Banner trang chủ

Môi trường là tiêu chí mấu chốt đánh giá chất lượng nông thôn mới

05/11/2018

     Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn đã đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nhiều khu vực nông thôn được nâng cao rõ rệt. Chương trình đã trở thành phong trào rộng lớn, tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tại nhiều địa phương, tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đã dần được quan tâm và có chuyển biến, số xã đạt chuẩn NTM đã tăng đáng kể. Thống kê cho thấy, tính đến hết quý I/2018, cả nước có 3.289 xã (36,84%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 220 xã (2,47%) so với cuối năm 2017.

     Nâng cao chất lượng mô hình 

     Trước đây, việc thực hiện và công nhận đạt chuẩn được dựa vào Bộ tiêu chí quốc gia về NTM theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ tiêu chí này đã được điều chỉnh theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 -2020 và Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí huyện NTM và Quy định thị xã, TP trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bộ tiêu chí mới này có nhiều điều chỉnh so với giai đoạn trước, trong đó tiêu chí môi trường từ 5 chỉ tiêu tăng lên là 8 chỉ tiêu, với nhiều nội dung mới (nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm, nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước, BVMT trong chăn nuôi...). Một số quy định cũng khắt khe hơn (tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định). 

 

Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước

 

     Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, chỉ đạo thí điểm các mô hình NTM kiểu mẫu; đề xuất các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tiêu chí xây dựng mô hình xã NTM kiểu mẫu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những vấn đề đặt ra là đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn trong khi đây là một trong những tiêu chí có kết quả thực hiện khiêm tốn nhất trong giai đoạn 2010 - 2016. Xác định nhiệm vụ NTM là quá trình liên tục, lâu dài, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực ban hành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể xây dựng NTM kiểu mẫu, làm căn cứ để chỉ đạo, thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 11/8/2016 ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó tiêu chí môi trường đã được định lượng hơn (4 chỉ tiêu). Tuy vậy, so với bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, tiêu chí về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước đạt chuẩn QCVN 02:2009/BYT lại thấp hơn (trên 55% so với chuẩn quốc gia là trên 60%). UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao theo Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 7/10/2016, trong đó các chỉ tiêu cũng đã được định lượng cụ thể hơn so với bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM (6 chỉ tiêu). Một số địa phương khác như Quảng Ninh, Nam Định cũng đã chủ động nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó đề ra chuẩn thực hiện cao hơn so với chuẩn quốc gia đã ban hành. 

     Để có cơ sở lý luận phục vụ nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai kế hoạch khảo sát nghiên cứu thí điểm mô hình xã, huyện NTM kiểu mẫu để có cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ nghiên cứu. Mặc dù, có nhiều tên gọi của mô hình xã, huyện NTM đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu và phát triển là “kiểu mẫu”, “nâng cao”, “bền vững và phát triển” hay “văn minh”, “đáng sống” song việc nghiên cứu và xây dựng mô hình cùng các tiêu chí đánh giá cụ thể là cần thiết để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. 

     Qua thực tế khảo sát tại một số huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM của Bộ NN&PTNT, thời gian qua cho thấy, tình hình thực hiện tiêu chí môi trường có nhiều chuyển biến, không những sạch đường làng, ngõ xóm mà còn tiến tới đẹp, gọn gàng; công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những chuyển biến; việc thu gom và xử lý chất thải đã dần đi vào quy củ. Tuy vậy, các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường, việc đề ra tiêu chí đánh giá còn chưa rõ ràng ảnh hưởng tới việc đề ra mục tiêu phấn đấu của cả tỉnh và từng huyện, xã. Việc thực hiện tiêu chí môi trường tại thời điểm khảo sát tại nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn trong giai đoạn 2010 - 2015 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg. 

     Đưa các quy định thành đạo đức, lối sống 

     Để nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã công nhận đạt chuẩn NTM, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đề xuất một số nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, cần rà soát lại tổng thể việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn trước ngày 1/12/2016. Đối với một số chỉ tiêu chưa đạt được hoặc chưa được đánh giá trong giai đoạn trước, các địa phương cần có lộ trình thực hiện và đánh giá lại nhằm đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới. Việc đánh giá cần được thực hiện khách quan, không du di và châm chước, không vì mục tiêu giữ vững số lượng xã đã công nhận đạt chuẩn mà bỏ qua các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường. 

 

Khu dân cư kiểu mẫu xã Hương Trà (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tích cực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

 

     Trên cơ sở của Quyết định số1980/QĐ-TTg, ngày 5/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg về  tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, làm căn cứ để áp dụng thống nhất trong cả nước. Quyết định nêu rõ các tiêu chí về môi trường như: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 50% trở lên; Có mô hình  BVMT (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; câu lạc bộ, đội tuyên truyền về BVMT)… Theo đó, các tỉnh, TP cần chủ động nghiên cứu các tiêu chí của Quyết định, đề xuất các tiêu chí có thể áp dụng cho địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được những vấn đề có tính bức xúc như chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề... 

     Đối với các địa phương đã ban hành Bộ tiêu chí kiểu mẫu, đặc biệt là những địa phương ban hành trước khi Quyết định số 691/QĐ-TTg có hiệu lực như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, cần rà soát lại để đảm bảo các tiêu chí kiểu mẫu không thấp hơn so với yêu cầu của Quyết định. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và tổ chức mô hình thí điểm về xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đối với các xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; củng cố và phát triển các tổ tự quản về môi trường. Ngoài ra, cần có các mô hình điểm trong việc thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường tại địa phương, từ đó nhân rộng ra các xã khác trong tỉnh, TP. Trong đó, chú trọng công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, ngoài việc xử lý hiệu quả, đạt quy chuẩn các hệ thống xử lý chất thải rắn của địa phương, cần nâng cao chất lượng thực hiện thông qua việc đẩy mạnh công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và lượng rác thải phải xử lý - giải quyết khâu đầu vào của quy trình quản lý chất thải. Từng bước cải tiến công nghệ xử lý hiện đại, tiết kiệm chi phí và giảm tối đa tỉ lệ chôn lấp, thậm chí sản xuất năng lượng, phân bón hữu cơ từ xử lý chất thải - giải quyết khâu đầu ra của quy trình quản lý chất thải...

     Bên cạnh việc thực hiện tốt, bền vững các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, các địa phương cần nghiên cứu đề xuất nội dung tiêu chí môi trường của xã, huyện NTM kiểu mẫu theo hướng có cả các chỉ tiêu “cứng” bắt buộc áp dụng (như về tỷ lệ chất thải được thu gom và xử lý, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...), chỉ tiêu “mềm” để các địa phương linh hoạt điều chỉnh (như về tỷ lệ nguồn lực xã hội hóa cho BVMT), với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT. 

 

Trần Thắng Trung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2018)

 

 

Ý kiến của bạn