Banner trang chủ

Giữ gìn nghề truyền thống làng nghề hương đen thôn Xà Cầu

15/06/2023

    Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Nhắc đền làng nghề truyền thống Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sừng Thụy Ứng…; cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh… Ngoài những làng nghề kể trên, Thủ đô Hà Nội còn có làng nghề hương đen thôn Xà Cầu - nơi gìn giữ nghề làm hương tăm cổ truyền có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm tuổi.

    Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là nơi duy nhất còn giữ gìn nghề làm hương tăm truyền thống. Xã Quảng Phú Cầu có tất cả 6 thôn, trong đó có 5 thôn làm tăm hương, chỉ riêng thôn Xà Cầu nổi tiếng với nghề làm hương đen. Nén hương đen khác lạ được sản xuất 100% từ nguyên liệu thảo mộc tự nhiên với mùi thơm đặc trưng của nhựa cây trám rừng. Đó là một mùi thơm mát dịu tự nhiên, khác hẳn với các mùi hương trầm, hương bài, hương quế...

Hương đen thôn Xà Cầu rất an toàn với sức khỏe người tiêu dùng

    Trong sản xuất, người dân Xà Cầu luôn tâm niệm, hương là thế giới tâm linh nên các công đoạn làm hương phải đặc biệt sạch sẽ, nâng niu và trân quý trong từng thao tác làm hương. Với phương thức làm hương dân gian cổ truyền, người dân Xà Cầu đã làm ra những nén hương có màu đen tự nhiên và khi thắp lên có mùi hương đậm đà, thanh khiết. Mỗi nén hương làm ra thể hiện tâm nguyện trong sáng và đẹp đẽ của người dân nơi đây. Ý thức lao động và cái tâm của người làm nghề đã giúp cho hương đen Xà Cầu luôn giữ được nét đặc trưng về mùi thơm và màu truyền thống. Vật liệu đó là than của cây rừng trộn với nhựa trám, tăm hương được làm từ thân của cây tre non và không thêm bất kỳ hóa chất nào khác. Khi thắp lên, hương sẽ cho mùi thơm dịu nhẹ, không sực nức mà thoang thoảng, nồng nàn, đặc trưng của nhựa trám rừng. Vì vậy, sản phẩm của làng nghề rất an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Nhìn que hương mộc mạc là vậy nhưng để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì rất công phu. Trước hết là làm ra chân tăm. Những cây vầu, cây nứa được vót dưới bàn tay của người thợ hoặc đưa vào máy chẻ thành từng kích cỡ khác nhau, tuỳ vào yêu cầu của mỗi loại hương. Qua quá trình sàng lọc, mài dũa, các cây tăm này được đem đi nhuộm chân. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn, tăm hương sẽ được cột thành từng bó để vận chuyển đến nơi sản xuất hương. Trước khi đến với công đoạn se hương, người thợ phải trộn bột. Nhựa trám được lọc sạch tạp chất, rồi trộn với than hoa đã được nghiền mịn, tới khi được một hỗn hợp dẻo mịn mới đem xe với tăm hương. Hương làm xong được phơi từ 1 - 2 ngày là khô có thể dùng được. Từ khâu vót tăm, nhuộm chân, se hương đến phơi khô, đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Hương đen Xà Cầu có nhiều loại, loại lớn nhất có chiều dài 1m, loại nhỏ là 30cm. Kích cỡ chân hương cũng có nhiều loại, loại dài hơn được dùng để thắp trong đình, chùa. Còn loại chân hương nhuộm hồng với kích cỡ vừa vặn thường thấy được sử dụng trong gia đình vào các dịp lễ Tết hay ngày rằm. Trước kia hương đen Quảng Phú Cầu chủ yếu được làm bằng tay, tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên máy móc đã thay thế được nhiều công đoạn, nhất là công đoạn se hương nên sản phẩm làm ra càng ngày càng đáp ứng được thị hiếu khách hàng mà chất lượng và mùi thơm của hương vẫn được đảm bảo.

Những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu

    Năm 2016, Hợp tác xã Sản xuất hương làng nghề Xà Cầu được thành lập với sản phẩm hương đen Thủy Xuân Tiên. Được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội, sản phẩm hương đen Thủy Xuân Tiên đã được giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ với nhiều tỉnh, thành. Thành công lớn nhất của Hợp tác xã là gây dựng, phát triển được hệ thống các đại lý bán lẻ ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ riêng Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu, mỗi năm trung bình sản xuất từ 60 - 70 tấn, đặc biệt là vào những dịp cận Tết như thế này.Anh Nguyễn Tiến Thi - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu khẳng định, hương đen Xà Cầu nổi bật bởi mùi đặc trưng của nhựa trám rừng. Cây trám rừng được bà con đồng bào dân tộc cạo lấy mủ. Mùi thơm của mủ trám là một mùi hương ngát, đặc trưng. Đặc biệt, hương này làm từ thảo mộc nên không độc hại. Sau khi se hương xong, hương sẽ được phơi khô tự nhiên, nếu nắng to chỉ một ngày là được. Sau đó nhặt sạch đóng gói bao bì và xuất ra thị trường. Hương đen bóng đẹp và có thể bảo quản từ 2-3 năm.

Sản phẩm làng nghề được công nhận OCOP

    Hiện nay, hương Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn là mặt hàng quen thuộc ở nhiều thị trường khác trong và ngoài nước. Thị trường lớn nhất là Hà Nội, Thái Nguyên, Hoà Bình, Nam Định, ở khu vực miền Nam có TP. Hồ Chí Minh, An Giang… Để đưa sản phẩm của địa phương ngày một vươn xa, năm 2020, hợp tác xã đã đăng ký với huyện Ứng Hòa tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm: hương nén, hương vòng, hương nụ Thủy Xuân Tiên, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

    Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người dân xã Quảng Phú Cầu tranh thủ làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân ở địa phương. Để phát huy truyền thống làng nghề, để làng nghề tăm, hương xã Quảng Phú Cầu phát triển hơn nữa và để những cái tết của người dân Quảng Phú Cầu ngày càng no ấm, đủ đầy hơn, lãnh đạo xã Quảng Phú Cầu đã vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất và duy trì thương hiệu sản xuất làng nghề, vận động lớp trẻ của xã tiếp nối truyền thống ông cha góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, để những ngôi nhà, mái chùa Việt luôn nồng ấm hương thơm truyền thống mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Phương Linh

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn