03/12/2021
Thời gian qua, Tiền Giang đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư phát triển loại hình du lịch đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng đến sự kết hợp “hai trong một” giữa nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, du lịch nông nghiệp Tiền Giang vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Khai thác du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang
Xây dựng nông thôn mới là chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm làm thay đổi toàn diện nông thôn cả về chất và lượng. Trong đó phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách xây dựng bông thôn mới. Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người nông dân trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.
Tiền Giang có tiềm năng du lịch nông nghiệp rất lớn. Mảnh đất này nằm ở cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài 32km, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng (nước ngọt phù sa, rừng ngập mặn và vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười), nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa phong phú. Ngoài ra, 80% dân cư của tỉnh sinh sống ở khu vực nông thôn, còn lưu giữ truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp. Do đó, Tiền Giang hội đủ các yếu tố để có thể phát triển du lịch nông nghiệp: cảnh quan sinh thái, phương thức sống, phát triển canh tác, các sản phẩm sản vật nông nghiệp độc đáo và đa dạng.
Du lịch Mỹ Tho, Tiền Giang
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Tiền Giang hiện có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với trên hàng trăm cơ sở sản xuất. Đặc biệt, theo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh hiện có 18 sản phẩm thế mạnh, thuộc 3 nhóm sản phẩm. Trong đó, có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng, lạp xưởng tươi Cai Lậy, khóm tươi và mứt khóm Tân Phước, trứng cút Nguyễn Hồ, bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho, bưởi da xanh Mỹ Tho, thanh long Chợ Gạo, gạo VD20 Gò Công, sơ ri tươi và mứt sơ ri Gò Công, rau an toàn, gà ta Gò Công, mắm tôm chà Gò Công, mãng cầu xiêm tươi Tân Phú Đông); 2 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (rượu sơri và nước ép sơ ri, trà mãng cầu xiêm); 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ bán hàng và du lịch nông thôn (làng cổ Đông Hòa Hiệp, du lịch Thới Sơn). Trong số này có nhiều sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Nhằm thực hiện giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020, với định hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng, vài năm trở lại đây, tại Tiền Giang, mô hình làm du lịch của nhà nông từng bước phát triển và ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo thành điểm đến quan trọng trong hành trình khám phá du lịch tại Tiền Giang, làm phong phú thêm chương trình du lịch phục vụ du khách. Hiện nay, các chương trình tour tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe… được xem là đặc sản Du lịch Tiền Giang.
Theo bà Trần Thanh Phong, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang, Tiền Giang xác định đánh thức tiềm năng kinh tế vườn quả theo hướng xây dựng những vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, nhân rộng mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) hay VAC kết hợp biogas là hướng đi quan trọng, mang lại giá trị gia tăng lớn vừa cho ra những nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn, có truy xuất nguồn gốc vừa phục vụ du lịch. Với định hướng như thế, Tiền Giang đã xác định những cây ăn quả chủ lực cần phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, mãng cầu xiêm Tân Phú Đông… nhằm tạo nguồn cung nông sản hàng hóa dồi dào, ổn định cho thị trường trong ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được vùng trồng thanh long chuyên canh lên đến gần 7.000ha tại các huyện trọng điểm: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước; vùng trồng sầu riêng gần 10.000ha tại các huyện vùng ngập lũ: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy; vùng trồng dứa (khóm) trên Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước gần 17.000ha. Đặc biệt, các mô hình VAC công nghệ cao cũng được đầu tư chuyển giao và đang nhân rộng tại địa phương như: mô hình trồng dưa lưới trong 50 nhà màng ở ven thành phố Mỹ Tho và các huyện, thị; 100 nhà lưới trồng rau và cây ăn quả theo tiêu chí Global GAP, Viet GAP, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước hoặc tưới phun tự động trên cây trồng…
Từ những lợi thế có được, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tiền Giang đã từng bước khai thác sáng tạo, cho ra đời một số sản phẩm, hình thức du lịch nông nghiệp có tính đặc thù riêng, mang đậm dấu ấn sông nước của vùng châu thổ, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: vườn cây ăn quả cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), vườn cây ăn quả cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); vườn thanh long (huyện Chợ Gạo), vườn sơ ri (Gò Công), vườn vú sữa (huyện Châu Thành), homestay làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông)… Các địa điểm trên đều thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và có nhiều dịch vụ hấp dẫn, gần gũi, gắn bó với tự nhiên.
Có thể khẳng định, mô hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên những mảnh đất giàu tiềm năng. Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích trong phát triển kinh tế cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Với sự phát triển du lịch nông nghiệp, người dân địa phương được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch với vai trò là chủ nhân, là người hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này, thế nên khi thực hiện có khá nhiều thuận lợi. Du lịch nông nghiệp phát triển sẽ góp phần kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.
Cần phát triển du lịch nông nghiệp bền vững trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì việc xây dựng sản phẩm, khai thác nông nghiệp làm du lịch ở Tiền Giang mới chỉ dừng ở giai đoạn bước đầu, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao tại nhiều địa phương để phục vụ du khách chưa nhiều. Một số sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở... chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour khác do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách...
Triển khai Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Tiền Giang
Để du lịch nông nghiệp Tiền Giang phát triển bền vững trong thời gian tới, thiết nghĩ các ngành chức năng của Tiền Giang cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, để hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, đòi hỏi các cấp chính quyền cần tiến hành khảo sát, đánh giá đầy đủ về mô hình này trên địa bàn, từ đó xây dựng quy hoạch, đề ra các chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý, đầy đủ hơn, nếu thấy phù hợp thì tiến hành nhân rộng ở những vùng có nhiều tiềm năng.
Thứ hai, du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, là lĩnh vực mới mẻ đối với hầu hết nông dân cho nên cần có sự đồng tâm, đồng lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc quy hoạch và phát triển du lịch nông thôn tại các thôn, xã… và chú trọng chủ trương “mỗi xã một sản phẩm du lịch”. Đồng thời, tăng cường quản lý tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào, làm ăn manh mún, làm cho du lịch nông nghiệp phát triển kém bền vững.
Thứ ba, để phát huy những thế mạnh vốn có về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, trong thời gian tới, ngành Du lịch Tiền Giang cần có sự liên kết mạnh mẽ với các tỉnh trong khu vực, để xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng; xây dựng các tour du lịch nông nghiệp liên tỉnh Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh và Đồng Tháp. Cần tăng tính liên kết giữa các địa phương, các hộ nông dân với nhau để phát triển sản phẩm du lịch. Đặc biệt, tổ chức khảo sát và hỗ trợ các điểm nhà vườn, nông trại, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao để chọn lựa mô hình có đủ điều kiện phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm. Đồng thời, xây dựng một số mô hình trình diễn về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với tham quan và du lịch trải nghiệm.
Thứ tư, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và nhà khoa học) trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cần có chiến dịch triển khai chiến lược, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm - thị trường và thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp… góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch bằng nhiều chính sách năng động và hợp lý như hỗ trợ về vốn, về thuế, đào tạo nhân lực,… để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ nông dân.
Thứ năm, để khắc phục tình trạng phát triển tự phát nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp như hiện nay, cần có kế hoạch tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp song song với đào tạo cho bà con nông dân phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng và phổ biến các mô hình du lịch nông dân tiêu biểu, phù hợp với lợi thế của các địa phương, như mô hình du lịch trồng trọt, làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với cộng đồng (homestay).
Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như cầu, đường giao thông, bến tàu, bến xe, hệ thống điện, nước…, các biện pháp về an ninh trật tự, về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư nguồn lực tham gia các hoạt động du lịch. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho các cơ sở, trang trại, hộ gia đình… kết nối với các tuyến du lịch, các khu di tích, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch.
Thứ bảy, để duy trì tính bền vững, tăng cường tính hiệu quả các mô hình, hội nông dân và hội làm vườn các cấp cần làm tốt nhiệm vụ. Có thể thành lập trung tâm du lịch nông nghiệp nhằm đại diện cho nông dân về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho nông dân hợp tác với nhau, đào tạo và hướng dẫn nông dân làm du lịch, quản lý chất lượng, quản lý việc xây dựng các kế hoạch du lịch nông nghiệp và khách du lịch giữa các hội viên nông dân để tránh cạnh tranh không lành mạnh. Giới thiệu sản phẩm, quảng bá các chương trình du lịch nông nghiệp qua các hội chợ, triển lãm du lịch; trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như qua các phương tiện truyền thông khác.
Thứ tám, các doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu và xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; tăng cường thu hút và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; tích cực đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp; tổ chức các hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm cao; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân.
Thứ chín, các hội nông dân cần thường xuyên cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương; tham gia các hoạt động du lịch một cách có tổ chức, tránh tình trạng tự phát, không theo quy hoạch, thiếu văn minh lịch sự trong du lịch. Đồng thời, hướng dẫn du khách tuân thủ các quy định, phong tục, tập quán địa phương; có ý thức tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững...
ThS. Phan Thị Khánh Đoan
Trường Đại học Tiền Giang
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)