23/12/2019
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng những nỗ lực vận động nông dân địa phương thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ và BVMT, ông Phan Đình Xuân, sinh năm 1955, trú tại thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành người đi đầu và truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.
Là một quân nhân từng tham gia chiến trường miền Nam từ năm 1974, sau giải phóng, ông Phan Đình Xuân tiếp tục công tác trong Đoàn Kinh tế Quốc phòng tại tỉnh Đắk Lắk. Quá trình làm việc gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhận thấy bà con nông dân còn canh tác theo kiểu lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, tác động trực tiếp đến năng suất cây trồng và sức khỏe con người. Vì vậy, ông Xuân đã nung nấu ý tưởng về việc phát triển nền nông nghiệp sạch, nhằm bắt kịp xu hướng canh tác trong thời đại mới là thuận theo tự nhiên, tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ, an toàn cho người sử dụng và BVMT. Năm 2002, ông đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Khuyến nông thôn 8, xã Ea Ô gồm 12 thành viên với mục đích trao đổi kinh nghiệm sản xuất, liên kết trong phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mục tiêu chiến lược của các thành viên trong Câu lạc bộ là hiện thực hóa khẩu hiệu “ba giảm, ba tăng”, bao gồm: Giảm phân bón, chất hóa học, số lượng giống cây trồng (3 giảm); tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế (3 tăng).
Ông Phan Đình Xuân chăm sóc vườn cây dược liệu theo phương pháp canh tác hữu cơ
Không chỉ nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm của các thành viên trong Câu lạc bộ, ông Xuân còn tăng cường vận động nông dân trong và ngoài tỉnh thay đổi phương thức canh tác. Kết quả, hoạt động của Câu lạc bộ Khuyến nông thôn 8, xã Ea Ô đã mang lại hiệu quả cao khi các thành viên gặt hái được nhiều thành công từ canh tác hữu cơ trên vườn cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác. Mặc dù hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng cây trồng, sản lượng đều phát triển ổn định và bền vững, quan trọng hơn là môi trường đất, nước được bảo vệ khi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… Có được nền tảng vững chắc từ kiến thức, kinh nghiệm đến điều kiện kinh tế, năm 2007, sau khi về hưu, ông Xuân tiếp tục thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Nhất gồm 9 thành viên, với mục tiêu đưa những sản phẩm nông nghiệp sạch đặc thù của địa phương như cà phê, hồ tiêu, măng tây, cam, quýt, gạo tím, chè thảo dược… đến với người tiêu dùng trong cả nước. Trong đó, sản phẩm gạo tím thảo dược hiện đạt khoảng 20 tấn/năm, giá thành đầu ra khá tốt, khoảng 60.000 đồng/kg nên thu nhập của người dân đảm bảo và ổn định. Hiện Hợp tác xã cũng đang tham gia thử nghiệm sản xuất thêm các loại sản phẩm chế biến khác như bột, bánh từ đặc sản gạo tím thảo dược để giới thiệu ra thị trường. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Hợp Nhất còn là điểm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp dịch vụ cây, con giống về trồng trọt và chăn nuôi cho những nông dân có đam mê, mong muốn theo đuổi sản xuất nông nghiệp sạch. Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã đón gần 7.000 lượt khách đến tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, đáng chú ý, nhiều người sau khi tham quan, được tư vấn đã thay đổi cách canh tác và thành công với sản phẩm nông nghiệp sạch.
Ông Phan Đình Xuân (thứ 3 từ phải sang) tại Lễ vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”
Từ những đóng góp cho cộng đồng, ông Phan Đình Xuân xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo về tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm cùng nông dân thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, vì sức khỏe con người và an toàn cho môi trường sống. Thời gian tới, ông Xuân sẽ không ngừng cố gắng và hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân, tạo sự kết nối giữa các vùng, miền, giữa các nông dân giỏi với nhau. Đồng thời, cổ vũ nông dân phát huy sáng kiến, sự sáng tạo trong tổ chức sản xuất, để ngày càng có thêm nhiều tấm gương điển hình, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Nguyễn Văn Luyện
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)