Banner trang chủ

Kế thừa, phát huy văn hóa làng quê trong xây dựng nông thôn mới

30/01/2023

    Với quan điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, các địa phương trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội đã và đang quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, cùng chính quyền địa phương hướng đến mục tiêu trở thành quận theo đúng kế hoạch và lộ trình đề ra. Đặc biệt, xã Bát Tràng - Một trong ít làng nghề cổ của vùng đất địa linh nhân kiệt hơn nghìn năm tuổi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao là sự ghi nhận cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng, đồng thời là bước đệm để Bát Tràng nói riêng, Gia Lâm nói chung tiếp tục vững bước đi lên, xây dựng một miền quê đáng sống

    Những đổi thay từ Chương trình xây dựng NTM

    Theo sử sách ghi lại, làng nghề truyền thống Bát Tràng được hình thành vào thế kỷ XIV - XV, thời nhà Lý. Sự di cư của các nghệ nhân lành nghề thuộc 5 dòng họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm về kinh thành Thăng Long đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi Bát Tràng thành một làng gốm nổi tiếng. Đến nay, trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử, tuy có nhiều đổi thay, nhưng Bát Tràng vẫn giữ riêng cho mình nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất, những giá trị độc đáo không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu. Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó có 140 nghệ nhân và hàng nghìn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch của Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, hoạt động du lịch vì thế cũng ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển một cách bền vững gắn với sản xuất, thương mại, dịch vụ.

    Trong xây dựng NTM, năm 2015, Bát Tràng được công nhận đạt chuẩn NTM, qua 5 năm tiếp tục phấn đấu, xã đã hoàn thành đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, 100% tuyến đường ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống rãnh thoát nước đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm trong khu vực dân cư được trồng cây xanh đảm bảo cảnh quan môi trường; 3 cấp học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia (Trường Mầm non, Trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); 100% số thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; 99,6% số hộ đạt gia đình văn hóa; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng, xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 0,7%. Ngày 31/12/2021, Đảng uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ xã Bát Tràng long trọng tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tổng kết phong trào thi đua - khen thưởng năm 2021; phát động xây dựng xã NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí thành lập phường.

Xã Bát Tràng trong niềm vui tổ chức Lễ Công bố và đón nhận Danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021

    Làng gốm Bát Tràng giờ đã thay đổi rất nhiều, những con ngõ xưa vẫn hẹp như thế, nhưng trên các bức tường nhà đã không còn phơi những nắm than như trước nữa, thay vào đó, nhiều ngôi nhà khang trang, kiến trúc hiện đại mọc lên. Đời sống của dân làng Bát Tràng đã giàu có theo đúng nghĩa của nó, được sự giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay gần 90% hộ làm nghề tại Bát Tràng đã sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong làng cổ Bát Tràng còn lưu giữ những công trình kiến trúc độc đáo, nguyên nét cổ kính hiếm có, thu hút khách du lịch đến tham quan. Đó là nhà cổ Vạn Vân, với tuổi đời hơn 200 năm và đình làng Bát Tràng, nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội lớn trong năm của làng làm nghề gốm. Xã còn có chợ gốm Bát Tràng được hình thành hàng trăm năm nay, với diện tích hơn 6.000 m2, là nơi giao lưu, mua bán sầm uất các sản phẩm gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ, vật trang trí, sản phẩm của làng nghề. Đặc biệt, năm 2021, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, còn gọi là “Bảo tàng gốm Bát Tràng” nằm ở thôn 5, xã Bát Tràng được đưa vào khai thác sử dụng và trở thành điểm thu hút du khách bởi kiến trúc đặc trưng, mô phỏng hình dáng đất nặn trên bàn xoay. Đây là công trình kiến trúc có hình dáng lạ mắt, với những vòng xoáy ốc lớn dần hướng lên bầu trời, gợi hình tượng cái bàn xoay vuốt gốm do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế, bố trí trên khu đất rộng 3.700 m2, với số vốn đầu tư khoảng hơn 150 tỷ đồng do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh làm chủ đầu tư, tạo điểm nhấn kiến trúc đẹp cho không gian làng cổ. Đây là nơi giới thiệu trưng bày sản phẩm của làng gốm, là không gian văn hóa, quảng bá, giao lưu, bảo tồn và phát huy tinh hoa sản phẩm gốm Bát Tràng.

    Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bức tranh nông thôn nơi miền quê Bát Tràng với những gam màu đặc sắc và tươi sáng đang dần hiện hữu. Từ những kết quả đã đạt được, Bát Tràng đang hướng tới mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, văn minh, hiện đại. Nhận thức được vấn đề bảo tồn và phát huy nguồn lực truyền thống để phát triển kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành sẽ là hướng đi mang tính bền vững, vừa tạo ra diện mạo khu vực nông thôn văn minh, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc. Đồng thời xác định, việc hoàn thành các tiêu chí để trở thành xã NTM kiểu mẫu, đòi hỏi đảng bộ, chính quyền, nhân dân phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, lấy người dân, cộng đồng dân cư làm chủ thể theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng, Nhà nước và cán bộ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ thực hiện thông qua việc ban hành, triển khai các chính sách; xây dựng NTM kiểu mẫu phải bằng những việc làm thiết thực, hành động cụ thể, không phô trương, hình thức, lãng phí… Lãnh đạo xã Bát Tràng đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành phố, huyện và Nghị quyết của Đảng ủy xã đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã về xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường; không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đồng thời, yêu cầu xây dựng NTM phải đi vào thực chất, đặt lợi ích của người dân, của cộng đồng lên trước, nhằm tạo ra những thay đổi căn bản, bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững ở khu dân cư; không nóng vội vì thành tích, chủ quan, áp đặt, duy ý chí.

    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt khẳng định, trong thời gian qua, huyện Gia Lâm đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường theo kế hoạch. Đến nay, cùng với Bát Tràng, huyện đã có thêm nhiều xã được Thành phố công nhận xã NTM nâng cao, 11 xã đang hoàn thiện xã NTM nâng cao và kiểu mẫu. Huyện Gia Lâm đang tập trung và cơ bản hoàn thành Đề án xây dựng huyện trở thành quận để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. Để góp phần đưa huyện nhà trở thành đơn vị được công nhận huyện NTM kiểu mẫu, đòi hỏi các xã phải nỗ lực chung tay phấn đấu, trong đó có Bát Tràng. Hiện nay, xã đang tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, xây dựng; chú trọng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, phấn đấu cuối năm 2023 đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đạt kiểu mẫu về an ninh trật tự, du lịch và cơ bản đạt 16/16 tiêu chí lên phường theo quy định; nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đến hết năm 2023 đạt 75 triệu đồng/người.

    Ứng dụng công nghệ số nhưng vẫn giữ được nét văn hóa riêng

    Bên cạnh việc được biết đến là làng nghề truyền thống lâu đời, Bát Tràng còn có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển “du lịch thông minh”. Xây dựng thôn, làng thông minh, đưa công nghệ số vào cuộc sống dựa trên ba trụ cột: Chính quyền điện tử (chính quyền số) - xã hội số - kinh tế số. Đây là mục tiêu mà làng gốm truyền thống Bát Tràng phải quyết tâm thực hiện và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, trước sự đòi hỏi mạnh mẽ từ thực tiễn cuộc sống… Thực tế trong hai năm qua, xã đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản, phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps); lắp đặt wifi miễn phí... song sự phát triển này phải đảm bảo yêu cầu “hòa nhập nhưng không hòa tan”, phải bảo tồn, duy trì được những nét văn hóa riêng mà không phải nơi nào cũng có được.

    Năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Sau khi được công nhận là điểm du lịch, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Bát Tràng tăng gấp đôi vào những tháng cuối năm 2019. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên, lượng khách mua sắm, tham quan làng nghề tăng trở lại. Trung bình mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón từ 3.000 - 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm. Bên cạnh đó, Bát Tràng còn vận động người dân tham gia xây dựng nhiều công trình, sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Trong năm 2019 - 2020, một con đường gốm sứ trên tuyến đường đê sông Hồng qua xã đã được xây dựng với sự tham gia của các nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao. Cùng với đó, người dân cũng chung tay vẽ bích họa, xây dựng những “đoạn đường hoa nở” và thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách.

Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, còn gọi là “Bảo tàng gốm Bát Tràng”

    Để tiếp tục phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong xây dựng NTM, Bát Tràng cũng đang tập trung triển khai mô hình thôn, làng thông minh, theo đó xã sẽ xây dựng thôn 2 trở thành thôn thông minh với mô hình cộng đồng sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững, qua đó thu hẹp dần khoảng cách nông thôn với thành thị, từng bước cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn.

    Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội, công cuộc xây dựng NTM suy cho cùng đích đến vẫn là nâng cao được chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân, khi nhân dân đã hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn thì việc triển khai thực hiện không còn là chuyện khó. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để khẳng định vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự tiên phong của tổ chức Đảng cũng như sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân địa phương. Hy vọng thời gian tới, Bát Tràng và tất cả các đại phương khác của Gia Lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Cùng với đó, chăm lo đời sống văn hóa, giáo dục, sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… chung sức cùng Gia Lâm nói riêng, TP. Hà Nội nói chung hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lá cờ tiên phong trong công cuộc xây dựng NTM.

    Về Bát Tràng hôm nay, đi trên những con đường khang trang, sạch đẹp, trong cái nắng chói chang của mùa hè, hình ảnh một làng quê đang khoác lên mình tấm áo mới lại rực rỡ hơn bao giờ hết, như bừng lên sức sống từ kết quả của Chương trình xây dựng NTM mang lại. Đây sẽ là động lực, là hành trang để Bát Tràng tiếp tục nỗ lực và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong hành trình tiến tới nông thôn nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Gia Linh

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn