021; Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 6/10/2021 về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP. Hà Nội năm 2021. Bên cạnh đó, lũy kế đến nay (2019 - 2022), TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng, công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao, trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm. Với những kết quả đã đạt được, hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao. Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở thực hiệu hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP đưa nông sản và các sản phẩm OCOP bán hàng qua online và livestream lên các trang mạng xã hội và hướng đến đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân giải quyết lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại công nghệ số.
Các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông sản trực tiếp giới thiệu những đặc sản OCOP trên kênh OCOP live
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức một số sự kiện quảng bá, kết nối giao thương trên nền tảng số: Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội” ngày 6/6/2021, với 10 chủ thể tham gia và là chương trình đầu tiên tại Việt Nam, có ý nghĩa tích cực đối với các chủ thể OCOP Hà Nội trong bối cảnh thiếu đầu ra cho các sản phẩm cũng như sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; Tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn (ngày 1/9/2021) và Tổ chức khai trương mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” (ngày 24/9/2021). Đặc biệt qua diễn đàn đã tiêu thụ được hơn 650 tấn bưởi Thồ của huyện Phú Xuyên đến kỳ thu hoạch.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tổ chức được 05 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (Livestream) với số lượng gần 500 học viên tham dự của 273 đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Hà Nội và thuộc 20 tỉnh, thành phố: Hòa Bình và Hà Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Gia Lai, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Sau khóa học, các chủ thể đã chủ động livestream bán hàng trực tuyến sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.
Tháng 8/2021, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội tiếp nhận đơn đăng ký tham gia khoá tập huấn bán hàng online, livestream. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đây là dịp để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ nội bộ, tiêu thụ chéo giữa các nhóm hàng hoá của nhau; giới thiệu và bán sản phẩm đến khách mời tham dự các sự kiện tiêu thụ online tổ chức vào tối thứ 6 hằng tuần... Từ thành công của lần đầu thí điểm cuối tháng 8/2021, đến nay, mô hình “Chợ đêm trên mây” tổ chức vào tối thứ 6 hàng tuần đã trải qua 5 phiên. Qua 05 lần tổ chức mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” và Chương trình thí điểm sự kiện “Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền” trên nền tảng kỹ thuật số của Chợ đêm trên mây TP. Hà Nội vào 20h30 thứ 6 hàng tuần, có trên 50 chủ thể tham gia với trên 1.000 đơn hàng, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Từ hiệu quả bước đầu tích cực của mô hình “Chợ đêm trên mây”, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan duy trì thường xuyên hàng tuần. Những phiên chợ 4.0 này sẽ góp phần thay đổi phương thức tiêu thụ và tiếp cận sản phẩm OCOP, cũng như đặc sản vùng miền của người dân, bảo đảm ổn định chuỗi giá trị nông sản.
Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”
Bên cạnh đó, Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội cũng đã tổ chức thành công 04 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng online, offline các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền năm 2021 với thời gian 05 ngày/01 tuần hàng tại các Trung tâm thương mại trên địa bàn 04 quận nội thành: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy. Trong năm 2021, Văn phòng Điều phối NTM thành phố tổ chức 02 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng) tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội và tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại ngày Hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu từ ngày 23/12 - 27/12/2021.
Ngoài ra, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng; Tổ chức Diễn đàn quốc tế về Sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, hàng thủ công mỹ nghệ và tại Hà Nội theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố và Sở NN &PTNT Hà Nội.
Những câu chuyện sản phẩm được chính chủ thể kể một cách truyền cảm hấp dẫn tới người tiêu dùng
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lĩnh vực TMĐT hiện đang phát triển hết sức nhanh chóng. Cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng dần có thói quen mua hàng trực tuyến. Việc đưa sản phẩm OCOP của các địa phương lên sàn TMĐT là hình thức giới thiệu sản phẩm thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh việc có thể đăng tải đầy đủ thông tin sản phẩm cũng như giá cả, hình ảnh, chứng nhận tới người tiêu dùng, đây còn là kênh thông tin hữu ích để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, tương tác trực tiếp cũng như tiếp nhận các phản hồi của khách hàng để các chủ thể có cơ sở để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm. Người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng theo dõi, tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm, so sánh giá, chất lượng giữa các nơi, qua đó thúc đẩy hành vi mua sắm. Do vậy, các chủ thể OCOP cần xác định, sàn TMĐT sẽ là một trong những kênh bán hàng chính thống trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Nguyệt Minh
(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)