Banner trang chủ

Huyện Phúc Thọ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí đô thị sinh thái

06/11/2023

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Thọ, TP. Hà Nội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) là khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là nhân tố con người, quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành huyện NTM điển hình, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện thời gian qua và giải pháp, mục tiêu thời gian tới, nhất là nâng cao các tiêu chí về môi trường.

PV: Xin ông cho biết sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Phúc Thọ có những thay đổi như thế nào nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương?

Ông Nguyễn Đình Sơn: Xuất phát điểm bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ còn nhỏ lẻ, chưa phát triển, trước đó rất nhiều năm huyện là vùng phân lũ của tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội. Nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin và kỹ thuật mới. Kết cấu hạ tầng của huyện ít được đầu tư, chưa đồng bộ.

    Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chương trình mục tiêu tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện tới cơ sở; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn thực hiện Chương trình. Với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, đến nay sau hơn 10 thực hiện bộ mặt nông thôn của huyện đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2010, thu nhập của huyện bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 12% là một trong những huyện có thu nhập thấp nhất của Thành phố, số trường học đạt chuẩn quốc gia 2/71 trường, có 119/178 thôn có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn, qua rà soát đánh giá trên địa bàn 22 xã có 85 tiêu chí đạt, đặc biệt là tiêu chí môi trường chưa xã nào đạt. Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp - TTCN, dịch vụ giảm tỷ trọng nông ngiệp. Dự kiến 2023, ngành dịch vụ của huyện chiếm 32,7%, công nghiệp xây dựng 49,2%, nông lâm thủy sản 18,1% (năm 2010 là 34,2%); thu nhập bình quân đầu người 69,5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 0,1%, có 12 xã không còn hộ nghèo, 88 nhà văn hóa thôn được đầu tư đạt chuẩn theo quy định, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên 70%, 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn và có bác sỹ về công tác, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành và phát triển như vùng hoa xã Tam Thuấn, Tích Giang, vùng bưởi xã Vân Hà, Vân Phúc, Hiệp Thuận, vùng Chuối xã Vân Nam, có 6 Cụm công nghiệp đang được triển khai xây dựng trên địa bàn… nhân dân ngày một tin tưởng và hài lòng với sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và các cấp chính quyền.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn khai mạc tuần hàng tư vấn giới thiệu sản phẩm OCOP

PV: Môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê nông thôn, tạo mỹ quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Để nâng cao chất lượng tiêu chí này, UBND huyện đã triển khai giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Sơn: Trong những năm vừa qua nhằm tạo mỹ quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, UBND huyện đã triển khai nhiều nhiệm vụ từ huyện tới cơ sở như mô hình hàng cây thanh niên; Ngày thứ bảy tình nguyện; Ngày Chủ nhật xanh, đặc biệt phải kể đến cuộc vận động 3 sạch “Nước sạch, Môi trường sạch, Nông nghiệp sạch" được triển khai từ năm 2017 và Cuộc thi “Giữ gìn đường làng ngõ xóm thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được huyện tổ chức hàng năm đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Đến nay, nhiều thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã duy trì tốt nề nếp vệ sinh vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các xã, thị trấn đã thành lập tuyến đường tự quản do Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân quản lý đảm bảo xanh - sạch - đẹp. Ý thức về vệ sinh môi trường của người dân được cải thiện, hiện tất cả các xã, thị trấn đều có các đoạn đường tự quản, giao cho các tổ chức chính trị xã hội của xã quản lý duy trì vệ sinh và cải tạo cảnh quan.

    Hàng năm, huyện đều tổ chức từ 4-6 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, bóc dỡ vi phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Triển khai mô hình thu gom phế liệu, rác thải nhựa, giấy, bao bì, đặt thùng rác tại các sân chơi công cộng. Huy động nhân dân xây dựng các con đường nở hoa hoặc đường có tranh bích họa, chỉnh trang cảnh quan các khu vực trung tâm. Đến nay, bộ mặt cảnh quan nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc, nhiều tuyến đường trục chính, khu trung tâm của xã, thị trấn được phủ xanh bằng cây bóng mát và thảm hoa. Huyện hiện có 50.835m đường được trồng hoa, 4.748m đường có tranh bích họa.

PV: Được biết UBND huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận 2 xã (Võng Xuyên, Hát Môn) về đích NTM nâng cao năm 2023. Vậy đến nay công tác chuẩn bị có khó khăn gì không thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Sơn: Hiện nay, các xã Hát Môn và Võng Xuyên đang triển khai thông báo, công bố, công khai và lấy ý kiến của nhân dân về kết quả xây dựng NTM nâng cao để trình Ban Chỉ đạo huyện thẩm tra đánh giá và báo cáo Thành phố. Theo kế hoạch, đến hết tháng 10/2023 các xã sẽ hoàn thiện hồ sơ và huyện dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố thẩm định trong tháng 11/2023.

Mô hình Vườn sinh thái thôn Bốt Đá, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội

PV: Với phương châm “xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” huyện Phúc Thọ đã có những chuẩn bị như thế nào nhằm nâng cao các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, xứng tầm với điều kiện, tự nhiên của địa phương?

Ông Nguyễn Đình Sơn: Để xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng vùng trên địa bàn huyện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM huyện xác định khâu quy hoạch là quan trọng nhất, gắn với quy hoạch để có định hướng phát triển từng lĩnh vực của huyện. Hiện nay, huyện đang nghiên cứu triển khai lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.  Phát triển huyện Phúc Thọ theo định hướng đô thị sinh thái, thông minh, lấy thương mại dịch vụ, du lịch gắn với phát triển các đô thị sinh thái làm ngành kinh tế mũi nhọn; lấy nông nghiệp công nghệ cao làm nền tảng và lấy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làm động lực cho sự phát triển. Theo đó, quy hoạch vùng huyện Phúc Thọ thành 3 vùng phát triển gồm: Vùng 1: Phát triển đô thị sinh thái; Vùng 2: Phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp, làng nghề: tập trung phát triển tại các xã Ngọc Tảo, Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp và Sen Phương; Vùng 3: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm tại các xã vùng bãi nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất phù sa, màu mỡ, đồng thời khai thác và phát huy được lợi thế về địa hình, giá trị về cảnh quan ven Sông Hồng, Sông Đáy.

    Song song với công tác quy hoạch huyện tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng. Tăng cường công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, gắn phát triên làng nghề kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo Đề án 07 của huyện, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường đầu ra cho nông sản, sản phẩm OCOP của huyện. Thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp và huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang cảnh quan nông thôn theo hướng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Xây dựng huyện Phúc Thọ trở thành huyện NTM nâng cao, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn