Banner trang chủ

Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

22/12/2023

    Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương trên địa bàn cả nước triển khai thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó, có tiêu chí về môi trường góp phần quan trọng trong việc BVMT nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp. Tuy nhiên, công tác BVMT tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong tương lai. Chính vì vậy, tác giả đã nghiên cứu để tìm ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả BVMT trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh theo hướng bền vững.

    1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh Hà Tĩnh về BVMT trong xây dựng NTM

    Thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số: 37/2022/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2022 - 2025.

    2. Kết quả thực hiện công tác BVMT trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh

     Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh tính đến tháng 6/2023 toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 98%); 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm tỷ lệ 27,6%); 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 3,87% so với yêu cầu chỉ tiêu ít nhất là 10%); 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 69,23%). Kết quả này đã giúp tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu trong xây dựng NTM trên địa bàn cả nước. Đó là thành quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ các cơ quan, ban ngành cùng với sự đồng lòng, nỗ lực của nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện có chất lượng và hiệu quả các tiêu chí về xây dựng NTM. Trong đó, phải kể đến kết quả thực hiện công tác BVMT. Cụ thể:

    Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế, chính sách có liên quan đến BVMT trong xây dựng NTM:

    UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch về BVMT trong xây dựng NTM như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 7/12/2017 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về BVMT đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 11/4/2018 về Quy định BVMT trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ BVMT trên địa bàn tỉnh (Hỗ trợ hợp tác xã môi trường mua xe vận chuyển rác chuyên dùng theo địa bàn cụm xã, xe thu gom rác và chế phẩm khử mùi; Hỗ trợ cho 3 đô thị là thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh mua thùng đựng rác cho các hộ gia đình, kinh phí tập huấn phân loại rác tại nguồn; Đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại các khu vực theo quy hoạch, hoặc được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án có công nghệ xử lý bằng lò đốt công suất tối thiểu 1 tấn/giờ, nhà máy xử lý CTR sinh hoạt, công suất tối thiểu 50 tấn/ngày…); Hỗ trợ các cơ sở đang chăn nuôi lợn tập trung nằm ngoài quy hoạch (có trước thời điểm UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 14/4/2015) chuyển vào vùng quy hoạch để đảm bảo môi trường.

    Về kết quả công tác tổ chức thực hiện:

    Trong giai đoạn vừa qua, các cơ quan, ban ngành và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn. Cụ thể:

    Hoạt động phân loại rác tại nguồn: UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND, thông qua công tác phân loại rác thải tại nguồn, năm 2022 đã giảm 189,7 tấn/ngày (khoảng 26,4% lượng rác phát sinh).

    Hệ thống thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt: Toàn tỉnh hiện có 212 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải (gồm: 5 Công ty môi trường và 1 Trung tâm dịch vụ hạ tầng, 164 HTX môi trường, 43 tổ/đội vệ sinh môi trường); với 2.187 lao động, 1.869 xe đẩy tay, 125 xe tải các loại (chủ yếu là xe Julong), 45 xe chuyên dụng, 30 xe điện và một số phương tiện thu gom rác tự chế (xe máy kéo theo thùng rác). Hiện đã xây dựng 302 điểm để tập kết, trung chuyển rác thải trước khi vận chuyển đi xử lý.

Người dân thôn 3 xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cắt tỉa hàng rào xanh

     Các cơ sở xử lý rác: Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động với 3 loại hình công nghệ (3 nhà máy, 4 bãi chôn lấp và 5 lò đốt độc lập). Năm 2022, lượng rác thu gom, xử lý đúng quy định, đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn là 624,1 tấn/ngày (tương đương với 227.789,2 tấn/năm), đạt tỷ lệ 86,9% (tăng so với kết quả năm 2021, lượng rác được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường 223.567 tấn/năm, đạt 86,5%).

    Công trình xử lý nước thải sinh hoạt: Trên địa bàn tỉnh đã có 7 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố; đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 28.500 hộ/306.501 hộ gia đình nông thôn có mô hình thu gom, xử lý nước thải (bao gồm số hộ thuộc mô hình tập trung) đạt 9,3%.

    Một số hoạt động tác động đến công tác BVMT trong xây dựng NTM:

     Công tác tuyên truyền: Trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.350 tin, bài, phóng sự, ký sự trên các báo, đài Trung ương và địa phương, bản tin về Chương trình xây dựng NTM (trong đó, có BVMT trong xây dựng NTM) trên các Trang thông tin điện tử, Trang mạng xã hội (Facebook, Fanpge, nhóm Zalo) đăng tải các Infographic, video clip, poster, banner, phóng sự, Emagazine, story... phát huy tốt hiệu quả trong tuyên truyền và cả điều hành công việc, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng kết quả thực hiện Chương trình NTM, BVMT trong xây dựng NTM; các huyện, thị, thành phố cũng duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các bản tin về xây dựng NTM trên Trang thông tin điện tử và sử dụng nhóm Zalo hiệu quả, như Hương Khê, Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh, Can Lộc... để tuyên truyền nội dung công tác BVMT trong xây dựng NTM.

    Công tác tổ chức, đào tạo đội ngũ bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động BVMT trong xây dựng NTM: Cấp tỉnh đã tổ chức 37 lớp đào tạo cho 1184 học viên; 136 lớp tập huấn cho 5024 lượt người về các chủ trương, cơ chế chính sách về nông nghiệp, xây dựng NTM; các cơ chế quản lý, điều hành; công tác quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; chuyển đổi số, xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Vườn mẫu...; cấp huyện tổ chức 19 lớp đào tạo nghề cho 914 học viên về đan giỏ nhựa, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sữa chưa máy nông nghiệp, may công nghiệp; tổ chức 361 lớp tập huấn cho 29.915 người về tập huấn kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phân loại xử lý rác, sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, chuyển đổi số trên cây ăn quả, mô hình kinh tế số, xã thông minh, khu dân cư thông minh...

    3. Nhận xét, đánh giá

    Những kết quả đã đạt được: Công tác BVMT trong xây dựng NTM luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã từ việc ban hành văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách, nguồn lực kinh phí tổ chức thực hiện; nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan, ban ngành và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; các tiêu chí về BVMT trong xây dựng NTM về cơ bản bảo đảm đúng thời gian và một số địa phương vượt chỉ tiêu; công tác BVMT trong xây dựng NTM được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức đa dạng phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng cần được tuyên truyền.

    Hạn chế, thiếu sót: Kết quả thực hiện các chương trình BVMT trong xây dựng NTM chưa đồng đều ở các địa phương, một số đơn vị tiến độ thực hiện chậm dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra tại một số thời điểm nhất định; sự lãnh đạo, chỉ đạo có biểu hiện chùng xuống nhất là trong xây dựng NTM (trong đó, có nội dung BVMT trong xây dựng NTM); Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án về BVMT trong xây dựng NTM chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương nên khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

    Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, thiếu sót về BVMT trong xây dựng NTM là do: Nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa cao về mặt pháp luật, về hậu quả tác hại cũng như ý thức chấp hành các quy định, chỉ dẫn về BVMT; một số đơn vị cấp cơ sở còn chưa đánh giá đúng tình hình thực tiễn địa phương, các phương án triển khai thực hiện BVMT trong xây dựng NTM tại địa bàn quản lý; nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động BVMT trong xây dựng NTM vẫn còn hạn hẹp để triển khai các biện pháp BVMT; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung BVMT trong xây dựng NTM chưa được tiến hành thường xuyên.

    4. Một số giải pháp trong thời gian tới

    Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quần chúng nhân dân trên toàn địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về phong trào xây dựng NTM nói chung, BVMT nói riêng nhằm tạo sự đồng thuận cao, nhất quán trong nhận thức và thực hiện. Chú trọng tuyên truyền các nội dung liên quan đến các quy định pháp luật về BVMT tại nông thôn như cách phân loại rác thải tại nguồn, nơi đổ rác thải và thời gian đổ rác thải; những tấm gương điển hình về BVMT trong xây dựng NTM; những mô hình, cách làm hay về BVMT trong xây dựng NTM;… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như đài phát thanh phường, xã, thôn, xóm; lập các Fanpage, các nhóm trên trên Facebook, Zalo,…; lồng ghép vào các chương trình văn hoá, văn nghệ nhân các ngày lễ của đất nước, tỉnh và thôn làng; tổ chức các đợt ra quân BVMT với sự tham gia của nhiều lực lượng cơ quan ban ngành chức năng, tổ chức đoàn thể để thông qua đó tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

    Hai là, các cơ quan chức năng ban ngành tỉnh Hà Tĩnh cần phải bám sát với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và UBND  tỉnh Hà Tĩnh như Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 3004/KH-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025. Từ đó, vận dụng thực hiện có hiệu quả phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội và dân cư tại từng địa bàn nông thôn cụ thể. Các cơ quan chức năng phải đưa ra lộ trình, kế hoạch thực hiện các tiêu chí về môi trường theo đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện và quá trình chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.

    Ba là, huy động, ưu tiên và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để bố trí cho xây dựng Tỉnh đạt chuẩn NTM. Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức vận động xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là các bộ, ngành theo Tiêu chí phụ trách trong việc ưu tiên bố trí, lồng ghép các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách nghị quyết cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp; cơ chế tạo nguồn lực hỗ trợ xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.

    Bốn là, tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và đơn vị chức năng có liên quan trong công tác kiểm soát ô nhiễm và chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó các sự cố môi trường xảy ra; phòng tránh, khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai; thực hiện tốt công tác thẩm định, xác nhận các thủ tục về bảo vệ môi trường đối với các dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn. Tập trung hỗ trợ các xã thực hiện mô hình BVMT trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn đạt trên 97%. Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. 100% xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM.

    Năm là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực môi trường trong xây dựng NTM từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho quần chúng nhân dân về phương pháp, giải pháp BVMT để mỗi người dân trên địa bàn tỉnh có thể tự thực hiện hiệu quả môi trường ngay từ chính tại gia đình cho đến ra bên ngoài xã hội.

ThS. Nguyễn Hồng Thuyên

Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương)

    Tài liệu tham khảo:

    1. Luật BVMT năm 2020.

    2. Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025”.

    3. Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

    4. Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM.

    5. Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành bộ tiêu chí huyện NTM.

    6. Báo cáo Tổng kết xây dựng NTM năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

    7. Báo cáo Tổng kết về xây dựng NTM của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh.

Ý kiến của bạn