Banner trang chủ

Hợp tác xã Cuối Quý: Chung sức nâng tầm sản phẩm OCOP của Hà Nội

01/07/2021

     Với kinh nghiệm hơn 16 năm làm thuê ở những đồn điền trồng rau hữu cơ tại Đài Loan (Trung Quốc), cùng quyết tâm "dám nghĩ, dám làm", chị Đặng Thị Cuối - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau hữu cơ công nghệ cao (CNC) Cuối Quý đã trở thành một nữ tỷ phú nông dân của quê hương Đan Phượng (Hà Nội). Hiện nay, đầu ra của đơn vị là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng; chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm; 6 chợ đầu mối trong vùng… trung bình mỗi ngày xuất từ 1,5 - 2 tạ rau củ, quả các loại. Ngoài ra, còn có chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội, bà con quanh vùng và khách đến lấy tại ruộng.  HTX cũng được đánh giá là mô hình tiêu biểu ứng dụng CNC của Hà Nội, có 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần khẳng định vai trò chủ thể của HTX  trong Chương trình Mỗi nhà một sản phẩm (OCOP) nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung.

     Quyết tâm thoát nghèo

     Cũng giống như bao gia đình khác ở vùng quê thuần nông xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, những năm trước đây, hộ gia đình anh chị Nguyễn Đăng Quý và Đặng Thị Cuối có xuất phát điểm kinh tế rất thấp, nghề sản xuất chính là sản suất nông nghiệp với cây lúa đóng vai trò chủ đạo, cùng một số cây hoa màu khác như ngô, khoai, rau màu... năng suất cây trồng thấp nên đời sống của gia đình anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Người nâng dân cần cù, chăm chỉ là vậy nhưng cái nghèo cứ mãi đeo đẳng không dứt, vì thế, để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, năm 2001, chị Cuối quyết định tham gia xuất khẩu lao động. Danh nghĩa đi xuất khẩu lao động nhưng thực chất là đi làm thuê cho trang trại nông nghiệp tại Đài Loan, chỉ khác là tại đây họ trồng rau ứng dụng CNC theo một chu trình khép kín từ sản xuất đến siêu thị và bếp ăn. 10 năm đi làm thuê, tích lũy được chút vốn, chị quyết định trở về quê bàn với chồng đầu tư sản xuất với những kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật đã học được. Thời điểm này chồng chị chưa tin, sợ rủi ro mất hết vốn liếng nên không đồng ý. Chồng không nghe, chị thuyết phục anh cùng chị sang Đài Loan làm thuê thêm 6 năm nữa và rồi anh tin chị.  Hành trang anh đem theo không gì khác mà chính là hạt giống các loại ở Việt Nam để trồng thử nghiệm và học cách chăm bón tại nước bạn.

Chị Cuối giới thiệu sản phẩm với DN ký kết hợp tác

     Năm 2017, khi đã đủ độ chín mùi về kiến thức, anh chị quyết định trở về nước khởi nghiệp bằng nghề trồng rau sạch. Với số vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng, trên diện tích 1.360 m2 đất bãi, vừa của nhà, vừa thuê thêm của bà con xung quanh (thuê của 52 hộ với giá 800 nghìn đồng/sào/năm), anh chị quyết định vay mượn thêm, đầu tư tổng cộng hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt. Cấu trúc nhà màng đơn giản, dễ lắp ráp, không cần làm móng, thanh treo tùy chọn phù hợp theo diện tích, hệ thống thông gió bên hông, nước tưới tự động qua hệ thống lọc. Về công nghệ, anh chị đã xây dựng hệ thống nhà màng rộng 8.000 m2, mỗi nhà màng có mức đầu tư hơn 40 triệu đồng và khoảng 150 triệu đồng/sào, toàn bộ vật tư đều nhập khẩu từ Đài Loan như ốc vít, khung sắt, khóa sắt mạ kềm, dây chằng mái, màn chống côn trùng. Hiện tại, HTX Cuối Quý đã tiến hành chuyển giao công nghệ này cho nhiều đơn vị trong vùng như: HTX cá sạch cầu Thanh Trì, HTX Tằm Xá (Đông Anh), xã Phụng Thượng, xã Long Xuyên (Phúc Thọ); Chùa Trầm (Chương Mỹ). Đặc biệt, anh chị đang chuyển giao mô hình cho Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng)…

     Quy trình sản xuất theo phương pháp khép kín từ trong ra ngoài, phân bón sử dụng bón thúc cho rau là phân hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng pép phun sương chờ ngày thu hoạch. Ngoài ra, để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau được vợ chồng chị nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Sau hơn 4 tháng, rau lên xanh tốt và cho thu hoạch lứa đầu tiên, nhưng khó khăn xuất hiện khi đem ra chợ bán đã vấp phải sự nghi ngờ dùng thuốc kích thích của người tiêu dùng bởi “rau quá đẹp”. Không nản chí, hôm sau, chị vẫn mang rau ra chợ nhưng là để tặng cho tất cả mọi người chứ không bán, sau vài lần như vậy, nhiều người đã tìm đến tận vườn để tìm mua. Với các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, rau dền, rau muống … từ 15 đến 18 ngày sau gieo hạt là được thu hoạch, năng xuất bình quân 500 kg/nhà màng 100 m2/lứa, giá bán 20.000 đồng/kg, một nhà màng sản xuất được trên 10 lứa rau/năm, đây là mô hình có thu nhập rất cao và ổn định.

Hệ thống nhà màng được đầu tư xây dựng đảm bảo yêu cầu

     Khi hiệu quả của mô hình trồng rau sạch ngày một rõ rệt, với số vốn tích lũy và vay thêm từ ngân hàng, năm 2018, anh chị thuê thêm 5 ha đất của các hộ dân trên địa bàn xã Đan Phượng để mở rộng diện tích canh tác và thành lập HTX Rau hữu cơ CNC Cuối Quý. Với tư duy “Đầu tư một lần nhưng bền vững cho nhiều năm sau”, anh chị xây dựng hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động, kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Năm 2020, anh chị quyết định thuê  thêm 2 mẫu ruộng để trồng dâu tây, cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng. Trong đó, mô hình trồng dâu tây kết hợp làm du lịch. Việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích. Nguyên nhân là sẽ tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học do không có sâu bệnh trong quá trình canh tác, giúp giảm nhiều chi phí. Mô hình đầu tư đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng và hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, HTX Rau hữu cơ CNC Cuối Quý còn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương, đều là người địa phương đã cho anh chị thuê đất, với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

     Và thành công từ ứng dụng CNC gắn với BVMT trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP

     Như đã nói ở trên, toàn bộ hệ thống nhà màng của HTX Rau hữu cơ CNC Cuối Quý đều sử dụng phân bón hữu cơ và men vi sinh, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng pép phun sương chờ ngày thu hoạch. Để diệt sau bọ, chị Cuối làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa milo, ủ trong 2 tuần, sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Tuy không làm cho sâu chết ngay nhưng thuốc hữu cơ tác động trực tiếp làm chúng ngưng không ăn và yếu dần rồi chết. Thay vì phun thuốc diệt cỏ để khử trùng đất, tiêu diệt mầm bệnh, sau khi thu hoạch xong, HTX sử dụng đèn khò phun lửa khắp khu vực canh tác. Đây là cách làm của người Nhật để tiêu diệt nấm bệnh, trứng sâu bọ nhưng vẫn giữ được giun. Theo chị Cuối, trồng rau trong nhà màng không chỉ mang lại năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống mà việc ứng dụng CNC còn đảm bảo được chất lượng cho sản phẩm. Hiện, mỗi ngày HTX Rau hữu cơ CNC Cuối Quý cung cấp cho 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng; chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm khoảng 2 - 4 tấn rau xanh các loại, thu lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng.

Đất được cải tạo sau mỗi vụ thu hoạch

     Ngoài hệ thống nhà màng, phần diện tích còn lại gia đình anh chị trồng 2,5 ha măng tây xanh; 2 ha súp lơ lấy ngồng; 2 mẫu ngô lấy quả non và ngọn; hơn một mẫu ổi Đài Loan. Diện tích này dùng màng phủ lynon, hệ thống tưới nhỏ giọt cho sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Toàn bộ sản phẩm rau được các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học hợp đồng tiêu thụ ổn định. Với sản lượng 3 tạ rau/ngày của HTX sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/1ha, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

     Theo chia sẻ của chị Đặng Thị Cuối, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích. Vì chỉ cần đầu tư một lần nhưng tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới,nhà màng tránh được sâu bệnh gây hại, giảm chi phí. Mặt khác, nhà màng có kết cấu đơn giản, không sử dụng bất kỳ mối hàn nào, không xây móng, dễ lắp đặt, tháo dỡ. Với quy trình gieo hạt từ trong ra ngoài, đóng cửa chờ thu hoạch và thu hoạch một lần từ ngoài vào trong, bẫy côn trùng ở 4 góc mái nhà màng, không tốn công chăm sóc, rau lại đảm bảo an toàn. Mô hình có đầu tư đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng và hoàn toàn có thể nhân rộng ra trên địa bàn và các tỉnh khác. Do vậy, anh chị cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ bà con khu vực lân cận muốn áp dụng quy trình canh tác của HTX để phát triển sản xuất. Mô hình này rất phù hợp ngay cả ở quy mô đầu tư hộ gia đình có diện tích đất không lớn.

     Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND TP. Hà Nội về phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020”, năm 2019, Sở NN&PTNT thực hiện hỗ trợ 20 HTX Nông nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các máy cày, máy cấy, máy làm xúc xích và máy bảo quản. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX đã tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn hộ thành viên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu; 46 HTX đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode. Đáng chú ý, thông qua chính sách hỗ trợ, đến hết năm 2019, trên địa bàn Thành phố đã có trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ; 43 HTX nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố đạt hơn 38.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp CNC chiếm khoảng 30 - 35%. Đến năm 2021, toàn Thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó, 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thuỷ sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. HTX Cuối Quý là một trong những đơn vị tiêu biểu, địa chỉ cung ứng rau sạch, mô hình tiêu biểu ứng dụng CNC của Hà Nội. HTX đã áp dụng quy trình sản xuất rau hữu cơ trong nhà kính, lựa chọn giống chất lượng cao nhập từ Đài Loan; Kỹ thuật xử lý gia nhiệt để triệt mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng; Chỉ sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc rau… Vì vậy, chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, mô hình của HTX xứng đáng được biểu dương và nhân rộng tại các địa phương khác của Hà Nội.

    Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, với 282/1.054 sản phẩm của 64 HTX tham gia Chương trình Mỗi nhà một sản phẩm (OCOP) được đánh giá, công nhận, các HTX trên địa bàn TP. Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò chủ thể trong Chương trình OCOP nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung, trong đó có HTX Cuối Quý. Theo Quyết định số 5448/QĐ-UBND ngày 4/12/2020 của UBND TP. Hà Nội, HTX Cuối Quý có 17 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, gồm: Đu đủ, su hào, rau tòm bóp, rau ngót, mồng tơi, rau muống, rau lang, cải xanh, cải ngồng, cải ngọt, cải bó xôi, rau dền, mướp hương, măng tây, khoai môn, dưa chuột baby, bông hẹ. Khi TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn cho các chủ thể bán hàng bằng hình thức trực tuyến… Đặc biệt là việc tổ chức thành công “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” diễn ra vào đầu tháng 9/2021, do đó, các sản phẩm của HTX vẫn đảm bảo nguồn cung đầu ra và được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ..

     Có thể thấy, với sự nhạy bén, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm và sự quyết tâm, mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, anh chị đã thành công trên con đường ước mơ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đã dần hình thành nên những người nông dân hiểu biết, hiện đại và nhờ đó đã mang lại những sản phẩm nông nghiệp an toàn, người bạn tin tưởng cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình cũng như tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Nguyệt Minh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn