Banner trang chủ

Khó nhất tiêu chí môi trường

30/10/2018

    Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí về môi trường rất khó thực hiện, bởi nó liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống dân sinh. Ngay cả những xã của Hà Nội đã về đích thì việc hoàn thành và duy trì tiêu chí này cũng là một thách thức, tiếp tục đặt ra cho chính quyền sở tại và bản thân người dân phải nỗ lực.

    Sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích hơn 332.470 km2, dân số trên 6,2 triệu người, trong đó, dân số nông thôn chiếm trên 60%. Hà Nội có 1.350 làng có nghề, là địa phương có số làng nghề nhiều nhất nước. Đây là khu vực có tốc độ phát triển thấp, hạ tầng giao thông, văn hoá, giáo dục, y tế, nhất là vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, tiêu chí môi trường chưa có xã nào đạt so với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Xác định phát triển kinh tế, xã hội phải song hành với bảo vệ môi trường, bằng sự nỗ lực, nhiệm vụ này từng bước triển khai hiệu quả.

 

 

    Xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên là một ví dụ. Tuy không phải xã điểm xây dựng NTM của huyện Phú Xuyên nhưng người dân đều ý thưa được rằng phải làm làng quê mình ngày một văn minh, sạch đẹp. Ông Đặng Văn Hai, thôn Trung chia sẻ, có được diện mạo khang trang sạch đẹp như ngày hôm nay tất cả là nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, các cơ sở chế biến lâm sản, làm hương, sản xuất giày da, gia công màn xuất khẩu trên địa bàn xã đều có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và cam kết BVMT ; 97% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% rác thải được thu gom xử lý hợp vệ sinh; nghĩa trang nhân dân được quy hoạch bảo đảm không gây ô nhiễm...

   Điểm lại số xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 khu vực ngoại thành thì việc hoàn thành các chỉ tiêu như: 50% dân số của xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là một ví dụ. Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Duy Tuấn cho biết, mặc dù đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng địa phương vẫn rất băn khoăn do môi trường ngày một xuống cấp. Trước đây, 50% lao động làm nghề này, sấy ngay trong làng, nay chỉ còn 13 hộ thu mua lông gà, lông vịt xuất khẩu sang Trung Quốc. Lông gà, lông vịt phơi ngập cánh đồng, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

    Thực tế này cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương. Ông Nguyễn Công Hoà, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Xuyên cho biết, huyện có 124 làng có nghề với 22.100 hộ gia đình làm nghề với 28.500 lao động tham gia. Thế nhưng, quy mô sản xuất thì nhỏ lẻ, phân tán, thiếu kinh phí đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiều hộ chưa có cam kết BVMT. “Ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân làng nghề rất kém, chưa chủ động khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đang tập trung vận động nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng” , ông Hoà cho biết thêm. Chưa hết, Phú Xuyên đang lúng túng trong xây dựng nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch do thiếu kinh phí đầu tư và đất đai. Đại Thắng là xã điểm NTM của huyện nhưng các nghĩa trang nhân dân đều chưa đạt chuẩn theo quy định. Ngoại trừ thôn Tạ Xá, các thôn còn lại của xã, mỗi thôn có 2-3 điểm chôn cất, có điểm ngay sát khu dân cư, tất cả chưa có tường bao, chưa có hệ thống xử ký nước thải... Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố.

   Trong khi các địa phương đang “đau đầu” vì ô nhiễm môi trường làng nghề, xử lý nước thải sinh hoạt, thiếu đất, kinh phí đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân thì người dân ngoại thành thêm nỗi khổ sở do thiếu nước sạch sử dụng hàng ngày. Đơn cử như huyện Ba Vì, hiện tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch chỉ 29,34%, Phúc Thọ khoảng 30%... Ngay như Đan Phượng, đến nay, chỉ một bộ phận người dân được sử dụng nước sạch từ 3 trạm cấp nước tập trung, còn lại đa số nhân dân sử dụng nước giếng khoan. Thống kê, toàn thành phố mới có 35,26% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 77,16% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ cho biết, việc đánh giá tiêu chí về môi trường vẫn nặng cảm tính, nếu soi kỹ thì không xã nào đạt theo thang chấm điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM.

   Để đạt được tiêu chí môi trường, mỗi địa phương không nên “xem nhẹ” mà cần có các phương án huy động nhiều nguồn lực trong xã hội chung tay BVMT. Chỉ có sự chủ động, hỗ trợ của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội, mới hy vọng có thể đạt được tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM .

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn