Banner trang chủ

Quảng Ninh nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường biển

10/05/2022

    Với diện tích trên 12.000 km2, trong đó biển đảo chiếm 50%, Quảng Ninh có tới hơn 2.000 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước. Cùng với đó là trên 250 km bờ biển đã tạo cho Quảng Ninh có nhiều dải bờ biển, bãi tắm đẹp nổi tiếng cả nước. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để địa phương phát huy thế mạnh loại hình du lịch biển. Song song với phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) biển gắn với phát triển du lịch và thủy sản.

    Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển

    Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác BVMT biển và hải đảo; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cùng chung tay BVMT nói chung, BVMT biển, hải đảo nói riêng; phát động hưởng ứng các sự kiện, ngày lễ quan trọng về môi trường như Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tháng hành động về môi trường…; xây dựng, nhân rộng các mô hình BVMT chống rác thải nhựa tại vịnh Hạ Long, huyện đảo Cô Tô... Đồng thời, tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

    Là một tỉnh có nguồn tài nguyên biển vô cùng phong phú, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của địa phương đạt khoảng 82.000 tấn (ven bờ khoảng 38.000 tấn, còn lại là ở vùng lộng). Những năm gần đây, hoạt động khai thác thủy sản ở Quảng Ninh ngày càng tăng, khiến cho nguồn lợi này đang bị suy giảm. Do đó cùng với việc khai thác tài nguyên, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn, gồm: 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 76 trạm giám sát nước thải... nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng môi trường biển. Từ năm 2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động để phát huy hiệu quả cao nhất.

Vịnh Hạ Long luôn được giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo Xanh - Sạch - Đẹp

    Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư, đưa vào vận hành khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô); đồng thời tiếp tục đầu tư khu xử lý chất thải rắn cho các xã đảo Thanh Lân (Cô Tô), Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng (Vân Đồn). Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý hơn 6.000 tấn rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát...; lắp đặt các thiết bị xử lý nước thải, thùng rác nổi cỡ lớn và các thùng rác tại các điểm tham quan, nhờ đó, 100% lượng nước sinh hoạt từ các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh hiện đều có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, riêng trên địa bàn Thành phố Hạ Long có một số khu đô thị mới, nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý cục bộ sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Thành phố. Tất cả các tàu du lịch trên địa bàn đều lắp đặt thiết bị phân lý dầu - nước. Người dân nuôi trồng thủy sản cũng đang thay thế dần vật liệu phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường. Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại Thành phố Hạ Long, Thành phố Móng Cái; tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên... nhằm hạn chế nước sinh hoạt xả thải trực tiếp ra biển.

    Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước và hệ thống thực vật dưới nước, ngăn chặn tình trạng khai thác, săn bắt các loại san hô, thủy sản bằng phương pháp hủy diệt. Đặc biệt, trong năm 2021, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực BVMT biển và hải đảo. Từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 1.860 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó xử phạt 1.822 vụ với số tiền hơn 6,936 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã triển khai dự án điều tra, đánh giá, xác định ranh giới các khu bảo vệ sá sùng trên địa bàn tỉnh và điều tra nguồn lợi thủy sản; Dự án tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tỉnh còn triển khai quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần và 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản đặc thù.

Nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long thu gom rác thải trôi dạt vào các đảo trên vịnh

    Mặt khác, tỉnh còn chú trọng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; tổ chức các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học như: Triển khai giám sát 3 hệ sinh thái, 65 loại động, thực vật đặc hữu, quý hiếm; khoanh vùng bảo tồn 7 khu vực có tính đa dạng sinh học cao; triển khai quy định cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; triển khai 14 dự án thuộc Đề án cải thiện môi trường tỉnh. Đáng chú ý, nhiều giải pháp quyết liệt trong BVMT vịnh Hạ Long đã được triển khai, như: Chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ, di dời các nhà bè trên vịnh.

    Kết hợp phát triển du lịch với BVMT biển, đảo

    Nhằm hướng dẫn, định hướng cụ thể các hành vi BVMT và nâng cao ý thức trách nhiệm BVMT, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trong hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh, ngày 13/12/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về BVMT đối với hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử BVMT của các đối tượng có liên quan trong hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mọi hoạt động du lịch trong khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các xã đảo và các đảo trên địa bàn tỉnh đều không được vi phạm các điều cấm tại Luật BVMT; Luật Đa dạng sinh học; Luật Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo; Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác về BVMT.

Cán bộ, người dân huyện Cô Tô cùng chung tay dọn rác thải tại khu vực bãi tắm Nam Hải, thị trấn Cô Tô (Ảnh: Trung tâm TT - VH Cô Tô)

    Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên các khu vực đã kể tên phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định và cam kết về BVMT vịnh; đăng ký quy mô, nội dung, hình thức hoạt động dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền và chấp hành nghiêm các nội dung đã cam kết, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có liên quan. Đồng hành cùng người dân địa phương trong việc giữ gìn và BVMT du lịch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch. Không xây dựng các công trình, dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long các xã đảo và các đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi phát hiện những hành vi vi phạm làm ảnh hường đến bảo tồn, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, ô nhiễm môi trường có trách nhiệm kịp thời thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phối hợp ngăn chặn, xử lý khi được yêu cầu.

    Ngoài ra, Kế hoạch cũng khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng trên cơ sở không làm ảnh hường đến các hệ sinh thái và tài nguyên rừng, biển, góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng đối với du lịch. Không mang và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan di sản thế giới vịnh Hạ Long; tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, làm bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần và các sản phẩm khó phân hủy trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, tiến tới hình thành các khu du lịch, dịch vụ biển, đảo không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Theo Kế hoạch, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh sẽ là cơ quan chủ trì, đầu mối tổng hợp các kết quả thực hiện được; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về công tác BVMT cho cán bộ quản lý môi trường các địa phương và đơn vị hoạt động du lịch. Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật BVMT, Đa dạng sinh học, Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh.

Gia Linh

Ý kiến của bạn