Banner trang chủ

Tam Đường: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng

31/05/2019

     Tam Đường là huyện đầu tiên được tỉnh Lai Châu lựa chọn để triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) và sau gần 5 năm, môi trường nông thôn của huyện đã thực sự đổi thay, 97,839 km đường trục bản; 8,879 km đường nội bản; 6,65 km đường trục xã; 33,813 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa; các công trình như điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng... Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và văn hoá truyền thống đặc trưng của các dân tộc, các cấp chính quyền địa phương khuyến khích những xã có thế mạnh về du lịch gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo diện mạo NTM mang tính kiểu mẫu, thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Hiện tại, toàn huyện có 5/13 xã đạt chuẩn NTM; 117 bản có điện sáng nông thôn đến tận ngõ bản, trục bản; 42 bản nông thôn xanh, sạch, đẹp, trong đó, 3 bản đã thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với phát triển DLCĐ.

 

Cổng vào bản Lao Chải 1, xã Khun Há

 

     Bản Lao Chải 1, xã Khun Há là một trong 3 bản của huyện Tam Đường đang thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với phát triển DLCĐ. Trước đây, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, khi có chủ trương xây dựng NTM, chính quyền địa phương đã vận dụng tối đa các nguồn lực, chương trình, dự án hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; tổ chức cho người dân đi tham quan các bản làm DLCĐ trong tỉnh, tận mắt thấy được hiệu quả từ việc làm DLCĐ và chương trình xây dựng NTM, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong toàn dân. Kết quả, 36/36 hộ gia đình trong bản đã thống nhất nộp 1,5 triệu đồng/hộ, trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng và hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng đường giao thông nội bản; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; chủ động xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn và có bãi chăn thả gia súc riêng biệt; trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường, gắn trách nhiệm bảo vệ và giữ vệ sinh môi trường cho từng hộ gia đình. Không những thế, người dân còn cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, loại bỏ một số phong tục, tập quán cổ hủ. Đến nay, 8/15 bản của xã Khun Há có môi trường xanh, sạch, đẹp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4 - 5% mỗi năm. Từ kết quả đã đạt được, địa phương mạnh dạn xây dựng kế hoạch tập trung vào các bản có điều kiện thuận lợi, hướng tới hình thành tua DLCĐ khám phá bản sắc của đồng bào dân tộc Mông; thành lập ban quản lý để hướng dẫn và thực hiện phát triển du lịch một cách bài bản, hiệu quả, thực sự mang lại nguồn thu trực tiếp cho người dân. Đây là tiền đề cho việc phát triển DLCĐ của xã Khun Há nói riêng, huyện Tam Đường nói chung.

     Không chỉ ở Khun Há mà lãnh đạo một số xã khác như Bản Bo, Hồ Thầu, thị trấn Tam Đường cũng đang khuyến khích người dân xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với phát triển DLCĐ. Với 62 hộ dân và 100% là đồng bào Dao sinh sống, bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, cùng nhiều tiềm năng du lịch mạo hiểm từ đỉnh núi PuTaLeng, thác Tác Tình… Từ những lợi thế đó, năm 2017, bản Sì Thâu Chải được huyện Tam Đường lựa chọn để phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu. Chính quyền các cấp đã dành nhiều nguồn lực đầu tư đường giao thông nội bản, hàng rào đá, nhà văn hóa, trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo cảnh quan trong bản. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp; khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống, tạo ra nguồn sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách tham quan; trang hoàng lại nhà cửa. Chi hội Phụ nữ thôn cũng tổ chức quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm 3 lần/tuần; các hộ dân chủ động di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà, làm công trình vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa; lấy trồng trọt làm mũi nhọn, trong đó chú trọng các mô hình trồng địa lan, quy hoạch vùng tập trung 8 ha trồng lê, hồng, sơn tra... Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17 triệu đồng/người; hệ thống đường bê tông đến từng nhà hoàn thành, nếu trước đây đường đến các bản được ví như ốc đảo thì nay bà con có thể đi xe máy đến tận nương và dễ dàng vận chuyển hàng hóa nông sản xuống TP. Lai Châu buôn bán. Cuối năm 2017, bản Sì Thâu Chải đã hoàn thành 9 tiêu chí trong xây dựng NTM, được công nhận là bản DLCĐ, thu hút hơn 10 nghìn lượt khách du lịch.

 

Bà con bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) tham gia quét dọn, giữ gìn vệ sinh bản làng

 

     Để xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với phát triển DLCĐ trong thời gian tới, huyện Tam Đường sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, mời doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đến tham quan và tham gia góp ý vào phát triển DLCĐ; tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết cùng bà con phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức cho các xã, bản khác tham quan, học hỏi mô hình xây dựng NTM gắn với phát triển DLCĐ tại các điểm bản hiện nay đã có hiệu quả như: bản Lao Chải 1 (xã Khun Há), bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), bản Phiêng Tiên (xã Bản Bo); tập trung các nguồn lực để hỗ trợ bà con xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; quy hoạch và hướng dẫn bà con xây dựng bản đẹp hơn; tăng cường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; tạo điều kiện cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, kể cả các trường chuyên nghiệp chưa có việc làm sang các vùng có điều kiện tương đồng như Sa Pa (Lào Cai) để học ngoại ngữ, cách phục vụ, hướng dẫn du lịch... phục vụ cho công tác phát triển du lịch tại địa phương.

     Có thể thấy, phong trào xây dựng bản NTM kiểu mẫu kết hợp với phát triển DLCĐ đang là sự lựa chọn hiệu quả của nhiều bản có thế mạnh du lịch ở Lai Châu. Tuy nhiên, để làm du lịch bền vững gắn với xây dựng NTM, BVMT thì huyện Tam Đường cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân và chú trọng công tác đào tạo nguồn lực tại chỗ; ưu tiên các nguồn lực, hỗ trợ của doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực này.

 

Trương Thị Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

Ý kiến của bạn