Banner trang chủ

Kinh nghiệm thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

28/11/2023

    Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 318/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định ≥ 98% đối với vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, ≥ 95% đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ≥ 50% áp dụng trên cả nước; Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100% áp dụng trên cả nước; Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường ≥ 80% áp dụng trên cả nước; Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt ≥ 90% tại đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, ≥ 70% tại đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, ≥ 50% đối với trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc thực hiện các nội dung liên quan đến môi trường, cảnh quan nông thôn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu về bảo vệ môi trường đặt ra ngày càng cao, nhiều vấn đề môi trường NTM cần phải được xem xét và giải quyết như vấn đề phân loại chất thải tại hộ gia đình, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, kiểm soát chất lượng môi trường nước mặt, tuần hoàn chất thải và phụ phẩm nông nghiệp… Đến hết tháng 7/2023, cả nước đã có 6.402 xã (78,3%) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm (tăng 3% so với cuối năm 2020); so với mục tiêu đến năm 2025 là có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thì kết quả đạt được còn thấp và sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu, nhất là khi các quy định về tiêu chí môi trường đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 với 12 chỉ tiêu (tăng thêm 4 chỉ tiêu liên quan đến thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn). Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt được và thường kém bền vững trong xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn nỗ lực củng cố, duy trì tiêu chí trong xây dựng NTM.

Tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho người dân xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn

    Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có nền nông nghiệp thuần túy với đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Bước vào xây dựng NTM từ xuất phát điểm thấp, song với sự vào cuộc, chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị và cả xã hội, Lạng Sơn đã thu được những thành tựu ấn tượng. Diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Theo Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 13/9/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện hoàn thiện các tiêu chí tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, NTM nâng cao giai đoạn trước năm 2022, tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh trước năm 2022 là 58 xã (không bao gồm các xã được công nhận sau đó phấn đấu đạt chuẩn NTMnâng cao); số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 12 xã. Với tiêu chí môi trường, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chung tay, tích cực thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, người dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hơn 70.000 công lao động để làm thủy lợi, vệ sinh môi trường, sửa chữa 32 công trình nước sinh hoạt, gần 5.300m đường dẫn nước; xây dựng mới trên 200 lò đốt rác, hơn 200 nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Ngoài ra, Sở TN&TM Lạng Sơn còn phối hợp với Phòng TN&MT các huyện, UBND các xã tổ chức tập huấn tiêu chí môi trường (đối với các xã xây dựng nông thôn mới, NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu) được 11 lớp tập huấn cho 16 xã với hơn 1.100 người tham gia. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc duy trì thực hiện tiêu chí môi trường tại 9 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong bảo vệ, giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

    Năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở TN&MT đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường tại các xã điểm; chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn tại các xã điểm; hỗ trợ nguồn lực từ Quỹ bảo vệ môi trường giúp các xã thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường… Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 10 lớp tập huấn việc thực hiện tiêu chí môi trường tại 10 xã điểm với trên 800 người tham gia. Ngoài ra, nhân Ngày “Môi trường thế giới”, “Đại dương thế giới”, Sở cũng đã lồng ghép tuyên truyền, đôn đốc các xã điểm thực hiện tiêu chí môi trường bằng các việc làm cụ thể như ra quân tổng vệ sinh, thu gom rác thải, phân loại rác thải rắn, trồng cây xanh… Bên cạnh sự chủ động của Sở TN&MT, các cấp, ngành liên quan cũng tăng cường tuyên truyền, vận động huy động sự chung sức của người dân để thực hiện tiêu chí môi trường. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép được 3.220 hội nghị về các nội dung liên quan đến xây dựng NTM gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp với 175.610 lượt người tham gia. Các huyện, thành phố đã phát động phong trào cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày cuối tuần xuống hỗ trợ các xã xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí, trong đó trọng tâm là tiêu chí môi trường… Qua đó, người dân hiểu và đóng góp ngày công, hiện vật quy đổi trị giá 26 tỷ đồng để chung sức thực hiện tiêu chí môi trường. Đến nay, ở các xã điểm NTM thường xuyên duy trì phong trào ra quân dọn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm.

    Không chỉ tuyên truyền, tập huấn, để hỗ trợ các xã điểm thực hiện tiêu chí môi trường, từ nguồn Quỹ bảo vệ môi trường, các đơn vị liên quan đã hỗ trợ 10 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM gần 900 triệu đồng để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, các xã đã xây dựng được 110 bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; 4 lò đốt rác tập trung; 498 nhà tiêu hợp vệ sinh; 56 nhà tắm hợp vệ sinh… giúp các xã nâng tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh lên trên 70%; tỷ lệ thu gom, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng đạt 100%.

    Từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và sự chung sức của người dân, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường ở các xã điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc (1 trong 10 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023), đầu năm 2023, xã mới đạt 6/12 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường. Để thực hiện các tiêu chí chưa đạt, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia chung tay thực hiện tiêu chí như: ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ hằng tháng; sửa chữa, nâng cấp 19 nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, xây dựng 35 lò đốt rác gia đình… Nhờ đó, đến tháng 11/2023, xã đã cơ bản hoàn thành tiêu chí môi trường. Cùng với xã điểm Bảo Lâm, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 2 xã điểm khác hoàn thành tiêu chí môi trường; 7/10 xã điểm còn lại có tiến độ đạt từ 80 - 95%, dự kiến trong năm 2023, các xã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, dự kiến các xã điểm năm 2023 sẽ hoàn thành tiêu chí môi trường theo kế hoạch đề ra, qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM chung trên địa bàn tỉnh.

    Từ kết quả, tồn tại, hạn chế trong thực hiện tiêu chí môi trường thời gian vừa qua, tỉnh Lạng Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

    Một là, tăng cường trách nhiệm và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã với việc bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi cộng đồng nông thôn; cấp ủy chính quyền phải thực sự vào cuộc, quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đưa nội dung bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi cộng đồng nông thôn vào hương ước của thôn, xóm.

    Hai là, coi việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các nhiệm vụ của việc bảo vệ môi trường nơi khu dân cư và cộng đồng nông thôn, đồng thời phải đi đôi với vận động và có chế tài xử lý nghiêm minh.

    Ba là, hàng năm phải xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường chi tiết, cụ thể và đưa nội dung công tác bảo vệ môi trường nông thôn vào báo cáo đánh giá định kỳ của mỗi cơ quan, Sở ngành, địa phương, thôn, xóm.

    Bốn là, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

    Năm là, tổ chức các chiến dịch hưởng ứng các ngày lễ bảo vệ môi trường và thường xuyên phát động thực hiện các hoạt động phong trào “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Xanh - Sạch - Đẹp”.

    Sáu là, thường xuyên và tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế tài trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong công tác thanh kiểm tra và đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và nơi cộng đồng nông thôn.

    Ngày 16/2/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch số 38 /KH-UBND thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo Kế hoạch, đến năm 2025, ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; 30% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ… Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử; xây dựng và phát động các phong trào thi đua chuyên đề để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động tối đa nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, trong đó có xã hội hóa xây dựng các công trình cấp nước tập trung, khu xử lý rác thải quy mô liên huyện…

Hồng Cẩm

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn