25/08/2022
Cùng với 27 tỉnh, thành ven biển khác trong cả nước, Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi một bờ biển dài tới 189 km với nhiều dãy núi theo hướng Đông - Tây, tạo ra hệ thống đầm, vịnh, bãi biển đẹp, dòng nước trong xanh, bờ cát trắng cùng nguồn tài nguyên hải sản trữ lượng lớn, đa dạng về loài, trong đó phải kể đến cá ngừ đại dương có giá trị xuất khẩu cao và nhiều nguồn lợi hải sản đặc biệt khác như tôm, mực, cua huỳnh đế, ghẹ, sò, hải sâm. Đây cũng là vùng đất được biết đến bởi nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo rất độc đáo như: Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài, Hòn Yến, Hải đăng Mũi Điện… cùng gắn với đó là bề dày lịch sử văn hoá, truyền thống cách mạng như: Di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô; các lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc của ngư dân vùng biển… tất cả tạo nên nét văn hóa riêng và thế mạnh cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển tại địa phương.
Danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa tỉnh Phú Yên
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, phát huy lợi thế về biển, đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển như: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư triển khai các dự án, nhất là công nghiệp, du lịch; đẩy mạnh hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển; công nghiệp ven biển từng bước phát triển, kinh tế hàng hải bước đầu hình thành… đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung, vùng biển, ven biển nói riêng. Cùng với phát triển kinh tế biển, tỉnh Phú Yên luôn quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, BVMT, bảo vệ các nguồn lợi từ biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, thực hiện nhiều dự án về BVMT như: Hợp tác với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái biển; Dự án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với BĐKH khu vực vịnh Xuân Đài do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; Dự án Tăng cường năng lực cộng đồng bảo tồn rạn san hô Hòn Yến do Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tài trợ; Dự án thu gom rác thải nhựa ngoài biển… Cùng với đó, địa phương luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo hình thức, nội dung tuyên truyền về ý nghĩa, trách nhiệm BVMT biển đến cộng đồng thông qua các cuộc thi sáng tác clip tuyên truyền, hưởng ứng Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Chiến dịch Hãy làm sạch biển; kêu gọi toàn thể nhân dân tích cực tham gia “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”… Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là khu kinh tế Nam Phú Yên với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Trong đó trọng tâm là tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và BVMT; chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Mới đây nhất, hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển”, tỉnh Phú Yên cũng như các địa phương ven biển đã và đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế biển, hướng đến phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong BVMT nói chung, môi trường biển, đảo, đại dương nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân, biến nhận thức về BVMT và tấm lòng yêu biển, đảo thành ý thức tự giác, hành động cụ thể như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh hoặc đơn giản là không vứt thải rác nhựa xuống biển... Mặt khác, Phú Yên cũng đang xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể khoa học, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy hiệu quả lợi thế của từng vùng và tăng cường liên kết giữa các vùng, kêu gọi thu hút đầu tư, tập trung ưu tiên vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo... nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, du lịch biển và khai thác, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thanh niên Phú Yên tham gia hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” tại bãi biển Thành phố Tuy Hòa
Để đạt được mục tiêu kinh tế biển là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các tổ chức quốc tế; các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự liên kết chặt chẽ của các địa phương ven biển, các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ để giúp địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên, BVMT, chủ động thích ứng với BĐKH và phòng, chống thiên tai. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển và trên biển; tăng cường xã hội hóa công tác BVMT, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thanh niên - Lực lượng đóng vai trò then chốt trong công tác BVMT biển
Một trong những lực lượng tiên phong, đóng vai trò then chốt trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, ứng phó BĐKH tại Phú Yên trong thời gian qua chính là đoàn viên, thanh niên của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Phú Yên xác định tổ chức Đoàn phải thực hiện tốt nhất công tác tuyên truyền, vận động, phát huy thanh niên xung kích đi đầu trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, ứng phó với BĐKH; xác định “Thanh niên xung kích ứng phó với BĐKH, BVMT” là nội dung quan trọng trong phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo hình thức, nội dung tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên thông qua các cuộc thi sáng tác clip, hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Chiến dịch Hãy làm sạch biển; hoạt động đồng loạt ra quân Ngày chủ nhật xanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua xây dựng phóng sự, viết tin, bài tuyên truyền; tài liệu sinh hoạt chi đoàn, đăng tải hình ảnh và thông tin hoạt động trên mạng xã hội nhằm phát huy hiệu quả truyền thông đến đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.
Từ chủ trương chung của Tỉnh đoàn, Ban Thường vụ Thành đoàn, Huyện đoàn trên địa bàn tỉnh Phú Yên cùng đồng lòng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Thành đoàn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển thông qua các phương tiện thông tin và truyền thông, hoạt động giáo dục pháp luật về môi trường, kết hợp xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường biển trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường biển… đây được đánh giá là giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên hiện nay và mang tính chiến lược, lâu dài. Ngoài ra, Thành đoàn còn tăng cường tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, hội thảo về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, linh hoạt trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với việc tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia, góp phần định hướng tuyên truyền giáo dục về việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Như vậy, có thể nói, bảo vệ biển là BVMT sống trong hiện tại và cả tương lai, do đó, giữ gìn môi trường biển cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn cả ở môi trường công cộng, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững. Tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các tổ chức quốc tế; các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự liên kết chặt chẽ của các địa phương ven biển cũng như sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của các tổ chức, đoàn thể địa phương, chắc chắn Phú Yên sẽ có thêm động lực thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, BVMT, chủ động thích ứng với BĐKH và phòng, chống thiên tai; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển và trên biển; tăng cường xã hội hóa công tác BVMT, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Trần Tân