Banner trang chủ

Vùng căn cứ cách mạng KBang quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới

05/08/2020

 

    Sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, diện mạo nông thôn vùng căn cứ cách mạng KBang, tỉnh Gia Lai đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã có 4/13 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại bình quân đạt 15 tiêu chí.

Đặt ra kế hoạch dài hơi

    Là vùng căn cứ cách mạng và giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng KBang vẫn là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Được Chính phủ chọn là địa phương xây dựng thí điểm mô hình NTM giai đoạn 2011 - 2020, cuối năm 2010, UBND huyện KBang đã tổ chức khảo sát thực trạng nông thôn tại 13/13 xã trên địa bàn. Kết quả, cơ cấu kinh tế nông thôn của các địa phương lệch về ngành nông nghiệp với 49,3%; tiểu thủ công nghiệp, làng nghề - một trong những thế mạnh của kinh tế nông thôn nhưng chỉ chiếm 24,86%; thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 7,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 52% (cao gấp 1,88 lần tỷ lệ nghèo toàn tỉnh)… Thời điểm này, KBang cũng không đạt tiêu chí nào trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhất là các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, nhà ở, thu nhập, y tế, môi trường… Thực trạng kinh tế - xã hội nông thôn KBang đặt ra yêu cầu đối với các cấp chính quyền là phải có kế hoạch phát triển bài bản và thực hiện một cách toàn diện.

    Tổng vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM ở KBang trong 10 năm (2011 - 2020) là 2.675,622 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 477,317 tỷ đồng (chiếm 17,84%); vốn từ các chương trình, dự án khác là 630,349 tỷ đồng (chiếm 23,56%); vốn do doanh nghiệp hỗ trợ là 511,194 tỷ đồng (chiếm 19,11%); vốn tín dụng là 804,922 tỷ đồng (chiếm 30,08%) và vốn do nhân dân đóng góp là 251,839 tỷ đồng (chiếm 9,41%). Với nguồn vốn đầu tư lớn, KBang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 13/13 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống cho người dân…

    Về kế hoạch thực hiện, KBang triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp: Rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng NTM; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; phát triển văn hóa, xã hội và BVMT; củng cố, nâng cao vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được xem là nhóm giải pháp có tính đột phá, vì vậy, huyện dành 946,5 tỷ đồng để xây dựng 227 công trình giao thông; gần 250 tỷ đồng cho 39 công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương;150 tỷ đồng xây mới 13 chợ nông thôn, hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hơn 11 nghìn ngôi nhà... Về nhóm giải pháp phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, KBang xác định mục tiêu đến cuối năm 2020, cơ cấu kinh tế sẽ là: Nông - lâm nghiệp chiếm 35,96%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (35,22%) và dịch vụ (28,82%), nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 15,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3,5 lần so với mức bình quân chung của tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 - 5% mỗi năm. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, phấn đấu tất cả các xã đều đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM và được công nhận phổ cập giáo dục trung học phổ thông; đạt chuẩn quốc gia về y tế; có nhà văn hóa, bưu điện, điểm internet… Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng luôn được huyện KBang quan tâm trong quá trình xây dựng NTM. Hiện toàn huyện có 99% hộ gia đình được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh thường xuyên; 100% thôn, làng được quy hoạch khu nghĩa địa phù hợp với phong tục tập quán của người dân và đảm bảo hợp vệ sinh; khoảng 58% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; công tác thu gom rác thải rắn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được quan tâm thực hiện, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.

NTM góp phần tiếp thêm sức mạnh cho KBang tạo bước đột phá

 

NTM góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở KBang

 

   Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đến với vùng đất khó KBang đã tiếp thêm sức mạnh để địa phương tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tính đến cuối năm 2019, KBang đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 380 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2018); thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 940 tỷ đồng, (vượt 4% kế hoạch); tổng thu ngân sách đạt gần 620 tỷ đồng (vượt hơn 56% kế hoạch đề ra và tăng 20,5% so với năm 2018)… Về kết cấu hạ tầng, gần 430 km đường giao thông được cứng hóa; 34 công trình thủy lợi, hồ chứa các loại được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 80% diện tích sản xuất; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 98%; hơn 68% cơ sở dạy học được đầu tư đạt chuẩn, khắc phục tình trạng thiếu phòng học, không còn phòng học tạm bợ, tranh tre, nứa lá; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52% (năm 2010) xuống còn dưới 8% (năm 2019); thu nhập bình quân đầu người từ 7,7 triệu đồng/người/năm (năm 2010) hiện đã tăng hơn 15,5 triệu đồng/người/năm.

    Cùng với đó, xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thời gian qua, huyện KBang đã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với nhu cầu thị trường nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, đã có trên 900 ha đất kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả các loại như cam, quýt, chuối, ổi, nhãn, vải, mít, sầu riêng, bơ, xoài, mắc ca… Đồng thời, địa phương đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp uy tín về liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó phải kể đến việc liên kết với Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Nhà máy đường An Khê, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Nguyễn Quang, Công ty CP dâu tằm tơ Mang Yang… sản xuất và bao tiêu hàng chục nghìn ha mắc ca, cây dược liệu, cây ăn quả, mía, mỳ, dâu tơ tằm… mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân. Ngoài ra, huyện KBang còn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều giá trị lịch sử, danh lam thắng cảnh. Hiện địa phương đã hoàn thành các tuyến đường từ Trường Sơn Đông đi trung tâm xã Krong; đường vào Khu di tích lịch sử Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu; đường vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; đường trục xã Đak Rong vào thác Kon Bông; đường vào xã Kon Pne; đường vào thác Hang Dơi… Đây chính là điều kiện thuận lợi để KBang kêu gọi đầu tư, khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển toàn diện.

   Có thể thấy, chặng đường gần 10 năm chung sức, đồng lòng xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã mang lại những giá trị tương xứng, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp đang đến gần với người dân nơi đây và KBang sẽ sớm cán đích NTM theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

 

Nguyễn Ngọc Hải - Phan Tuấn Vũ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

Ý kiến của bạn