Banner trang chủ

Hành trình vươn tới sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam: Nhiều lạ lẫm, thách thức nhưng cũng rất thú vị

15/08/2022

    Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại Hà Nội từ năm 2019 đã tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn địa phương. Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, việc tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương luôn được địa phương, các chủ thể chú trọng, góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, mang đặc sản, hình ảnh Hà Nội đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngày 22/7/2022, tại Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP cho 171 chủ thể với 595 sản phẩm được chứng nhận OCOP năm 2021. Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam vinh dự là một trong số 171 chủ thể trên địa bàn có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, gồm: Nước cất hoa hồng Karose; nước lau mặt hoa hồng Karose Pure; dầu ướp hoa hồng Karose Oil; mặt nạ hoa hồng Karose Mark; rửa mặt tẩy da chết hoa hồng Karose Face Scbub; xịt dưỡng tóc hoa hồng Karose Bub; nước gội đầu hoa hồng Karose Shine. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với bà Bùi Thị Thanh Hằng - Giám đốc Công ty về hành trình đến với sản phẩm OCOP của đơn vị. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện:

    PV: Chào bà, chúc mừng bà và tập thể Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam đã vinh dự được nhận Quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2021. Cảm xúc của bà lúc này như thế nào và bà có đánh giá gì đối với Chương trình OCOP Hà Nội?

    Bà Bùi Thị Thanh Hằng: Cảm ơn bạn! Trước tiên, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới UBND, Sở NN&PTNTT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội. Tôi rất vui khi 7 sản phẩm của Công ty (Nước cất hoa hồng Karose; nước lau mặt hoa hồng Karose Pure; dầu ướp hoa hồng Karose Oil; mặt nạ hoa hồng Karose Mark; rửa mặt tẩy da chết hoa hồng Karose Face Scbub; xịt dưỡng tóc hoa hồng Karose Bub; nước gội đầu hoa hồng Karose Shine) đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội chấm điểm đạt “4 sao” và công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021. Thành công này không phải của riêng cá nhân tôi, mà là công sức, tâm huyết của toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty trên hành trình dài đến với OCOP.

Bà Bùi Thị Thanh Hằng nhận Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Liên minh châu Âu và Canađa

    Tôi rất tự hào vì nhiều sản phẩm của mình đã được Chương trình OCOP đánh giá 4 sao, tôi càng tự hào và cảm động hơn nữa bởi sau bao năm bôn ba làm cho nhiều công ty, tổ chức quốc tế, tôi đã được trở về, cần mẫn trồng từng cái cây và sản xuất trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra - Xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tôi tin rằng nhiều người cũng giống như tôi, luôn đau đáu được xây dựng và đóng góp cho quê hương mình. Chương trình OCOP đã làm rất tốt công việc truyền cảm hứng lập nghiệp, phát triển kinh tế trên quê hương cho thế hệ trẻ.

    Tôi tin tưởng rằng, với chiến lược và tầm nhìn đúng đắn, Chương trình OCOP sẽ khích lệ chúng tôi nhiều hơn bằng việc góp ý kịp thời với Đảng và Nhà nước những vấn đề còn vướng mắc về chính sách hay hành lang pháp lý, giúp chúng tôi kết nối và giao lưu, học hỏi lẫn nhau, sát cánh cùng nhau xây dựng một quê hương Việt Nam tươi đẹp.

    PV: Từng là một luật sư nhưng cách đây 7 năm, bà đã bất ngờ rẽ sang một ngã mới - Làm nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông nghiệp, bà có thể chia sẻ đôi nét về cơ duyên đến với sản phẩm OCOP cũng như quá trình hình thành và phát triển của Công ty?

    Bà Bùi Thị Thanh Hằng: 7 năm trước, từ một luật sư thương mại làm cho các công ty đa quốc gia, tôi không bao giờ hình dung được rằng sự nghiệp của mình lại có ngày rẽ sang một ngã mới đầy lạ lẫm, thách thức nhưng cũng rất thú vị, đó là làm nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông nghiệp.

Bông hồng Vàng danh giá ghi dấu những nỗ lực của Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam

    Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam của chúng tôi tập trung phát triển các trang trại trồng hoa hồng cổ theo phương pháp hữu cơ, sản xuất mỹ phẩm hữu cơ và chưng cất các sản phẩm từ hoa bản địa. Karose là nhãn hiệu chúng tôi đã phát triển suốt 7 năm nay và đã may mắn có được lượng khách hàng tương đối ổn định. Chúng tôi là doanh nghiệp đi theo mô hình khép kín, tự chủ vườn từ nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm. Nhà xưởng của chúng tôi đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, chứng nhận bởi Sở Y tế Hà Nội. Toàn bộ các sản phẩm của chúng tôi đều được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, năm 2021, RosaValley là doanh nghiệp trồng hoa hồng đầu tiên và đến bây giờ vẫn là duy nhất ở Việt Nam được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Liên minh châu Âu, Canađa cho vườn hoa hồng nguyên liệu. Nhà xưởng và nhiều sản phẩm thành phẩm của chúng tôi cũng đạt được chứng nhận này.

    PV: Quá trình thực hiện Chương trình OCOP, Công ty có gặp thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức gì, thưa bà?

    Bà Bùi Thị Thanh Hằng: Chúng tôi có điểm khởi đầu khiêm tốn, chỉ vài nghìn m2 trồng hoa với đầy rẫy khó khăn về thị trường, chúng tôi đã bền bỉ bám trụ mục tiêu với đam mê và quyết tâm cao nhất để có ngày hôm nay. Tôi quan niệm doanh nghiệp dù nhỏ nhưng phải xinh, đi chậm nhưng phải chắc, đó cũng là lý do ngay từ đầu chúng tôi luôn cố gắng tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy định của pháp luật Việt Nam, sau này là tiêu chuẩn quốc tế. Với tôi, đó là hệ xương sống giúp doanh nghiệp chuẩn chỉ, phát triển khỏe mạnh và lâu bền.

    Trồng hoa hồng không phải nghề mới lạ ở Việt Nam, tuy nhiên trồng hoa hồng cổ để thu hái nguyên liệu và sản xuất mỹ phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế là điều rất khác biệt và mới mẻ, vì vậy, chúng tôi phải cẩn thận trong từng bước đi, để có được kết quả như ngày hôm nay. Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam là công ty sở hữu những trang trại hoa hồng cổ đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Liên minh châu Âu và Canađa, tiêu chuẩn này được đánh giá là uy tín và nghiêm ngặt nhất trên thế giới với việc kiểm soát hàng trăm chỉ tiêu trên cây trồng. Để đạt được Chứng nhận, bắt buộc các sản phẩm mang thương hiệu Karose của công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao từ khâu chọn giống, nguồn đất, nguồn nước, trồng trọt, kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại cho đến quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói và bảo quản. Toàn bộ quá trình trên tuyệt đối không được sử dụng hóa chất như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng hay cây giống biến đổi gen.

    Bước sang năm thứ 7 có mặt trên thị trường và năm thứ hai liên tiếp nhận Chứng nhận hữu cơ quốc tế, Karose đã nhận được sự tin dùng của hàng nghìn khách hàng, là những chị em phụ nữ thích chăm sóc làn da, mái tóc một cách tự nhiên và an toàn. Điều đó tạo nền móng cho một hướng đi bền vững, vừa giúp tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, vừa góp phần bảo tồn nguồn gen quý của hoa hồng cổ Việt Nam. Đây cũng chính là xu hướng góp phần duy trì sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Là doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam trồng hoa hồng và sản xuất mỹ phẩm từ hoa hồng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, chúng tôi hy vọng đây sẽ là gợi ý cho các làng nghề trồng hoa tại Việt Nam chọn một hướng đi an toàn, bền vững, khác biệt và có giá trị cao.

    ​PV: Chương trình OCOP là một quá trình, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, hơn nữa, thời gian các sản phẩm được công nhận giới hạn (36 tháng), vậy cá nhân bà có đề xuất/kiến nghị gì để góp phần thúc đẩy Chương trình ngày càng phát triển vững mạnh ở Hà Nội trong thời gian tới?

    Bà Bùi Thị Thanh Hằng: Tính đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm được công nhận OCOP, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Kết quả này là minh chứng rõ ràng, một lần nữa khẳng định OCOP là lựa chọn đúng đắn, là chương trình phát triển kinh tế với trọng tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Sản phẩm được công nhận OCOP là những sản phẩm đã được đánh giá theo Bộ Tiêu chí OCOP về tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và quan trọng nhất là về chất lượng sản phẩm như: Các chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo cũng như khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Các sản phẩm được công nhận OCOP năm 2021 của Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam

    Đặc thù công việc cho phép tôi được đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác là những người đến từ các nước khác nhau, tôi thấy thiên nhiên Việt Nam rất tươi đẹp, con người Việt Nam tài hoa, sắc sảo và chịu thương chịu khó. Một Chương trình tầm cỡ quốc gia như OCOP sẽ là cầu nối, tạo cảm hứng cũng như động lực cho người dân, nhất là thế hệ trẻ bắt tay khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” như hiện nay, qua đó giúp phát triển kinh kế khu vực nông thôn theo hướng bền vững và giàu giá trị. Đó đồng thời cũng là đòn bẩy quan trọng để mang đến một diện mạo nông thôn mới, thịnh vượng và ổn định.

    Có một điều tôi vô cùng tâm đắc khi tham gia Chương trình OCOP, đó là Bộ Tiêu chuẩn đánh giá của Chương trình. Nó phản ánh đầy đủ hết những gì một doanh nghiệp phải làm, nên làm và đảm bảo khi đã quyết tâm làm thì chắc chắn sẽ thành công. Để được công nhận, các sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí từ đủ minh chứng về chất lượng của cơ quan chức năng đến mẫu mã, bao bì, câu chuyện giới thiệu sản phẩm. Có thể nói, Chương trình OCOP như một cái khung giúp mỗi chủ thể hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào đang trong giai đoạn bắt đầu cũng nên tham khảo bộ tiêu chuẩn đánh giá này vì nó như một dàn ý rất rõ ràng, mạch lạc, giúp chúng ta biết phải làm gì và nên làm gì, từ đó sẽ có định hướng, đề ra kế hoạch để triển khai đạt kết quả cao nhất.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Gia Linh (Thực hiện)

(Trang báo có sự phối hợp của Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn