Banner trang chủ

Phát triển điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng gắn với bảo vệ môi trường

01/07/2024

    Làng nghề làm lược sừng ở xã Thụy Ứng, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội được hình thành cách đây hơn 400 năm vào giữa thế kỷ XVI, do vị Tổ nghề họ Trần truyền dạy. Những chiếc lược sừng trâu, bò vừa bền, vừa tiện dụng, thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đi nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Năm 2022, làng nghề vinh dự được UBND TP. Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề theo Quyết định số 4072/QĐ-UBND ngày 26/10/2022. Kể từ khi được công nhận là điểm du lịch làng nghề, Thụy Ứng đã đón hàng trăm lượt khách trong nước cũng như quốc tế đến mua sắm, tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu các sản phẩm độc đáo từ sừng truyền thống. Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, trong khi đó, hạ tầng kém phát triển, chưa có điểm thu gom rác thải tập trung, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng… Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhằm đảm bảo gắn liền phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

    Dấu ấn riêng của làng nghề du lịch

    Theo niên biểu lịch sử Việt Nam 2000 năm, lược sừng Thụy Ứng ra đời từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình, trị vì từ năm 1549 - 1556. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, sự biến động và cạnh tranh của thị trường, người dân nơi đây vẫn quyết tâm bảo tồn và phát triển làng nghề, đến nay, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã trở thành điểm du lịch của TP. Hà Nội. Hiện thôn Thụy Ứng có hơn 1.000 hộ dân, trong đó có tới 90% hộ làm nghề chế tác xương sừng. Ước tính mỗi năm, làng nghề mang lại giá trị 250 - 260 tỷ đồng, gần 90% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Ở Thụy Ứng, những gia đình có vốn lớn, có thị trường đều thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu; với những gia đình có ít vốn thì nhận hàng về làm gia công với mức thu nhập từ 200.000 đ - 500.000đ/ngày/người... Thời gian trước, trung bình một ngày, người thợ làm lược sừng Thụy Ứng chỉ làm được tối đa 30 - 40 sản phẩm nhưng ngày nay nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, mỗi người có thể hoàn thành từ 70 - 100 sản phẩm. Một chiếc lược trơn xuất xưởng có giá thành giao động từ 20.000đ - 40.000đ/chiếc; các loại vòng sừng giá thành giao động từ 100.000đ - 200.000đ/chiếc; thu nhập bình quân của người thợ thủ công trong khoảng 200.000đ - 500.000đ/ngày, tùy thuộc tay nghề và thời vụ... nhờ đó, đời sống của các hộ gia đình làm nghề sừng ở Thụy Ứng ngày càng được nâng cao.

Những người thợ cần mẫn, chăm chú với từng chi tiết tạo hình sản phẩm

    Nếu trước đây những sản phẩm từ sừng của Thụy Ứng chỉ dừng lại ở mặt hàng lược chải đầu với hình thức đơn giản thì nay, nhờ bàn tay tài hoa, khéo léo, tinh tế, tính mỹ thuật cao của những người thợ nơi đây, đã xuất hiện thêm nhiều mẫu lược chạm trổ hoa văn cầu kỳ, không chỉ có giá trị kinh tế cao, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã mà còn đang đáp ứng được tất cả nhu cầu về cơ chế thị trường, thị hiếu của người sử dụng, vừa phục vụ cuộc sống sinh hoạt, vừa mang giá trị thẩm mỹ, giá trị nghề thuật cao. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất những chiếc lược sừng, người thợ Thụy Ứng còn chế tác từ sừng thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo như trâm cài tóc, vòng tay, khung tranh, ảnh nghệ thuật, môi, thìa, bát đĩa và cả những con tôm, con rồng, phượng hoàng, chim đại bàng, hộp đựng đồ trang sức… được khắp nơi trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang nhiều nước, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam.

    Để làm ra được chiếc lược hoàn chỉnh phải trả qua hàng chục công đoạn, từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn… rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng; mỗi công đoạn đều quan trọng, đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tinh mắt. Làm sừng không đơn giản bởi không chiếc lược nào giống nhau, người thợ phải tùy từng mẫu mà hơ, ép, pha, cắt. Sừng móng trâu khi mua về, người thợ phải hong khô hàng tuần, thậm chí cả tháng và phân loại cẩn thận trước khi tiến hành sản xuất. Ngày nay, người thợ Thụy Ứng đã cải tiến công nghệ, lắp thêm một lưỡi cưa ngắn song song với lưỡi cưa chính. Khi lưỡi cưa chính xẻ sâu một rãnh thì lưỡi cưa phụ cũng đã vạch ướm một rãnh khác song song bên cạnh cho lượt cưa kế tiếp, cứ như vậy, người thợ cưa từ đầu cho đến cuối lược mà răng nào cũng đều tăm tắp. Sản phẩm lược sừng của Thụy Ứng hiện tại không chỉ có mặt trong nước, nhất là trong các siêu thị, cửa hàng mỹ nghệ lưu niệm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Về làng nghề lược sừng Thụy Ứng hôm nay, nhiều dấu tích đang tồn tại đã chứng minh cho sự phát triển của nghề. Hơn 400 năm là quãng thời gian người dân đong đếm, chắt chiu để nối dài nghề truyền thống của cha ông, nghề đã nuôi sống người dân, làm rạng danh tên làng Thụy Ứng, để rồi người làng Thụy Ứng cũng nỗ lực từng ngày sao cho xứng với sự trao truyền của cha ông.

    Trong hướng đi tiếp theo, người dân làng nghề Thụy Ứng rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ban, ngành, đơn vị trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cần thiết. Đó sẽ là cơ sở pháp lý và là nguồn lực để các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh lược sừng và các sản phẩm từ sừng trên địa bàn làng, xã căn cứ tổ chức thực hiện một cách hiệu quả; đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tập thể “Lược sừng Thụy Ứng” còn là giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc chính là nét đặc sắc, khẳng định thương hiệu riêng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.

    Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

    Tại khoản 2, Điều 3, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn định nghĩa làng nghề như sau: “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này”. Như vậy, làng nghề là một trong những đặc thù của nhiều vùng nông thôn Việt Nam; hoạt động trong các làng nghề là những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, bao gồm các nghề thủ công, hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như hộ gia đình, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Các hộ và các tổ chức kinh tế này gắn bó chặt chẽ, mật thiết với khu vực nông thôn thông qua việc sử dụng tư liệu sản xuất, vốn và nhân lực ở nông thôn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn.

    Theo Điều 56, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề như sau: Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; hệ thống thu gom, thoát nước, xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn. Bên cạnh đó, cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng

    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn; vhỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; vó kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề. UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;mChỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. UBND cấp xã có trách nhiệm lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề. Ngoài ra, yêu cầu việc phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề cần kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, hướng tới cải thiện môi trường; các làng nghề cần được định hướng phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, góp phần xóa dói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.

    Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ, theo thống kê, làng nghề được công nhận tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, trong đó TP. Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động được công nhận nhiều nhất với 313 làng. Thời gian vừa qua, các làng nghề trên địa bàn phát triển, ngày càng mở rộng thì lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều, trong khi đó việc quản lý và xử lý chất thải chưa được chú trọng giải quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.  Tại điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng có diện tích 67,91 ha, gồm 4 khu. Khu 1 là khu trung tâm, có diện tích 3,99 ha, bao gồm trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao… và cũng là nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí, đón tiếp các đoàn khách. Khu 2 có diện tích 2,66 ha, gồm khu mua sắm kết hợp dịch vụ ăn uống và các dịch vụ tiện ích khác. Khu 3 và khu 4 có diện tích 61,26 ha, là khu trung tâm kết hợp, tập trung các hộ làm nghề và các cửa hàng trưng bày, bán các sản phẩm của làng nghề. Tại đây, du khách được tham quan làng nghề truyền thống lâu đời, có giếng đá cổ, nhà cổ, cây đa cổ thụ… Đồng thời cũng là nơi giúp du khách trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái đình, chùa, đền thờ Tổ làng nghề lược sừng… Đây đều là những di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia và TP. Hà Nội.

    Trong khi chờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào điểm du lịch làng nghề Thụy Ứng, người làm nghề đang nỗ lực chuyển từ làm nghề truyền thống đơn thuần sang làm nghề gắn với du lịch; phát triển du lịch làng nghề theo hướng du lịch cộng đồng. Đặc biệt tăng cường việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giúp người dân thay đổi nhận thức từ làm nghề thuần tuý chuyển sang kết hợp làm du lịch. Riêng xã Hòa Bình đang thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể; quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên ngành quản lý, điều hành điểm du lịch, thường xuyên kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ ban quản lý điểm du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các điểm du lịch làng nghề khác tại các  địa phương trong huyện như các xã Duyên Thái, Hồng Vân, Nguyễn Trãi… để tạo thành chuỗi du lịch làng nghề, văn hóa, tâm linh. Cùng với đó, địa phương cần huy động nguồn lực trong nhân dân để chỉnh trang ngõ xóm, công trình kiến trúc; nêu cao trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường làng nghề, với phương châm phát triển du lịch làng nghề phải có tầm nhìn dài hạn và kiên trì.

    Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng ở “mảnh đất trăm nghề” đã mang lại công ăn việc làm cho người dân xã Hòa Bình nói riêng, huyện Thường Tín nói chung, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế địa phương. Tuy nhiên, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình và doanh nghiệp đã ảnh hưởng tới môi trường sống của khu vực nông thôn, sức khỏe của người dân làm nghề, người dân sinh sống trên địa bàn.  Vì vậy, thời gian tới, xã Hòa Bình sẽ tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách. Đồng thời, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, phấn đấu đến năm 2024, điểm du lịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của TP. Hà Nội, thu hút khoảng 500 lượt khách du lịch quốc tế, 2.000 lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng, phát triển  tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương.

    Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau: Thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức BVMT, phổ biến các chính sách về BVMT nói chung, môi trường làng nghề nói riêng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về môi trường và người dân. Đặc biệt, phân tích rõ những ảnh hưởng, hệ lụy đối với môi trường, sức khỏe của người dân do chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất của làng nghề gây ra; phổ biến kỹ thuật, cách thức, phương án nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường; bổ nhiệm cán bộ chuyên trách làm công tác môi trường nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về môi trường tại cấp xã - là cấp chính quyền trực tiếp quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường tại các làng nghề. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cũng như kinh phí cho hộ gia đình làm nghề trong thực hiện các giải pháp kỹ thuật và công nghệ theo hướng BVMT, cụ thể là thay đổi, áp dụng các công nghệ, biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường; xây dựng các phương án xử lý chất thải, nước thải đạt quy chuẩn kĩ thuật môi trường. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường thì phải có chế tài xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Gia Linh

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn