06/11/2023
Hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 63/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15/63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 huyện đạt chuẩn NTM theo quy định bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020. Để phấn đấu duy trì và giữ vững số xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới theo Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 12/1/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2023 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, tập trung chỉ đạo các địa phương có tiêu chí không giữ vững theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 khẩn trương hoàn thiện lại các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định; ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện.
Dự án “Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nước rửa chén sinh học Bình Ngọc” của CLB tái chế rác thải của Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa đạt giải khuyến khích của Chung kết cuộc thi “Phụ nữ khỏi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023
Được giao phụ trách tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền địa phương thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả.
Theo đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các hội, đoàn thể tỉnh ký kết liên tịch như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật về BVMT, phân loại rác thải tại hộ gia đình và tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM tại các xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; ưu tiên chú trọng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh nhân rộng mô hình nông dân chung tay BVMT tại các xã xây dựng NTM và xã NTM nâng cao... Qua công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về BVMT, phân loại rác thải tại hộ gia đình và tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM tại các xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, ý thức BVMT của các hộ gia đình trên địa bàn xã ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; kêu gọi xã hội hóa thực hiện các dự án môi trường. Công tác phối hợp với các đoàn thể tiếp tục được chú trọng với các hoạt động tập huấn và tuyên truyền các quy định của pháp luật BVMT và tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM cho các cán bộ nòng cốt cấp cơ sở; nhân rộng các mô hình khu dân cư tự quản về BVMT…
Công tác giám sát việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng xã NTM tại các địa phương tiếp tục được tập trung thực hiện; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về BVMT theo quy định.
Nhóm tình nguyện xanh thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch môi trường xanh của tỉnh Phú Yên
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nên công tác quán triệt và triển khai thực hiện nội dung môi trường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn thể người dân thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả. Có thể rút được một số giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM như sau:
Thứ nhất, cần kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giải đoạn trước, nâng cao dần chất lượng các tiêu chí và duy trì tính bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng. Tìm tòi, vận dụng những bài học tốt, cách làm hay, sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung thế chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cần tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có những phương cách ứng xử phù hợp; đặc biệt chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).
Thứ ba, xác định các nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, đã đến lúc chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, mà phải vận dụng tối đa các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, cần phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra những phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải... nông nghiệp và khu vực nông thôn. Bài học thực tiễn từ hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua đã cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động BVMT nông thôn.
Thứ tư, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn, bài học kinh nghiệm từ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM 10 năm qua cho thấy, đã đến lúc nhận thức cộng đồng được nâng lên, trách nhiệm được phân định, hoạt động được phân công phân cấp, nhưng khó khăn là thiếu những công nghệ phù hợp, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý CTR (tập trung, phân tán, công nghệ hiện đại hay truyền thống,…) và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn và bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.
Thứ năm, áp dụng các biện pháp đủ mạnh để giải quyết những xung đột về môi trường, đã đến lúc không thể mãi áp dụng đơn phương các biện pháp thuyết phục và hỗ trợ, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cần thiết song hành cả hai công cụ (tuyên truyền và cưỡng chế), có như vậy các công cụ mới phát huy được hết tác dụng của nó. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của người dân, cần bóc tách những nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các chế tài phù hợp.
ThS. Huỳnh Huy Việt
Sở TN&MT Phú Yên
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2023)
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)