Banner trang chủ

Gia Lâm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tạo tiền đề để huyện trở thành quận

03/07/2023

    Huyện Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP. Hà Nội, nơi giao thoa của 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, quê hương của 2 trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có vị trí địa lý rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu thương mại. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội và Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Gia Lâm đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, để triển khai kế hoạch xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2021 - 2025, huyện đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ đề ra

    Huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao

    Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, từ chỗ chỉ có 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí vào năm 2010, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… đến nay 20/20 xã của huyện đạt chuẩn NTM và năm 2018, Gia Lâm đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Bộ mặt nông thôn Gia Lâm ngày càng thay đổi

    Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện thành quận, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định xây dựng NTM phải được thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, hướng đến NTM phồn vinh, văn minh và hiện đại. Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm đã đoàn kết, đồng lòng, hướng tới thực hiện nhiều chương trình trọng điểm trong từng năm, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra. Cụ thể, huyện đã tập trung chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%, hệ thống trường học các cấp, trang thiết bị dạy học đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trạm y tế các xã, bệnh viện đa khoa huyện cũng được nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, hệ thống các thiết chế văn hóa ở các thôn, xã được tăng cường, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức. Các công trình nhà văn hóa ở nhiều xã đã được xây dựng khang trang sạch đẹp, công tác vệ sinh môi trường đã được quan tâm, các xã đều có tổ thu gom rác thải nên môi trường ở các xã đã có nhiều chuyển biến sạch vệ sinh hơn.

    Tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ trọng chăn nuôi thủy sản tăng, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi theo hướng tích cực. Đã và đang hình thành được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, vùng chăn nuôi thủy sản... Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng, góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo còn 0%; thu nhập bình quân/đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm; tổng số lao động trên địa bàn huyện là 27.450 người, trong đó có 20.038 lao động được đào tạo hầu hết lao động đều có việc làm…

    Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 12-CTr/HU của Huyện ủy Gia Lâm về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2020-2025”, trong năm 2022, các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện nỗ lực triển khai, đạt được những kết quả tích cực. Để triển khai Chương trình số 12-CTr/HU, trong năm 2022, Huyện ủy Gia Lâm đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, như: ban hành văn bản triển khai thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và phân công nhiệm vụ đối với các phòng, ban cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chủ động hướng dẫn các xã rà soát các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp theo quy định mới…Bên cạnh đó, tích cực thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật liên quan đảm bảo sâu rộng đến các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân. Thông tin đầy đủ về 19 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; 27 tiêu chí theo tiêu chuẩn của quận và 17 tiêu chí theo tiêu chuẩn của  phường, hiện trạng các tiêu chí đã đạt, chưa đạt của huyện và từng xã, thị trấn. Huyện ủy cũng định kỳ tổ chức giao ban kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc để tìm ra nguyên nhân, kịp thời chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh triển khai thực hiện các hiệu nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở chuyên ngành Thành phố rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các tiêu chuẩn thành lập quận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và các kiến nghị đề xuất với Ban chỉ đạo và UBND Thành phố tháo gỡ trong quá trình thực hiện.

    Nhờ những giải pháp chủ động, tích cực nên năm 2022, đối với tiêu chí thành lập quận, thành lập phường, huyện Gia Lâm đã đạt 28/31 tiêu chí thành lập quận (các tiêu chí chưa đạt: tiêu chí Trường THPT đạt chuẩn quốc gia tương ứng với tiêu chuẩn của huyện NTM nâng cao trở lên; tiêu chí công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị; tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị). Đối với tiêu chuẩn thành lập phường, tổng số tiêu chí đã đạt là 8/18 tiêu chí, hiện đang hoàn thiện phương án điều chỉnh địa giới hành chính các xã để thành lập phường và tính toán lại tiêu chí thành lập phường theo quy định. Kinh tế huyện đã phục hồi và phát triển. Năm 2022, huyện Gia Lâm hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao, 19/21 chỉ tiêu HĐND Huyện giao với một số kết quả nổi bật như: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,52% so với năm 2021; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 4.538 tỷ đồng, bằng 89,1% dự toán Thành phố và huyện giao, bằng 160,2% so với năm 2021; tổng chi NSNN ước đạt 3.033,3 tỷ đồng, bằng 123,2% dự toán Thành phố giao, bằng 96,4% dự toán huyện giao.

    Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hoàn thiện tiêu chí đô thị trong bộ tiêu chí thành lập quận, phường và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được tập trung thực hiện. Huyện đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, nhất là các dự án giao thông hạ tầng khung, dự án trường học. năm 2022, đã triển khai 242 dự án, hoàn thành và đưa vào sử dụng 132 dự án, trong đó, có xây dựng mới, xây dựng bổ sung phòng học và phòng học chức năng cho 21 trường học ; cải tạo, sửa chữa 5 trường học. Tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 43,2km đường giao thông hạ tầng khung, đường liên thôn, trụ thôn, ngõ xóm ; xây dựng 3 trung tâm văn hóa thể thao xã, 6 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và tu bổ, tôn tạo 13 di tích  lịch sử ; tiếp tục đầu tư xây dựng, kè 11 ao, hồ ; đầu tư xây dựng 8 vườn hoa, sân chơi. Đối với công tác xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 7 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; Hoàn thành hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận xã NTM kiểu mẫu vào năm 2022 đối với 3 xã: Phù Đổng, Dương Xá, Cổ Bi.

    Năm 2023, huyện Gia Lâm phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao và thực hiện hiệu quả Đề án thành lập quận, các phường, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện Gia Lâm sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng huyện thành quận, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn các xã, thị trấn chuyển thành phường. Song song với đó, triển khai nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành các doanh nghiệp mới trên địa bàn; Tiếp tục củng cố, duy trì các tiêu chí thành lập quận, thành lập phường đã đạt. Đồng thời, tập trung hoàn thiện tiêu chuẩn thành lập quận, phường chưa đạt gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

    Gắn xây dựng NTM với bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống

    Các làng nghề truyền thống ở Gia Lâm như Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020” nhằm tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng NTM gắn với công tác quản lý môi trường và phát triển du lịch, gắn với vấn đề tái cấu trúc làng nghề để thích nghi với hội nhập kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề; đảm bảo sự tăng trưởng ổn định lâu dài về mặt kinh tế và sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

    Đặc biệt, làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch; được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch. UBND huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; để các sản phẩm truyền thống, dịch vụ của Bát Tràng đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Gia Lâm là huyện có thế mạnh về các sản phẩm làng nghề truyền thống

    Nói về công cuộc xây dựng NTM của Gia Lâm thời gian qua, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội đưa ra hình ảnh ví von sinh động, đầy ý nghĩa: “HĐND, UBND là người thổi lửa, các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể là người truyền lửa, còn người dân chính là người giữ lửa”. Mục tiêu Gia Lâm trong thời gian tới là xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị (một số huyện phát triển lên quận), đây là điểm khác biệt lớn nhất so với các địa phương khác. Đặc biệt, việc hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao tại nhiều xã đã góp phần đưa vùng ngoại thành Hà Nội trở thành những miền quê đáng sống. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, ở đó các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.

    Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trên địa bàn; xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, Gia Lâm sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ tính chất, mục tiêu, tinh thần nhân văn của Chương trình xây dựng NTM; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; quán triệt quan điểm “xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.

    Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với văn hóa, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm sinh kế của người dân; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng thông qua việc tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực; duy trì và phát triển các tiêu chí đã đạt gắn với các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện, tạo bộ mặt đô thị văn minh, Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Châu Long

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn