30/08/2022
Dọc cánh bãi bồi ven sông Hồng tại các xã Khai Thái và Hồng Thái của huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội là vùng trồng chuối trải dài ngút tầm mắt. Ở vùng đất này, cây chuối đang mang lại nhiều đổi thay cho các hộ dân bởi toàn bộ quả, thân, lá chuối đều trở thành sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế cao, trong đó, thân cây chuối trước đây người dân thường bỏ đi, nay cũng được tận dụng để lấy tơ, làm nguyên liệu tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Có được thành quả này, phải kể đến công lao của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ (HTX TM&DV) nông nghiệp Khai Thái. Nắm bắt xu thế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của các ngành sản xuất, cùng với mong muốn tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân tại quê hương xã Khai Thái, từ tháng 9/2019, anh Nguyễn Đức Tuấn, anh Hồ Xuân Huy cùng một số người dân địa phương đã thành lập Tổ hợp sản xuất tơ chuối, đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua trang thiết bị phục vụ mục đích sản xuất sợi chuối. Đến tháng 7/2020, HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái chuyên sản xuất, chế biến cây chuối thành sợi đầu tiên tại Việt Nam được thành lập, giúp ngành nông nghiệp của xã nhà phát triển theo hướng xanh, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các sản phẩm của XTX TM&DV Khai Thái được trưng bày tại Lễ ra mắt HTX ngày 4/7/2020
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái Nguyễn Đức Tuấn, thị trường sợi chuối trên thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15 - 20 năm nay, hiện rất sôi động, phát triển liên tục với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm cho doanh thu hàng tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, qua thống kê sơ bộ, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000 ha chuối lấy quả, quy mô trang trại, nông trại, nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như: Chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích cây chuối của nước ta lên đến trên 200.000 ha. Diện tích này tương đương khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm, với giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg thì số lượng sợi trên tương đương khoảng 700 triệu USD. Tuy nhiên, cây chuối ở nước ta được trồng chủ chỉ lấy quả, một số ít tận dụng lá khô, lá tươi, hoa tươi, phần thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, dẫn đến lãng phí tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mặt khác, người trồng chuối phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch. Vì vậy, tận dụng lợi thế của xã Khai Thái là vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm ha, tôi đã tìm hiểu để phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại tơ này, với mục tiêu chế biến sợi chuối thô để sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị kinh tế cao.
Công đoạn phơi sợi chuối
Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, HTX ứng dụng canh tác theo quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh thái, điển hình như trong việc sử dụng phân bón, các hộ loại bỏ hóa chất, phân bón hóa học độc hại, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai. Trong công tác bảo vệ cây trồng, HTX sử dụng các loại thuốc vi sinh, hoạt chất tự chế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt, khi chuối ra buồng, đậu quả, HTX ứng dụng kỹ thuật bao trái với túi chuyên dụng để ngăn chặn sâu bệnh, qua đó giảm thiểu lượng thuốc sử dụng. Về việc lấy tơ, HTX làm sạch thân cây chuối (sau khi đã thu hoạch quả) rồi đưa vào máy xẻ để thực hiện công đoạn tách, phân loại bẹ, tiếp đó, cho vào máy tuốt sợi và tiếp tục phơi nắng cho khô. Từ sợi tơ chuối, những người thợ thủ công ở Khai Thái đã tết, bện thành nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm... với kiểu dáng độc đáo, phong phú, tùy theo đơn đặt hàng của đối tác. Sợi chuối có đặc tính dẻo dai, thấm hút tốt, khả năng kháng nấm mốc; sản phẩm từ tơ chuối thoáng khí, rất nhẹ, cách âm, cách điện… Phần nước ép từ thân cây chuối được kết hợp với quả chuối chín để ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả; bã từ thân chuối được tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, vừa cung cấp vi chất lại thân thiện với môi trường. Trung bình một tấn thân chuối thu được 10 - 15 kg sợi chuối, sau khi phơi khô, tết, bện thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giá trị kinh tế được nâng lên rất nhiều. Chỉ trong 1 năm hoạt động, từ 2 - 3 lao động ban đầu, đến thời điểm hiện tại, quy mô của HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái đã mở rộng thêm 3 cơ sở sản xuất tại thôn Lập Phương và Vĩnh Trung, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, đảm nhận các phần việc từ chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối, quả chuối để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, sản xuất một số đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng bằng sợi chuối. Trong đó, người có thu nhập thấp nhất là 4,5 triệu đồng/tháng; người có thu nhập cao lên tới cả chục triệu đồng mỗi tháng, đáng nói, công việc tết, bện sản phẩm từ tơ chuối không quá nặng nhọc nên người cao tuổi cũng có thể tham gia.
Mới đây, 7 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tơ chuối của HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái đã tham dự Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố Hà Nội và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội chấm điểm đạt “4 sao”, trao Quyết định công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021 vào ngày 22/7/2022, gồm: Đèn sợi chuối; tảo sái sợi chuối; túi sách sợi chuối; lọ hoa sợi chuối; giỏ đựng đồ con cú sợi chuối; cọ cốc chén sợi chuối. Từ kết quả đạt được, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển để các sản phẩm từ sợi chuối có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, đạt mức 5 sao của Chương trình OCOP và sẵn sàng tham gia vào các chương trình quốc gia trong phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như làm tăng chất lượng mặt hàng nông sản vùng… Qua đó, hỗ trợ các địa phương cách làm sợi chuối, giúp người dân có thêm cơ hội việc làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ hòa nhập.
Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ sợi chuối của HTX
Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét, HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái là mô hình đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi từ thân cây chuối. Thành công từ mô hình này mở ra một ngành kinh tế nông nghiệp mới, “biến” thân chuối bỏ đi sau thu hoạch trở thành nguồn lợi có giá trị… Những sản phẩm OCOP được làm từ sợi chuối có nét độc đáo, mang đậm sức sáng tạo của người dân Khai Thái, không chỉ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường mà còn góp phần làm cho đời sống người dân nơi đây thêm đủ đầy, sung túc.
Để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong việc liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm OCOP, thiết nghĩ, cần phải nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò của HTX trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị; đẩy mạnh các hình thức liên kết trong và ngoài theo chuổi giá trị; tăng cường chuyển đổi số xây dựng nền tảng số cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, phục vụ kết nối, quản lý, điều hành thông suốt hệ thống hành chính của HTX; cung cấp và chia sẻ thông tin kịp thời về pháp luật, thị trường, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho các thành viên của khu vực kinh tế tập thể, HTX; xây dựng môi trường chia sẻ và tổng hợp dữ liệu, kết nối cung - cầu, các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị để tham gia Chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… Đối với HTX TM&DV Khai Thái, từ kinh nghiệm liên kết sản xuất của HTX trong hơn 3 năm qua, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, HTX sẽ không ngừng lớn mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi phương diện để ngày càng có thêm nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường.
Hồng Nhung
(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)