30/10/2023
Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Là tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều dân tộc anh em chung sống, địa hình chia cắt, nhưng xác định rõ tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong những năm gần đây, Yên Bái không ngừng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
93% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Theo Báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Yên Bái, tính đến nay, tỉnh có 99 xã đạt chuẩn NTM, 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (gồm huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, TP. Yên Bái). Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, ngày 25/7/2022, tỉnh Yên Bái đã ban hành Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; Bộ tiêu chí về thôn (bản) NTM và thôn (bản) NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Bộ tiêu chí về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Riêng đối với nội dung nước sạch, ngày 28/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 685/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo Kế hoạch, sẽ đảm bảo cho khu vực nông thôn được tiếp cận dịch vụ cấp nước được thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình khu vực nông thôn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh nguồn nước; góp phần phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp nước liên tục, đủ lưu lượng, chất lượng nước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người; phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với điều kiện tự nhiên và khả năng đáp ứng về nguồn nước; khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Các mục tiêu được đặt ra là, đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, đến năm 2030, tỷ lệ này là 100%. Năm 2030 cũng phấn đấu trên 50% dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn. Năm 2045, tỉnh phấn đấu trên 80% số dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững…
Để đạt được được mục tiêu đã đề ra, góp phần thực hiện tốt chủ trương nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đáp ứng tiêu chí số 17.1 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Yên Bái triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường; chú trọng công tác quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn, tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước sinh hoạt tập trung, lồng ghép bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình để xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… UBND tỉnh đã có quyết định bàn giao tài sản cho UBND các xã quản lý, ban quản lý công trình hoạt động theo quy chế phân công nhiệm vụ từng thành viên trong Ban Quản lý nhằm phát huy tốt hiệu quả các công trình. Ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình, thành viên Ban Quản lý còn có trách nhiệm thực hiện bảo vệ các tác động bên ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn sinh thủy. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng nguồn vốn giúp người dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ, tạo điều kiện để nhiều người được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hàng năm, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Ngoài ra, đối với các đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn, Sở thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường. Trong công tác xử lý nước thải, Sở TN&MT đã yêu cầu các cơ sở đẩy mạnh đầu tư công trình xử lý nước thải công nghiệp, nước thải chế biến nông sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình xử lý nước thải công nghiệp với công suất lớn và hoạt động hiệu quả như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên của Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; Nhà máy xẻ đá thôn Cốc Há của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam; Nhà máy chế biến đá thôn Ao Khoai của Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai...
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Về nước sạch, trên địa bàn huyện hiện có 73 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động ở 20 xã, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên đến 91,5%. Toàn huyện có 57% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 70% hộ chăn nuôi có hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh cách biệt với nhà ở. Riêng tại xã Chấn Thịnh, những năm trước đây, người dân xã Chấn Thịnh thường sử dụng nước từ các dòng suối, giếng khơi ven đồi để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Lượng rác thải sinh hoạt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan đã khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Để nước cung cấp cho người dân được đảm bảo, từ năm 2004, công trình cung cấp nước sạch tại xã Chấn Thịnh được hoàn thành đưa vào khai thác đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân. Với thiết kế ban đầu công trình nước sạch có hệ thống đường dẫn là ống kẽm, theo thời gian quá trình sử dụng qua nhiều năm đường ống hỏng, xuống cấp dẫn đến tình trạng cấp nước cho người dân sử dụng không được ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân. Sau nhiều lần họp lấy ý kiến, được sự thống nhất cao, người dân đã tự nguyên đóng tiền, góp sức mua ống dẫn và cùng nhau thay lại hệ thống ống dẫn. Đến nay, toàn bộ hệ thống ống dẫn mới đã đưa nước về tất cả mọi nhà.
Hay công trình nước sạch đặt tại thôn Trà, xã Đông An, huyện Văn Yên được đưa vào sử dụng từ năm 2008 phục vụ nhu cầu về nước cho trên 1.000 hộ dân trong xã. Được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay, không còn nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Công trình cấp nước đi vào hoạt động đã cung cấp nước cho 100% số hộ dân trong thôn, đảm bảo hợp vệ sinh, người dân rất phấn khởi. ngay sau khi công trình cấp nước đi vào hoạt động, UBND Đông An đã thành lập Ban Quản lý công trình để quản lý, vận hành, khai thác; thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống cấp nước để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố; sửa chữa, duy tu bảo dưỡng trong quá trình sử dụng. Đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Trong quá trình sử dụng, Ban Quản lý thường xuyên duy tu bảo dưỡng hệ thống hầm, hố van, súc rửa bể lắng, bể lọc theo định kỳ. Khi xảy ra sự cố, Ban sẽ khắc phục sửa chữa ngay để cung cấp nước sinh hoạt trở lại cho người dân một cách nhanh nhất…
Công trình nước sạch xã Đông An được đầu tư đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu về nước hợp vệ sinh cho hơn 1.000 hộ dân trong xã
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2022, dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng trên 600.000 người (đạt 93%). Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình cấp nước tập trung là 29% với 358 công trình; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình nhỏ lẻ là 62% với khoảng 100.000 công trình… Có được kết quả đó, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện theo Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt là thực hiện Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016-2022. Yên Bái đang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước hiện có; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; hỗ trợ hộ dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ trong giai đoạn 2021-2025…
Phương Linh
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)