Banner trang chủ

Những gam màu tươi sáng trong bức tranh nông thôn mới ở Thanh Trì

31/05/2023

    Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính đến tháng 2/2023, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 huyện đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì. Riêng huyện Thanh Trì, giai đoạn 2021 - 2025, huyện thực hiện kép 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, song song với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với phương châm "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", huyện đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” cùng nhiều phong trào thi đua. Với sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, ngày 18/4/2023, UBND Thành phố đã trao Quyết định số 2277/QĐ-UBND công nhận 14 xã của huyện Thanh Trì đạt chuẩn NTM nâng cao. Như vậy, đến nay, toàn bộ 15/15 xã của huyện đã được công nhận xã chuẩn NTM nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (xã Liên Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021; 14 xã còn lại đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cho các xã của huyện Thanh Trì

    Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân, ngay sau khi huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, chặng đường xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã bước sang một giai đoạn mới - xây dựng NTM nâng cao. Theo đó, huyện đã xây dựng 8 đề án gồm: 2 đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; 5 đề án lĩnh vực văn hóa xã hội; 1 đề án ứng dụng công nghệ tin học tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế-xã hội, huyện đã bố trí trên 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, trên 2.300 tỷ đồng để thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa - xã hội… Nhờ đó, kinh tế huyện đạt mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau an toàn ở các xã Duyên Hà, Yên Mỹ với diện tích 140 ha; mô hình sản xuất rau thủy canh ở xã Yên Mỹ diện tích 2.600 m²; mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đại Áng với 1.200 con lợn thương phẩm và 150 con lợn nái; mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao "sông trong ao" tại xã Đại Áng với diện tích 16 ha; mô hình trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc diện tích 148 ha... Cùng với đó, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tăng lên 87,6%, chất lượng giáo dục ngày càng phát triển; hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được nâng lên, với 100% xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế. Chất lượng môi trường sống, công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%...

Đường làng, ngõ xóm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp khang trang theo hướng phát triển đô thị

    Nhằm phát huy kết quả trong xây dựng NTM, cũng như xác định được tiềm năng, thế mạnh, từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển quy mô, chất lượng du lịch, quảng bá văn hóa truyền thống, giới thiệu hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế, huyện Thanh Trì cũng đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, huyện đã xây dựng hạ tầng và chỉ đạo các xã hoàn thiện hồ sơ và được UBND Thành phố công nhận 2 điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn huyện là điểm du lịch xã Yên Mỹ và điểm du lịch xã Đại Áng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, cơ hội, điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn huyện và kết nối du lịch với các địa phương lân cận, phấn đấu huyện Thanh Trì sẽ là điểm đến du lịch “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

    Đặc biệt, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương, NTM nâng cao ở mỗi xã của huyện Thanh Trì đều mang bản sắc riêng, phát huy được những thế mạnh vốn có, như: Các xã Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Thanh Liệt… phát triển thế mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ. Các xã Tam Hiệp, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai… duy trì các mô hình kinh tế, vùng trồng cây ăn quả tập trung và xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất với các doanh nghiệp. Xã Tân Triều phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vì có làng nghề truyền thống…

    Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm nền tảng để phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác, thời gian qua, xã Tả Thanh Oai đã duy trì các mô hình kinh tế, vùng trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản tập trung, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, kinh doanh dịch vụ. Nhờ đó, đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,9 triệu đồng/năm. Đường làng, ngõ xóm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp khang trang theo hướng phát triển đô thị. Các hộ dân cũng chủ động chỉnh trang nhà ở, cải tạo sân vườn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

    Tại xã Tam Hiệp, các tiêu chí phát triển kết cấu hạ tầng khang trang, hiện đại được đặc biệt quan tâm. Xã đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, thành phố và đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng. Tính đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao lồng ghép mục tiêu phát triển xã lên phường giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 645 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do người dân tự nguyện đóng góp là hơn 28 tỷ đồng. Diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp. Các tuyến đường được trồng hoa, có điện thắp sáng. Bên cạnh đó, xã quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn giới thiệu việc làm để người dân tham gia học nghề và có việc làm ổn định; khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trong sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã Tam Hiệp có bốn hợp tác xã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (Ảnh Nguyễn Công)

    Là xã điểm của TP. Hà Nội thực hiện xây dựng NTM từ năm 2010 và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2013, xã Đại Áng xác định tiếp tục giữ vững và phát huy các kết quả đạt được trong xây dựng NTM trên địa bàn. Đảng bộ, chính quyền xã Đại Áng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao xã Đại Áng đã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành đối với từng thôn. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình thực hiện... Kết quả, đến nay, xã Đại Áng đã có cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, trường học 3 cấp đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, trong đó có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Số gia đình văn hóa đạt từ 95% trở lên, 4/4 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện. Trên địa bàn có Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh, Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao với mô hình nuôi cá “sông trong ao” hoạt động hiệu quả, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

    Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, ngày 18/4/2023, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2277/QĐ-UBND công nhận 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Như vậy, cùng với xã Liên Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2021, đến nay toàn bộ 15 xã của huyện được công nhận xã chuẩn NTM nâng cao, về đích trước hai năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao). Thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và sớm đạt mục tiêu trở thành quận trung tâm của Thủ đô.

Đức Anh

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn