20/12/2018
Tính đến cuối tháng 6 năm 2018, tỉnh Lai Châu đã có 24 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 63% kế hoạch; TP. Lai Châu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); toàn tỉnh bình quân tiêu chí 12.78 tiêu chí/xã; đạt 82,5% kế hoạch. Riêng tiêu chí môi trường đã có 25/96 xã đạt. Tuy nhiên, đánh giá chung, tiêu chí môi trường vẫn là khó thực hiện nhất, khó giữ vững ngay cả ở những xã đã đạt chuẩn.
3 nguyên nhân chính khiến tiêu chí này khó thực hiện đó là: Nguồn lực hỗ trợ ít (hoặc không có) mà đời sống của đa số đồng bào lại khó khăn. Ví dụ như xây nhà vệ sinh, Nhà nước chỉ hỗ trợ đến 2 triệu đồng, trong khi làm một công trình vệ sinh tốt, đảm bảo thì mức hỗ trợ ấy không đủ vì thế thì rất khó thực hiện. Nguyên nhân thứ hai đó là tập quán sinh hoạt, thói quen không tốt trong bảo vệ môi trường. Ở nhiều xã, bản đã được đầu tư xe chứa rác thải nhưng xung quanh nhà bà con rác vẫn rất nhiều vì thói quen tiện đâu vứt đó. Dù cán bộ xã đến từng nhà hướng dẫn nhưng chỉ sau mấy ngày họ lại trở về với nếp sinh hoạt cũ. Nguyên nhân thứ ba đó là sự vào cuộc của các đoàn thể cơ sở chưa triệt để. Cái cần nhất trong xây dựng NTM là tự ý thức của bà con phải biết được rằng đây là việc của nhà mình, mình cần phải làm, phải tạo thành phong trào, thành động lực thì mới thực hiện được.
Người dân xã Phúc Than, Than Uyên, Lai Châu quét vệ sinh đường
Điển hình tại xã Nậm Lỏong, TP Lai Châu về đích NTM năm 2017, trong đó tiêu chí môi trường đạt được 8 yêu cầu như: 90% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 50% nước sạch; cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt trên 70%. Tuy nhiên, sau khi về đích NTM, tiêu chí môi trường tại xã lại có nguy cơ trở lại điểm xuất phát vì nhiều nguyên nhân. Điển hình như bản Gia Khâu, bản văn hóa của xã Nậm Loỏng với hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan mỗi năm nhưng các hoạt động xả rác thải và nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý triệt để, chuồng nuôi nhốt trâu vẫn tồn tại ngay cạnh nhà ở của người dân.
Không chỉ ở xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu mà thực tế ở nhiều xã của các huyện thuộc tỉnh Lai Châu bên cạnh yếu tố địa hình không tập trung, điều kiện kinh tế khó khăn và thói quen sinh hoạt cùng quan niệm lạc hậu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chính là mấu chốt khiến nhiều địa phương không thể thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc nhằm triển khai tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn, bên cạnh việc tiếp tục giao chỉ tiêu cụ thể về cho các xã thì ngay từ đầu năm, các huyện trong tỉnh Lai Châu cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Phòng, ban và các Hội, Đoàn của huyện thực hiện nhiệm vụ công tác hỗ trợ, giám sát, đôn đốc cơ sở triển khai các chỉ tiêu có trong tiêu chí môi trường. Cụ thể như, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đảm nhiệm việc hỗ trợ, đôn đốc các xã thực hiện chỉ tiêu vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà sạch vườn đẹp; Hội Nông dân đảm nhiệm chỉ tiêu về chuồng trại chăn nuôi; Mặt trận Tổ quốc và y tế đảm nhận về chỉ tiêu nhà vệ sinh và an toàn thực phẩm. Trong đó, giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là kiên trì vận động, tuyên truyền để làm sao người dân thay đổi được suy nghĩ, làm đúng vai trò của mình trong xây dựng NTM là chủ thể. Cùng với đó là phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, quy hoạch lại khu chăn nuôi ở xa khu dân cư tránh ô nhiễm môi trường; thu gom xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo đúng quy định.
Hồng Nhự