Banner trang chủ

Một số giải pháp xây dựng huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đạt nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình giai đoạn 2021-2025

17/11/2023

    Huyện Phù Cừ nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hưng Yên, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 94,63 km2 (diện tích đất nông nghiệp chiếm 70,5%), gồm 13 xã và 1 thị trấn; quy mô dân số toàn huyện 96.520 nhân khẩu, trong đó có trên 90% dân số sống ở nông thôn và trên 64% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã luôn xác định xây dựng NTM là mục tiêu quan trọng, chủ trương lớn để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Năm 2011, với xuất phát điểm toàn huyện mới đạt 67/247 tiêu chí (bình quân 5,15 tiêu chí/xã), đến nay, phong trào thi đua xây dựng NTM đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện, đạt được nhiều kết quả quan trọng với 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 11/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 khu dân cư đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Điểm nhấn trong xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Phù Cừ giai đoạn 2021-2025 là xây dựng NTM kiểu mẫu, điển hình về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Đường làng, ngõ xóm ở huyện Phù Cừ luôn sạch đẹp, không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi

    Hiện nay, tổng lượng rác thải trên địa bàn huyện khoảng 40 tấn/ngày. Nhằm nâng cao tỷ lệ và khuyến khích người dân tự thu gom, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, tại Thông báo số 127/TB-UBND ngày 7/6/2021 của UBND huyện Phù Cừ về danh mục hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của huyện, huyện dành 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ gia đình tham gia phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình; dành hơn 400 triệu đồng hỗ trợ hộ đăng ký mới và cam kết thực hiện phân loại xử lý rác hữu cơ. Theo đó, từ giữa năm 2021, huyện Phù Cừ đã triển khai việc hỗ trợ tất cả các hộ gia đình trong huyện xây bể xử lý rác hữu cơ. Mô hình hay và sáng tạo này ở Phù Cừ đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo người dân, đem lại kết quả thiết thực trong BVMT. Từ khi có cơ chế hỗ trợ xây dựng bể xử lý rác hữu cơ tại gia đình đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã triển khai thực hiện với tổng số bể đã được xây mới là hơn 1.600 bể. Ngoài hỗ trợ xây bể, huyện Phù Cừ còn hỗ trợ tất cả các gia đình đang phân loại, xử lý rác hữu cơ mỗi gia đình 2 gói chế phẩm vi sinh/năm. Đây là số chế phẩm đủ để các gia đình xử lý rác hữu cơ phát sinh mà không phải mua thêm. Sau khi xử lý, rác hữu cơ trở thành phân hữu cơ hữu ích cho cây trồng. Mặt khác, Phòng TN&MT huyện thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện tại từng hộ gia đình. Nhờ cách làm hay, sáng tạo, đến nay, toàn huyện Phù Cừ đã có trên 70% số hộ dân tham gia phân loại, xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Theo tính toán sơ bộ của huyện, việc người dân tham gia xử lý rác hữu cơ đã giúp tiết kiệm được từ 5-7 tỷ đồng chi phí xử lý rác thải sinh hoạt mỗi năm. Các bãi tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt của huyện Phù Cừ cũng được giảm tải, giảm ô nhiễm, góp phần quan trọng vào công tác BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Huyện Phù Cừ trở thành điểm sáng, đơn vị dẫn đầu trong BVMT ở tỉnh Hưng Yên, được các ngành của Trung ương, của tỉnh về thăm quan, đánh giá rút kinh nghiệm để chỉ đạo nhân rộng.

    Tại xã Minh Tân, để thực hiện tốt mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ ngay tại hộ gia đình, đồng thời nâng cao tỷ lệ số hộ dân tham gia mô hình, xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành đoàn thể, các thôn, vừa kết hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, vừa đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về lợi ích thiết thực của mô hình. Hiện nay, Minh Tân có 735 hộ thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, chiếm tỷ lệ 74% tổng số hộ trong toàn xã. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ xây bể xử lý rác hữu cơ của huyện, xã Minh Tân đã huy động nguồn xã hội hóa và phát động nhân dân chung tay vì sự nghiệp môi trường. Các ngành, đoàn thể của xã cùng với các thôn thành lập các đội thợ xây, vận chuyển nguyên vật liệu đến từng nhà và hỗ trợ xây bể giúp các gia đình đăng ký thực hiện mô hình. Đến nay, đã có hơn 100 bể xử lý rác hữu cơ được xây mới trong toàn xã.

Người dân xã Nhật Quang (Phù Cừ) làm chế phẩm vi sinh xử lý rác hữu cơ

    Nhiều năm nay, việc thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn của xã Nguyên Hòa đã trở thành việc làm thường xuyên, góp phần BVMT của mỗi hộ dân trong xã. Theo đó, để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, các thôn, làng trong xã đã xây dựng cụ thể nhiệm vụ BVMT trong hương ước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; hỗ trợ 50 nghìn đồng cho các hộ xây hố xử lý rác. Nhờ đó, công tác BVMT tại địa phương có những chuyển biến tích cực, gần 90% số hộ dân trong xã đã tham gia thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; rác thải được thu gom, vận chuyển đúng nơi quy định. So sánh với bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, xã đạt tiêu chí về môi trường. 

    Để đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cụ thể như: đưa tiêu chí BVMT, thu gom, xử lý rác thải vào quy ước, hương ước gắn với giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị liên quan vào việc bình xét các danh hiệu Làng văn hóa”, Khu dân cư văn hóa”, Gia đình văn hóa” và đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hàng năm; thường xuyên tuyên truyền, tập huấn một cách cụ thể thông qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp chuyên đề, các lớp tập huấn; thông qua việc thăm quan thực tế và đánh giá rút kinh nghiệm…; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT đến các tầng lớp nhân dân, việc phân loại rác thải tại nguồn kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình; thực hiện đưa rác ra đúng nơi quy định, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ, đội thu gom vận chuyển. Ngoài thực hiện quyết liệt, thường xuyên các giải pháp nêu trên, hàng năm bằng nguồn ngân sách huyện đã hỗ trợ các hộ dân thùng xử lý rác chuyên dụng hoặc hỗ trợ nắp đậy, công đào hố và chế phẩm vi sinh để xử lý. Số kinh phí đầu tư không lớn nhưng hiệu quả mang lại đạt cao, góp phần giảm khoảng 50% tổng kinh phí nhà nước phải sử dụng để vận chuyển, thu gom, xử lý; đồng thời, cung cấp lượng phân hữu cơ đáng kể phục vụ cho sản xuất.

Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình

    Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định, đến năm 2025, huyện Phù Cừ phấn đấu xây dựng 13/13 xã đạt NTM nâng cao; 10/13 xã đạt NTM kiểu mẫu; 70% khu dân cư kiểu mẫu; huyện đạt huyện NTM kiểu mẫu, gắn xây dựng NTM với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng Phù Cừ trở thành huyện nông thôn khá giả, giàu có và đáng sống. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo mang tính đột phá cùng với đó là sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ quan trọng của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định, ngoài việc tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; công tác huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, nâng cao các tiêu chí; lưu giữ và phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống, phong trào văn hóa - văn nghệ; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định trật tự, an toàn xã hội... thì công tác BVMT là một trong số những tiêu chí quan trọng, cần thiết phải giữ vững trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trên cơ sở một số giải pháp chủ yếu sau:

    Thứ nhất, cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường phối hợp trong công tác BVMT. Tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp hành động BVMT với các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Trong mỗi Chương trình phối hợp, đều phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong BVMT. Nhiệm vụ trọng tâm của các Chương trình phối hợp là tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật BVMT, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đưa tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ đến với đoàn viên, thanh niên và học sinh; đưa ra các cảnh báo và biện pháp BVMT, phòng chống biến đổi khí hậu kịp thời và phù hợp với tình hình của địa phương.

    Thứ hai, thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, kết hợp với các giải pháp cụ thể trong việc thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là duy trì việc ký cam kết của các tổ chức chính trị - xã hội với từng hộ gia đình trong khu dân cư trong việc duy trì thành nề nếp của các hộ gia đình đang thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ và các hộ đăng ký mới tham gia thực hiện; đưa chỉ tiêu hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình vào việc bình xét thi đua, khen thưởng, công nhận hộ gia đình văn hóa hàng năm của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

    Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện và xử lý các hành vi không chấp hành pháp luật về BVMT của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ với phương châm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ; ký cam kết đến 100% số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp BVMT; chuyển các hộ chăn vào khu quy hoạch tập trung ra xa khu dân cư.

    Thứ tư, kết hợp thực hiện giảm mức thu phí vệ sinh môi trường theo quy định của UBND tỉnh đối với các hộ tham gia thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình để đảm bảo công bằng giữa người xả thải nhiều phải chi trả phí nhiều, người xả thải ít phải chi trả phí ít. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích các hộ tham gia thực hiện để đảm bảo phát huy có hiệu bền vững, đồng thời định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để hướng dẫn khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện…

Trần Tân

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn