07/03/2023
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP. Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2022, toàn Thành phố có 2.374 HTX, với thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 150 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là 57 triệu đồng/người/năm. Nhiều HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kiểu mới hiệu quả; hỗ trợ cho kinh tế hộ thành viên; tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán… góp phần tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tiếp tục đổi mới, phát triển
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ngày 2/2/2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã thay mặt Thành ủy ký ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Mục tiêu của Chương trình là tập trung củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ hợp tác, HTX; đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích; áp dụng phương thức quản lý mới hiệu quả và đảm bảo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia. Bên cạnh đó, xác định phát triển KTTT để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác, HTX, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với các loại hình kinh tế khác. Khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của KTTT trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động quan trọng tới các chính sách xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, phát triển KTTT gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khuyến khích HTX lựa chọn phương thức chuyển đổi số phù hợp.
Chương trình hành động đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu có hơn 3.000 HTX trên địa bàn Thành phố; thành lập mới từ 1.000 HTX và 15 liên hiệp HTX trở lên; 100% số HTX, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp HTX hoạt động theo quy định của Luật HTX. Trong đó, củng cố từ 1.200 HTX trở lên; số HTX hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên; phấn đấu có 250 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững; 100% quỹ tín dụng nhân dân và HTX dịch vụ điện năng thực hiện chuyển đổi số.
Chương trình hành động cũng đặt mục tiêu đến năm 2045, phấn đấu có hơn 4.500 HTX trên địa bàn Thành phố. Trong đó, thành lập mới từ 2.500 HTX và 50 liên hiệp HTX trở lên; củng cố từ 3.000 HTX trở lên; 500 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX nông nghiệp, phấn đấu có khoảng 80% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế theo chuỗi giá trị.
Mô hình HTX chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động nhấn mạnh việc nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT. Cùng với đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX Thành phố đối với phát triển KTTT.
Ứng dụng công nghệ số để tạo đột phá
Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT TP. Hà Nội), tính đến cuối năm 2022, Thành phố có 1.342 HTX nông nghiệp, trong đó có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 180 sản phẩm của 53 HTX được Thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Phong - Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội cho biết, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số nên hiện nay nhiều HTX đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và người dân. Cụ thể, các HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến phân phối. Bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều HTX đã tiến hành đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: HTX nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất), HTX nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng)… Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên chuyển giao nhanh tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng trên 220 triệu đồng/ha/năm.
Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường, gắn với chuỗi giá trị. Cần có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Như vậy, ứng dụng công nghệ số được coi là nhân tố quan trọng - Bước đột phá trong phát triển KTTT với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác.
Trong bối cảnh hội nhập, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, để hỗ trợ các HTX tiếp cận công nghệ số, Hà Nội đã tập trung vào các HTX kiểu mới, liên minh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kinh phí, đồng thời chủ động xây dựng, triển khai chiến lược phát triển, áp dụng kỹ thuật số; tạo căn cứ pháp lý, nguồn lực tài chính để xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết hợp đào tạo, cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, áp dụng kỹ thuật số... Về phía các HTX cũng đã chủ động điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển và đã thực sự phát huy được hiệu quả. Tiêu biểu như HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã đưa công nghệ số vào sản xuất rau. Hiện, hơn 40 ha rau của HTX được tưới bán tự động, kiểm soát nhiệt độ với công nghệ số; dán tem nhãn, đăng ký tiêu thụ ở các trang, sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ cao, khoảng 70% sản lượng của HTX được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hà Nội; phần còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Từ nhiều năm nay, một số sản phẩm của HTX như cải thảo, bắp cải, súp lơ sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 đã nêu rõ: “Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; đánh giá hiệu quả KTTT toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên…”. Đối với Hà Nội - Nơi có ưu thế về kết nối cung - cầu nông sản với các tỉnh, thành phố, lại là địa phương có số lượng HTX nhiều nhất cả nước, cùng với đó là vành đai xanh ngoại ô giàu tiềm năng phát triển các loại nông sản thực phẩm an toàn, vì vậy, việc đưa công nghệ thông tin vào phát triển nông thôn, làm đầu mối liên kết giữa các HTX, tổ chức, cộng đồng luôn được Lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm, nghiên cứu ứng dụng vào thực tế để tạo ra những sản phẩm hữu ích nhất, thiết thực và dễ sử dụng nhất cho các HTX cũng như bà con ông dân, giúp họ có thể sử dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số dễ dàng, nhằm hiện thực hóa, cụ thể cho việc áp dụng chuyển đổi số trong khu vực KTTT, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển nền kinh tế tại địa phương.
Thu Hằng
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)