22/03/2023
Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề”, trong đó có 43 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Sự phát triển của các làng nghề những năm qua đã mang lại lợi ích kinh tế, đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng NTM và nâng cao đời sống người dân địa phương, cũng từ đây những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống ngày càng được trân trọng, gìn giữ và bảo tồn.
Giải quyết “bài toán” lao động làng nghề và nông nghiệp trong xây dựng NTM
Thống kê của huyện Phú Xuyên cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 154 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển, trong đó có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Toàn huyện có 22.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chiếm 39%, số lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 41.000 người, chiếm 40%. Thu nhập từ làng nghề đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm... Các làng nghề của huyện Phú Xuyên hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ với 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những “phố nghề” sầm uất như: Túi xách xã Sơn Hà, giày da xã Phú Yên, nghề may xã Vân Từ…
Huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Phú Xuyên đã tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ một cách kịp thời, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết bài toán lao động hài hòa giữa làng nghề truyền thống và sản xuất nông nghiệp. Huyện đã đẩy mạnh ứng dụng mô hình công nghệ cao, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Đồng thời chú trọng đầu tư, đưa cơ giới hóa nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ cấy bằng máy chiếm 25 - 30%; phát triển một số vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, theo chuỗi liên kết… Tuy nhiên, với đặc thù là huyện có nhiều làng nghề, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, Phú Xuyên đã gặp không ít khó khăn trong những năm qua khi giải “bài toán” vừa phát triển làng nghề, vừa phát triển nông nghiệp hiệu quả.
Để giải quyết hài hòa lao động địa phương, từ năm 2016, toàn huyện đã sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa 210 km đường trục xã, liên xã với kinh phí 736,2 tỷ đồng; 125 km đường trục liên thôn, kinh phí 285 tỷ đồng và 115 km đường ngõ xóm, kinh phí 241,4 tỷ đồng. Đồng thời, huyện đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của Thành phố mở 521 lớp với 16.574 học viên tham gia; huy động một số doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho nông dân. Sau khi dạy nghề xong, người lao động được bố trí trực tiếp làm các sản phẩm nghề nhập cho doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt hơn 85%, trong đó một số mô hình nghề đào tạo được nhân rộng và phát triển đã mang lại thu nhập tốt cho người dân. Một điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Phú Xuyên là huyện đã thực hiện dồn đổi được 9.060 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830 ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao 400 ha, thủy sản 300 ha, rau an toàn xã Minh Tân 159 ha, rau cần Khai Thái 30 ha, bưởi thồ Bạch Hạ 40 ha… Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình đầu người tăng cao, đến hết năm 2020, ước đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 lần so với năm 2010) và năm 2021 đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Ngoài việc chú trọng đầu tư nguồn kinh phí thích hợp, huyện đã đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã làm “đầu kéo” phát triển nông nghiệp cũng như các làng nghề. Trong đó, nhiều mô hình hợp tác xã phát triển hiệu quả đã giúp Phú Xuyên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Toàn huyện hiện có 73 hợp tác xã đã chuyển đổi hoặc thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Mô hình liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, diện mạo nông thôn huyện Phú Xuyên ngày càng giàu đẹp, văn minh; kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tổng thu ngân sách năm 2020 của huyện đạt 1.893,116 tỷ đồng (tăng 13,3 lần so với năm 2010), 25/25 xã đạt chuẩn NTM và ngày 25/4/2022, Thủ tướng Chính phủ dã ký Quyết định công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn NTM năm 2020. Ngày 18/6/2022, chính quyền, nhân dân huyện Phú Xuyên đã long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên phấn đấu thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng NTM với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định, so với các huyện, thị xã của TP. Hà Nội, huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương khi bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước, giờ đây, Phú Xuyên đã khoác lên mình tấm áo mới, với nhiều thành tựu nổi bật. Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5 - 6 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,15%. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Thành phố; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Phú Xuyên, toàn huyện đã triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XV, XVI) và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ là động lực, là nguồn động viên vô giá, là hành trang để Phú Xuyên tiếp tục nỗ lực và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong hành trình tiến tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Kế thừa những kết quả đã đạt được, trên tinh thần xác định mục tiêu xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi về đích NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cụ thể, UBND huyện đã phê duyệt Đề án hoàn thành NTM nâng cao năm 2022 đối với 3 xã: Đại Thắng, Tri Trung, Phúc Tiến. Theo đó, Đảng uỷ 3 xã: Đại Thắng, Tri Trung, Phúc Tiến đã xây dựng chương trình công tác, ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao. Ban chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao các địa phương thường xuyên tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các tiêu chí; đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Công tác xây dựng NTM nâng cao tại 3 xã đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân thông qua những đóng góp về vật chất, những việc làm cụ thể nhằm hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua như Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Các xã không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Để phấn đấu đạt tiêu chí xã NTM nâng cao trong năm 2022, xã Tri Trung tích cực huy động các nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; đường liên thôn được cứng hoá. Trường tiểu học đã được Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận trường đạt chuẩn mức độ 2. Xã đã xây dựng Trung tâm văn hóa xã với diện tích 8.800 m2 chuẩn bị đưa vào sử dụng; 2/2 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,05%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 64,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,14%.
Đoàn thẩm định làm việc tại xã Đại Thắng
Tại xã Đại Thắng, địa phương đã tập trung đầu tư, từng bước đồng bộ cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, trường học. Diện mạo nông thôn xã có nhiều khởi sắc, xã đã xây dựng được nhiều tuyến đường hoa, tranh bích họa, tạo diện mạo Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp. Toàn xã có 4/4 thôn đều có Nhà văn hóa đảm bảo theo quy định. Trung tâm văn hoá thể thao xã đang được thi công xây dựng riêng biệt với diện tích 16.000 m2. Thực hiện công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tạo điều kiện để các nghành nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ kim khí, dịch vụ phát triển, nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ vào SXKD. Cụm công nghiệp làng nghề xã Đại Thắng đến nay đã cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Đối với xã Phúc Tiến, cùng với nguồn vốn quan tâm đầu tư của cấp trên, xã đã huy động kinh phí xã hội hoá, vận động nhân dân đóng góp để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn và nhiều công trình giao thông thủy lợi nội đồng được đầu tư cứng hoá, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, đi lại của nhân dân. Trong tiêu chí Giáo dục, trường học 3 cấp trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp; trường tiểu học Phúc Tiến đang hoàn thiện các hạng mục xây dựng để đề nghị đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 trong năm 2023.
Ngày 2/3/2023, Đoàn thẩm định NTM Thành phố Hà Nội do đồng chí Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM nâng cao tại 3 xã là xã Tri Trung, Đại Thắng và xã Phúc Tiến của huyện Phú Xuyên. Ghi nhận những kết quả xây dựng NTM nâng cao tại 3 xã trong thời gian qua, ông Ngọ Văn Ngôn cho rằng, kết quả của xây dựng NTM, NTM nâng cao tại đây đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt. Đối chiếu với hướng dẫn đánh giá, chấm điểm xã NTM nâng cao, 3 xã: Tri Trung, Đại Thắng và Phúc Tiến, đều đủ điều kiện hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2022.
Có thể thấy, là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, lại có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, là một trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô với những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Vượt khó đi lên, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với nòng cốt là các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đã tiếp thêm sức mạnh, để toàn huyện Phú Xuyên nỗ lực chuyển mình. Những kết quả tốt đẹp nêu trên cho thấy Phú Xuyên đang đi đúng hướng trong hành trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và hoàn thành xây dựng huyện NTM một cách thực chất, bền vững.
An Vi
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)