Banner trang chủ

Khơi dậy tiềm năng đất gò đồi thành vùng kinh tế mới bền vững

16/12/2021

    Vừa qua, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ cam như: tổ chức tập huấn, quảng bá và kết nối xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử; đưa các doanh nghiệp đi khảo sát trực tiếp các vườn cam trên địa bàn để kiểm tra tiêu chuẩn, kết nối vào hệ thống siêu thị trong cả nước. Đặc biệt, Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh do UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 23/11/2021, nhiều cơ sở và doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ cam đã ký và trao đổi bản thỏa thuận hợp tác. Nhờ đó, ngoài tiêu thụ theo hình thức thương lái đến mua tại vườn và bán lẻ ra thị trường, cam Vũ Quang đã được đưa vào bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart toàn quốc; cam Khe Mây (Hương Khê) đang được xúc tiến để vào hệ thống Vinmart toàn quốc; cam của nhiều nhà vườn, hợp tác xã đã được bán trên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn. Năm 2021, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.900 ha, tập trung tại các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc. Diện tích cho thu hoạch đạt gần 5.600 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.600 ha. Sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

    Bài viết giới thiệu mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường ở Khe Mây, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, từ một vùng gò đồi thành vùng kinh tế mới bền vững.

Vườn cam Khe Mây của ông Đinh Văn Oánh được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm

Khơi dậy một tiềm năng vùng gò đồi

    Năm 1992, tỉnh Hà Tĩnh được tái thành lập. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Lãnh đạo tỉnh quyết tâm đầu tư xây dựng một số vùng kinh tế mới (KTM) với mục tiêu: khai thác tiềm năng vùng gò đồi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, phân bố lại dân cư và BVMT.

    Khe Mây là vùng bán sơn địa thuộc xã Hương  Đô (huyện Hương Khê) nằm trong vùng KTM Yên Sơn được chọn để xây dựng mô hình thí điểm nhằm đạt được mục tiêu như đã nêu. Nhiệm vụ được giao cho Trung tâm Địa lý - Tài nguyên, nay là Viện Địa lý thực hiện. Ngày 1/8 /2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo: “Tăng cường sự tham gia của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, BVMT và phát triển bền vững”. Kết quả xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở Khe Mây đã được Báo cáo tại Hội thảo trên cơ sở thông tin thu được sau 6 năm (1993-1999). Ý tưởng xây dựng mô hình cây ăn quả ở Khe Mây là nhằm phát huy hiệu quả của công tác thẩm định cơ sở khoa học của dự án vùng KTM Yên Sơn đã được Trung tâm Địa lý - Tài nguyên (Viện địa lý) thực hiện năm 1992.

    Một trong những kết luận quan trọng của công tác thẩm định là vùng KTM Yên  Sơn có khả năng mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao như bưởi Phúc Trạch, cam bù (Hương Sơn). Báo cáo thẩm định cũng chỉ rõ: mô hình chỉ có thể phát triển bền vững khi hội tụ được 2 yêu cầu cơ bản, đó là có điều kiện tự nhiên phù hợp với loài cây dự kiến trồng và loài cây đó phải mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, có 3 yếu tố cơ bản và quan trọng nhất về điều kiện tự nhiên quyết định việc lựa chọn loài cây nào để xây dựng mô hình, đó là: Các yếu tố khí tượng (ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm không khí); Nước và đất.

    Kết quả thẩm định cho thấy, vùng Khe Mây, ánh sáng có cường độ 10.000-15.000 lux, tương ứng với 0,6 cal/cm2 phù hợp với các loài cây ăn quả. Với nhiệt độ trung bình năm khoảng 22-230C: Độ ẩm không khí trung bình năm đạt 85%, gần như không có thời kỳ khô, hanh. Như vậy, các yếu tố khí tượng qua thẩm định cho thấy phù hợp với các loài cây ăn quả có múi như cam, bưởi. Các loài cây ăn quả có múi là những loài cây ưa ẩm và ít chịu hạn. Phần lớn vùng KTM Yên Sơn có lượng mưa trung bình năm khoảng 2.300-2.700mm, riêng Khe Mây lượng mưa dao động trong khoảng 2.300-2.400mm, mùa khô ngắn, chỉ kéo dài 1-2 tháng.

    Trong nhiệm vụ xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở Khe Mây, ngoài 2 yếu tố khí tượng và nước thì đất cũng là đối tượng được quan tâm nghiên cứu kỹ. Khe Mây nằm ở thềm sông, đất phù sa, địa hình bằng phẳng, độ dốc từ 0-50C, cấu trúc tốt, nhiều mùn, thoáng khí, có tầng dầy hầu hết >100cm, giữ ẩm tốt, không bị úng khi mưa và dễ tháo nước khi cần thiết, mực nước ngầm thấp (ít nhất cũng sâu hơn 80cm). Độ pH 5,5-6.

Lựa chọn loài cây đáp ứng tiêu chí của mô hình

    Sau khi đã có được các thông số cơ bản và quan trọng về điều kiện tự nhiên ở Khe Mây, nhiệm vụ tiếp theo là lựa chọn loài cây có đặc điểm sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ nhất, loại cây có đặc điểm sinh thái phù hợp:

    Theo Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô Nguyễn Hồng Sơn, việc lựa chọn cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch đến nay là hoàn toàn chính xác, thể hiện được vai trò kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cam bù được trồng từ lâu đời ở huyện Hương Sơn, có biên độ sinh thái tương đối rộng, có tính chống chịu cao với dịch bệnh và thời tiết cực đoan.Bên cạnh đó, bưởi Phúc Trạch được xem là xuất xứ ở xã Phúc Trạch huyện Hương Khê. Bưởi Phúc Trạch có biên độ sinh thái tương đối rộng, thích hợp với nhiều loại đất như: phù sa ven sông, đất bồi tụ, đất phù sa cổ có tầng dầy 80-100cm, có hàm lượng mùn cao, thoát nước, mực nước ngầm dưới 1m. Độ pH của đất từ 5,5-6,0. Cây sinh trưởng bình thường trong phạm vi nhiệt độ từ 12-390C. Cường độ ánh sáng thích hợp từ 10.000 -15.000 lux tương ứng với 0,6cal/cm2 tương tự với loại ánh sáng vào lúc 8h đến 16-17h hàng ngày của những ngày quang mây mùa hè. Ưa thích ánh sáng tán xạ. Lượng mưa thích hợp khoảng 2000mm/năm, nhưng không chịu được ngập úng. Độ ẩm không khí thích hợp là 75-80%.

Thứ hai, giá trị kinh tế của mô hình

    Bưởi Phúc Trạch, cam bù là những loài cây lâu năm, nhưng lại nhanh cho thu hoạch, đã ra quả bói vào năm thứba sau khi trồng. Cam bù cho thu hoạch quả trồng trong vòng 25-30 năm. Trong khi đó, bưởi Phúc Trạch thời gian thu hoạch còn lâu hơn và được đánh giá cao về chất lượng. Cây bưởi trưởng thành chiếm diện tích từ 20-30m2 trung bình cho 100-150 quả, vào năm 1993 có giá trị tương đương 150 kg thóc.

Cam bù nổi tiếng do hương vị ngọt đậm, màu sắc, dáng quả đẹp, chin muộn, thường vào dịp Tết âm lịch. Theo thời giá năm 1993, một cây cam bù có 300 quả bán đi mua được 6 tạ thóc. Nếu 1ha trồng 400 cây cam bù, trung bình cho thu hoạch khoảng 80-100 triệu đồng.

Thứ ba, các giá trị khác

    Với cây cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch đã làm thay đổi diện tích đất trống đồi trọc chưa được sử dụng thành đất được sử dụng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần làm cho hệ sinh thái nông nghiệp phong phú hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.Đồng thời,góp phần bảo tồn đa dạng sinh học nhờ tạo ra nơi cư trú, sinh sống cho nhiều loài sinh vật có ích như một số loài chim ăn sâu bọ; Tạo ra môi trường sống trong lành nhờ tinh dầu, chất thơm tiết ra từ hoa bưởi, cam; Tiêu diệt các loài vi sinh vật gây bệnh;Giảm nhiệt độ không khí vào mùa hè, ngăn cản gió rét vào mùa đông.

Mô hình cây ăn quả ở Khe Mây đã trở thành thương hiệu đạt tiêu chuẩn VietGAP

    Vào năm 1999, nghĩa là chỉ sau 6 năm, kể từ khi 2000 cây cam bù, bưởi Phúc Trạch đầu tiên, là quà tặng được trích từ kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia) xuất hiện ở Khe Mây, đã có không ít hộ gia đình có hàng nghìn cây bưởi, cam bù. Cư dân Khe Mây cũng tăng gấp nhiều lần so với con số hơn 40 hộ trước đây. Đã thấp thoáng những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi.Một ngôi trường khang trang, bề thế tọa lạc trên mảnh đất rộng, bốn bề lộng gió. Vào thời gian này (1999), Khe Mây chưa có điện lưới quốc gia, nhưng nhiều gia đình đã mua được máy phát điện để thắp sáng, nghe đài, ti vi... Không còn cảnh người dân phải gánh nước tưới cây, thay vào đó là máy bơm nước.

    Hiện nay, Khe Mây đã trở thành vùng cây ăn quả lớn, có thương hiệu của huyện Hương Khê, ngày 25/12/2019, tại Khe Mây đã tổ chức ngày hội cây ăn quả của tỉnh Hà Tĩnh.

    Có thể khẳng định, mô hình Khe Mây đến năm 1999 đã thành công, đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng điều đáng mừng là người dân nơi đây tiếp tục làm thay đổi diện mạo Khe Mây. Hiện tại diện tích cam và bưởi Phúc Trạch ở Khe Mây đã là 350ha. Ông Đinh Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, cư dân Khe Mây có 300 hộ trồng cam. Nếu so với 1993, chỉ có 40 hộ thì Khe Mây đúng là vùng “đất lành chim đậu”. Cũng theo ông Lâm, nhiều người dân Khe Mây đã trở thành chủ trang trại lớn, điển hình như ông Đinh Văn Oánh với 22ha, năm 2018 doanh thu từ trang trại cam lên tới 6 tỷ đồng. Ở Khe Mây không chỉ có ông Oánh, một gia đình khác như anh Nguyễn Văn Đồng cũng có trang trại cam diện tích 3ha, sản lượng khoảng 15 tấn cho doanh thu 500 triệu đồng. Cam đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho cư dân Khe Mây. Hiện nay, người dân Khe Mây đã biết trồng, chăm sóc cam theo phương pháp sinh học. Người dân tận dụng chế phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây, tự làm bẫy dính hoặc dùng thảo dược diệt sâu bệnh hại cây. Để giữ ẩm cho gốc, vỏ lạc được rải đều vào các gốc cây, đợi hoại mục trở thành phân hữu cơ. Người dân Khe Mây chủ động chăm sóc vườn cam theo hướng sinh học, đạt được tiêu chuẩn ViêtGap an toàn và chất lượng. Trong việc phòng trừ sâu bệnh cho cây, ông Oánh còn biết sử dụng các loài thiên địch như bọ ngựa để bắt côn trùng gây hại, nhện giăng tơ bắt bướm có hại cho cam.Tận dụng nguồn kali tự nhiên từ mùn tro, phân gà ủ lên men, phân bò và chế phẩm tricoderma, ủ hoai mục cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất. Nhặt cam rụng, thối cho vào túi đưa về nhà, tránh hiện tượng gây nấm và côn trùng phá hoại cam, trồng cỏ vetiver chống xói mòn đất. Tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cho nhãn hiệu cam Khe Mây, có hiệu lực trong thời gian 10 năm.

Sản phẩm cam Khe Mây (Hương Khê) đang được xúc tiến để vào hệ thống Vinmart toàn quốc

    Mô hình Khe Mây gồm 2 giai đoạn: (1) Từ năm 1993-1999, có sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học, từ đánh giá điều kiện tự nhiên đến lựa chọn cây trồng thích hợp, có hiệu quả kinh tế…Cũng có thể gọi đây là giai đoạn “cầm tay, chỉ việc” hoặc đưa cho người dân cái cần câu. (2) Từ năm 1999 đến nay, người dân tự biết triển khai công việc. Như vậy, cái mà người dân cần chính là cái cần câu. Trách nhiệm của các nhà khoa học là trao cho họ cái cần câu và người dân Khe Mây đã sử dụng rất hiệu quả. Mô hình này cần được củng cố, phát triển, là hình mẫu để các hộ kinh tế khác học tập, làm theo.

    Thực hiện chính sách phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đã hình thành các mô hình có hiệu quả trong thực tế, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa và giải quyết đầu ra cho nông dân. Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động quan tâm xây dựng hệ thống chuỗi tiêu thụ.

    Song song với chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ về giống, quy trình thâm canh, việc tổ chức lại sản xuất được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, gắn với các vùng sinh thái. Đến nay, cây cam đã bước đầu cho thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế, thích ứng trên nhiều vùng đất cao cạn, đất đồi vườn. Cây cam được coi là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho các hộ dân vùng đồi núi của Khe Mây, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao.

TS. Lê Trần Chấn

                                                          Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn