30/10/2018
Nằm cách TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hơn 30 km, Mường Phăng là một trong 25 xã của huyện Điện Biên và là 1 trong 4 xã nằm ngoài khu vực lòng chảo Mường Thanh. Với đặc thù là xã thuộc diện 135, nên việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa bàn rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và sự chung tay của bà con các dân tộc trên địa bàn, Chương trình NTM ở Mường Phăng đã có những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Khi Đề án Quy hoạch xây dựng NTM được phê duyệt, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động đến nhân dân một cách sâu rộng với nhiều hình thức, phong trào như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Xóa nhà tạm”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… Người dân các dân tộc Thái, Mông, Khơ-mú, Kinh… trên địa bàn xã đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng, nhiều gia đình đã đóng góp sức người, sức của, đặc biệt là việc hiến đất, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên bản, kết nối mạng lưới giao thông trên địa bàn thông suốt, đảm bảo việc đi lại, trao đổi thông thương hàng hóa.
Nhiều ngôi nhà sàn khang trang được người dân xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đầu tư xây dựng. Ảnh: dic.gov.vn
Đến nay, diện mạo kinh tế nông thôn ở Mường Phăng đã có những thay đổi đáng kể. Tổng sản lượng lương thực của xã đạt hơn 2.560 tấn/năm, bình quân đầu người đạt 5,3 tạ/người/năm, người dân ở các thôn, bản không còn phải thiếu đói vào những tháng giáp hạt. Xã còn trồng được khoảng 300 ha cây lấy bột (sắn, ngô, rong giềng…), gần 40 ha rau màu, 25 ha cây ăn quả, hơn 63 ha nuôi thủy sản… tạo nguồn lương thực tại chỗ bền vững và xuất ra ngoài thị trường. Ngoài chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế bằng các mô hình nuôi cá thương phẩm; nuôi lợn rừng, nhím; trồng cây hồng xiêm, mắc coọc, mận.., địa phương còn chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế, nhất là khai thác tiềm năng du lịch. Những năm qua, du khách trong và ngoài nước đến Mường Phăng ngày càng đông; những dịp 30/4, 1/5, 7/5 hằng năm, Mường Phăng đón hơn 2.000 lượt du khách/ngày, chiếm gần 40% khách du lịch đến với Điện Biên trong các ngày lễ lớn.
Xã đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở với 20/26 thôn, bản đạt bản làng văn hóa; hơn 710 hộ đạt danh hiệu “5 không 3 sạch” (chiếm hơn 64% số hộ toàn xã). Nhiều bản làng văn hóa truyền thống của người Thái được bảo tồn, phục dựng thành công và trở thành "kiểu mẫu" trong phát triển du lịch cộng đồng; các nghề rèn, dệt thổ cẩm được phục dựng, bảo tồn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. So với những năm trước, đời sống của người dân Mường Phăng hôm nay đã đổi thay, nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là hơn 43% thì nay giảm xuống còn dưới 18%.
Xã phấn đấu đến cuối năm 2018, đạt chuẩn NTM với việc hoàn thành 3 tiêu chí còn lại, tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, thu nhập tăng lên 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 12%. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đến các thôn, bản; huy động các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật về sản xuất và phát triển kinh tế; hỗ trợ xây dựng gần 70 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.
An Vi