Banner trang chủ

Tìm giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội

23/07/2022

    Ngày 23/7/2022, tại Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố”. Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT; ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương; ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội; ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội, cùng các nhà khoa học, đại diện các làng nghề trên địa bàn Thành phố…

    Báo cáo tại Hội thảo, ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội được biết đến là “đất trăm nghề”, những làng nghề nơi đây bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và tạo thu nhập cho hàng vạn người dân nông thôn. Sau khi mở rộng, Thành phố có 1.350 làng nghề nhưng đã mai một 544 làng, còn 806 làng đang hoạt động (số liệu điều tra năm 2020). Trong 806 làng nghề đang hoạt động, có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã; 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội. Sản phẩm làng nghề Hà Nội đa dạng, chủng loại nhiều, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường ở cả trong và ngoài nước như: Sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt, thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, đồ cơ khí, nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

    Tuy nhiên, những năm gần đây, số làng nghề trên địa bàn Thành phố giảm nhanh, nhiều nghề truyền thống đã mai một, một số làng nghề đang hoạt động chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, hầu hết doanh nghiệp đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát, thiếu mặt bằng sản xuất tập trung, đội ngũ lao động có tay nghề; vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc; khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định; chưa tạo được nhiều thương hiệu hàng hóa; sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… Đặc biệt, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hóa và du lịch làng nghề. Mặt khác, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề ở Hà Nội, nhất là đường giao thông xuống cấp hoặc chưa đồng bộ, điều này trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề nói chung, việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nói riêng. Trong khi đó, Hà Nội là nơi hội tụ nhiều nét tinh túy của đời sống xã hội, trong đó có những nét tinh hoa của làng nghề, phố nghề, vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề càng trở nên quan trọng trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

    Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng cũng như một số giải pháp phát triển nghề, làng nghề cho Thành phố Hà Nội trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù Trung ương và Thành phố đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế. Các làng nghề gắn với phát triển du lịch chưa đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: Bãi đỗ xe, khu vệ sinh, nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên... Các cơ sở sản xuất chủ yếu là quy mô hộ, ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề...

    Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá, Hà Nội là địa phương có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng NTM của cả nước với 15/18 huyện, 100% xã đạt chuẩn. Gợi mở giải pháp cho làng nghề Thủ đô, ông Trần Nhật Lam cho rằng, sản phẩm làng nghề là tiền đề phát triển sản phẩm OCOP, vì vậy, trên cơ sở lợi thế, Hà Nội cần rà soát lại cơ chế, chính sách để phát triển làng nghề, trong đó mỗi làng nghề, nhóm làng nghề cần một kế hoạch phát triển riêng, phát huy sức sáng tạo của mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân. Hà Nội cũng cần xây dựng cảnh quan môi trường làng nghề, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM; xây dựng môi trường làng nghề Xanh - Sạch - Đẹp gắn với du lịch… mỗi làng nghề, nhóm làng nghề cần kế hoạch phát triển riêng. 

Toàn cảnh Hội thảo

    Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), với đặc thù là Thủ đô nên Hà Nội rất khó có nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề, vì vậy, Hà Nội cần liên kết với các địa phương khác để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

    GS.TS Đặng Kim Chi, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định, ngoài việc bảo tồn, phát triển làng nghề, Hà Nội cần lưu ý tới việc gìn giữ môi trường làng nghề. Tuy nhiên, môi trường chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết BVMT, do đó, Hà Nội cần xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động BVMT, truyền thông về môi trường…

    Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, những năm qua, Thành phố Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Thành phố; ban hành kế hoạch bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, triển khai Chương trình OCOP… Mới đây, Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3/3/2022 về việc bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ tổ chức xét công nhận 50 danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống”; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề; hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề cho 100 làng nghề và 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Để các làng nghề phát triển bền vững trong thời gian tới, Hà Nội mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn cho làng nghề phù hợp cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; có cơ chế, chính sách về đất đai xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài... ông Chí nhấn mạnh.

Gia Linh - Hương Mai

Ý kiến của bạn