07/09/2021
Thủ đô Hà Nội là Trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất của cả nước. Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn tăng trưởng 4,2%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Riêng với Chương trình mỗi nhà một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 1.000 sản phẩm OCOP, đây là con số rất lớn nhưng cơ bản Thành phố đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch, liên kết sản xuất theo chuỗi... TP. Hà Nội đã, đang tập trung nhiều hơn cho hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì hoạt động này càng cần đẩy mạnh, không chỉ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất tìm kiếm thị trường, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu nông sản, mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp Thủ đô... Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang tích cực tổ chức các gian hàng nông sản tại địa điểm đông dân cư, các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn Thành phố để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đồng thời, hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phân phối sản phẩm và khuyến khích phối hợp với các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ hình thành các kênh bán hàng trực tuyến, tiêu biểu như Công ty xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (Số 20 ngõ 63/30, đường Lê Đức Thọ, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây được xem là một trong những cây cầu kết nối giao thương, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Hà Nội đẩy mạnh phát triển kênh phân phối nông sản trực tuyến
Là một trong những đầu tàu kết nối quảng bá giao thương và tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản vùng miền nói riêng, bên cạnh việc công nhận, xếp hạng các sản phẩm OCOP, thời gian gần đây, TP. Hà Nội đang tập trung phát triển kênh phân phối nông sản trực tuyến; mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để giúp nông dân, các chủ thể sản xuất, kinh doanh có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Trong đó, hình thức livestream trên mạng xã hội được xem là giải pháp hữu hiệu để địa phương có thể quảng bá, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Livestream là phương thức bán hàng kiểu mới, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, giúp cho các chủ thể có thể đổi mới tư duy, quyết tâm tiếp cận với công nghệ mới để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách trực quan, hữu ích. Đây cũng là không gian để những nhà sản xuất, nông dân đích thực, dành cả tâm huyết và niềm đam mê của mình cho những sản phẩm, giới thiệu thông tin về sản phẩm, chia sẻ những chuyện nghề, giá trị nhân văn (văn hóa, con người). Đồng thời, là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng vừa có thể mua hàng trực tiếp, vừa có thể tương tác, trao đổi những thắc mắc, vấn đề quan tâm về sản phẩm.
Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội” gắn với Chương trình vận động ủng hộ Quỹ Vaccine
phòng Covid-19 của Chính phủ diễn ra ngày 6/6/2021 tại Hà Nội
Nhận thức được tầm quan trọng của đầu ra cho các sản phẩm OCOP, năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức thành công 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi sự kiện có sự tham gia của hàng trăm gian hàng cùng hàng nghìn nông sản, hàng hóa chất lượng từ khắp các vùng miền quy tụ tại Thủ đô đã mang lại hiệu quả tích cực nhiều mặt. Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội, đã có hơn 500 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được ký kết giữa các chủ thể, hộ sản xuất, kinh doanh với đại diện tổ chức, doanh nghiệp, nhà phân phối. Đăch biệt, nhằm kết nối, quảng bá các sản phẩm OCOP tiềm năng của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phía Bắc; 11 tỉnh thành khác trong cả nước, ngày 24/7/2020, tại Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua đó, hỗ trợ các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Mới đây, ngày 6/6/2021, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP. Hà Nội đã phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội” gắn với Chương trình vận động ủng hộ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ. Đây là cơ hội để các chủ thể tiệm cận làm quen với hệ thống thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc tổ chức sự kiện xuất phát từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm và sản phẩm OCOP có dấu hiệu bị đứt gãy, đe dọa trực tiếp đến các đơn vị sản xuất, đặc biệt là người nông dân. Đồng thời, cũng phù hợp với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đó là xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó, sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp, chủ thể OCOP, các đơn vị hữu quan nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp an toàn từ các địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở kết quả của đợt livestream lần này, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó, đề xuất với Thành phố và Trung ương cách thức tổ chức để chủ thể sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, chủ thể sản phẩm OCOP có thể tiếp cận thị trường với phương thức mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã rà soát, tổng hợp và cung cấp danh sách 455 chợ và 8.345 đơn vị tiêu thụ sản phẩm, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố, các điểm tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP để các đơn vị sản xuất lựa chọn kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng Online, Livestream. Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội cung cấp để các đơn vị sản xuất lựa chọn các chợ và điểm bán hàng trên địa Thủ đô để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống tại các điểm bán hàng cần tăng cường hình thức bán hàng Online, Livestream trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội, bố trí đội ngũ shipper chuyên nghiệp đáp ứng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và chỉ đạo phòng chống dịch của Thành phố. Liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP để đảm bảo nguồn hàng đảm bảo cung cấp ổn định. Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã rà soát, tổng hợp và cung cấp danh sách 402 đơn vị sản xuất nông, lâm thủy sản và 166 đơn vị sản phẩm OCOP để các đơn vị tiêu thụ sản phẩm lựa chọn kết nối, tiêu thụ sản phẩm đối với các đơn vị sản xuất.
Đặc biệt, nhằm giúp các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng bằng hình thức bán hàng Online, Livestream. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố đã phối hợp với Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 hỗ trợ các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí chương trình học bán hàng Online, Livestream để bán hàng nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội với thời gian 3 buổi/khóa học. Kết quả đến nay, đã tổ chức thành công 2 lớp học trực tuyến miễn phí bán hàng online, Livestream (lớp 1: ngày 10-11/8/2021; lớp 2: ngày 12-13/8/2021) cho 54 chủ thể đại diện đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận (50 chủ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội và 04 chủ thể thuộc tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên và Hà Giang) tham dự khóa học trực tuyến về chương trình học bán hàng Online, Livestream để bán hàng nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay.
Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố tiếp tục phối hợp với Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí chương trình học bán hàng Online, Livestream cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm có nhu cầu để bán hàng nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Ubofood Việt Nam - Cây cầu kết nối từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất
Ubofood là ứng dụng đặt thực phẩm Online - Người bạn đồng hành cùng những bà nội trợ thông minh thời 4.0. Ubofood đã kết nối từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất dựa trên tiêu chí: Minh bạch, đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn để mang đến cho khách hàng sự tiện lợi, nhanh chóng với những thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng nhất. Sản phẩm chủ đạo của Ubofood là thực phẩm đặc sản vùng miền, thực phẩm tươi sống như thịt lợn sinh học, thịt gà, thịt bò, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng gia cầm, gạo và thực phẩm khô, nhất là các sản phầm OCOP… Tất cả được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào, giống vật nuôi, thức ăn, cơ sở vật chất đến khâu giết mổ, chế biến dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng. Đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon và có giấy kiểm định nguồn gốc trước khi giao hàng.
Trong thời điểm giãn cách, phong tỏa, Ban Lãnh đạo công ty đã có những tính toán, đưa ra những quyết sách đúng đắn để đẩy mảnh bán hàng điện tử, online. Cụ thể, Ban Lãnh đạo nhận thấy kinh doanh online là xu thế tất yếu với nhiều những lợi thế và tính ưu việt của nó, mặc dù biết rằng kinh doanh bằng hình thức này đối với thực phẩm là điều rất khó khăn bởi thói quen mua bán truyền thống tại chợ của người dân và đặc thù của nhóm hàng hóa nông sản thực phẩm khó bảo quản. Song, với kinh nghiệm 15 năm kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm an toàn, Công ty đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các khâu trong quá trình vận hành, từ liên kết vùng sản xuất; Kho hàng tập kết trung chuyển; Điểm sơ chế đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Nền tảng phần mềm; Hệ thống giao vận để phục vụ khách hàng đến đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động và nhiệt huyết... Với những chuẩn bị đó, Ubofood Việt Nam sẵn sàng cung ứng những thực phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội mặc dù lượng tiêu thụ hàng hóa gấp 10 lần so với những tháng trước đó.
Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Việt Nam
Cây hỏi đặt ra là làm sao để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và Công ty đã đăng ký như thế nào để đội ngũ shipper được hoạt động vận chuyển hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm của Công ty đến tay người tiêu dùng? Câu trả lời là Ubofood phân phối thực phẩm từ nhiều đơn vị sản xuất lớn, có uy tín và chất lượng tại Việt Nam; Toàn bộ sản phẩm khi đưa lên App để cung ứng đều được xử lý qua các khâu kiểm duyệt rõ dàng về giấy tờ chứng nhậ cũng như chất lượng sản phẩm. Công ty tuyệt đối không nhập hàng không đảm bảo chất lượng và không rõ ràng về nguồn gốc. Về quá trình cung cấp, hàng hóa trước khi cung ứng đều được lưu mẫu hàng ngày; Quá trình sơ chế đóng gói đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn; Vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo sản phẩm được tươi ngon. Bên cạnh đó, Công ty luôn bố trí bộ phận giám sát chất lượng cũng như công đoạn vận chuyển khi cung ứng; có bộ phận chăm sóc khách hàng để tiếp nhận phản hồi và xử lý hàng hóa cho khách khi có lỗi. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên giao hàng và khách hàng, Công ty đã tuân thủ chặt chẽ những quy định về phòng, chống dịch của Chính Phủ, Thành phố Hà Nội. Công ty đã gửi danh sách nhân viên giao hàng lên Sở Công Thương để Sở Công Thương gửi Sở Giao thông vận tải cấp phép cho phép hoạt động giao hàng và cấp mã QR CODE phân luồng xanh cho ô tô chở hàng. Toàn bộ đội ngũ shiper đều là nhân viên giao hàng của Công ty, được tiêm phòng vacxin covid-19 đầy đủ và 3 ngày lại tiến hành Test nhanh 1 lần. Nhiều điểm bà con sản xuất không chủ động giao được hàng, Công ty đều phải tăng cường xe chuyển chở trực tiếp xuống nơi sản xuất vận chuyển hàng lên để kịp thời phục vụ cho nhân dân, tránh tình trạng đớt gãy chuỗi cung ứng.
Mặt khác, Ubofood rất quan tâm đến các sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của các địa phương, chính vì vậy mà các sản phẩm OCOP đáp ứng được các tiêu chí trong quá trình cung ứng về nguồn hàng, giá bán, cung ứng đều có thể đưa lên App Ubo để phục vụ cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Hiện Ubofood cũng đã có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như: Thịt lợn sinh học của Hợp tác xã Hoàng Long đạt sản phẩm 4 sao; Sản phầm mỳ miến OCOP 4 sao của Công ty Thực phẩm Minh Dương; Sản phẩm trà xạ đen của Công ty CP MDQueen...
Ông Đỗ Hoàng Thạch đại diện Công ty tham dự và ký kết hợp tác giao thương tại Hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP, tổ chức ngày 26/6/2020 tại Hà Nội
Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Việt Nam chia sẻ, Chương trình OCOP của TP. Hà Nội rất ý nghĩa đối với cả 3 nhóm chủ thể chính trong chuỗi liên kết: Nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Trong đó, trước khi có Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chưa có tên tuổi và giá trị phân phối, các sản phẩm rất manh nha và nhỏ lẻ. Thông qua Chương trình, các sản phẩm được hướng dẫn về quy trình, thủ tục công nhận sản phẩm OCOP, gắn nhãn mác, quy chuẩn cho các sản phẩm, góp phần tạo nên giá trị cho hàng hóa của Thủ đô. Đối với những nhà phân phối, Chương trình OCOP đã tạo điều kiện để họ kết nối với các sản phẩm chất lượng được chứng nhận, có thương hiệu; đồng thời, giúp họ tìm kiếm cơ hội tổ chức, phân phối những sản phẩm này ra thị trường. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm tốt, chất lượng đã đến gần hơn với người tiêu dùng, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, bởi họ có thể kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm OCOP. Ông cho biết, hiện Công ty CP Ubofood Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ việc cung ứng sản phẩm OCOP tới người dân Thủ đô tại các khu đô thị, khu chung cư, các đơn vị công sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội thông qua App Ubofood, Website, Fanpage, Youtube hay bán hàng trực tuyến qua hình thức livestream.....
Trong một tháng trở lại đây, nhu cầu mua thực phẩm qua hình thức online tăng cao, chính vị vậy mà các khách hàng tự tải App và đặt hàng tăng nhanh gấp 10 - 15 lần, doanh thu của Công ty tăng lên khoảng 10 lần so với những tháng trước đó. Đội ngũ nhân viên của Công ty hoạt động với công suất trên 200%, mặc dù rất vất vả song niềm vui được nhân lên gấp bội lần, không phải do doanh số tăng cao mà là do nền tảng online Ubofood do Công ty xây dựng trong rất nhiều năm đã phát huy được giá trị cho cộng đồng như: Cung ứng được phong phú nguồn thực phẩm an toàn chất lượng với giá bình ổn; Giúp người dân đi chợ dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi, không phải tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc, góp phần phòng chống lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, Công ty đã góp phần hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân sản xuất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay.
Gia Linh
(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố Hà Nội)