Banner trang chủ

Hoài Nhơn: Phát triển hợp tác xã dịch vụ góp phần xây dựng nông thôn mới

04/12/2018

     Trong những năm qua, phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX ) đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hầu hết các HTX đều hoạt động hiệu quả và đang tiếp tục phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

     Sau hơn 7 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay, huyện Hoài Nhơn có 10/15 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2017, toàn huyện đã đầu tư trên 350 tỷ đồng, xây dựng 187,6 km  bê tông xi măng và nhựa đường giao thông liên xã; bê tông hóa trên 725 km đường giao thông liên thôn, xóm; kiên cố hóa trên 156 km kênh, mương nội đồng… Ngoài ra, huyện chú trọng chỉnh trang diện mạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, các công trình điện, đường, trường, trạm, chợ được đầu tư xây dựng khang trang, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

     Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã triển khai Chương trình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 2.890 ha, năng suất bình quân 68,5 tạ/ha; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, BVMT… Đồng thời, xác định vai trò của HTX trong việc hoàn thành mục tiêu về đích NTM trong năm 2019, huyện chú trọng phát triển các HTX kiểu mới. Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hoài Nhơn, toàn huyện có 15 HTX nông nghiệp, 1 HTX sản xuất đá xây dựng và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn đã góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng NTM, như hình thức tổ chức sản xuất, hộ nghèo, lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập của người dân, môi trường… Nhiều HTX còn đóng góp tích cực trong xây dựng hạ tầng nông thôn, như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hệ thống lưới điện… Thực hiện Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đa dịch vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người dân.Điển hình như HTX sản xuất đá xây dựng Bình Đê, đơn vị tiên phong trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế HTX trên địa bàn huyện Hoài Nhơn. Được thành lập từ tháng 9/1998, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ lãnh đạo từng bước được nâng cao. Xác định công nghệ là yếu tố để thúc đẩy phát triển, đến nay, HTX đã đầu tư gần 50 tỷ đồng mở rộng quy mô nhà xưởng, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.Quan tâm đến công tác BVMTngay từ khi xây dựng cơ sở hạ tầng, HTX đã thiết kế nhà xưởng thoáng mát, hạn chế những tác động của yếu tố độc hại đến con người. Ngoài ra, HTX thường xuyên tuyên truyền nội quy, quy chế làm việc cũng như quy định trong sản xuất để các thành viên và người lao động nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện các biện pháp an toàn lao động và BVMT.

 

Chương trình Cánh đồng mẫu lớn được triển khai tại huyện Hoài Nhơn

 

     HTX nông nghiệp Ngọc An (xã Ngọc Thanh Tây) cũng là một điển hình trong kinh tế hợp tác của huyện. HTX đã gặt hái được nhiều thành công với mô hình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa như bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết… HTX hiện có hơn 1.200 hộ thành viên, quản lý 218 ha đất sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực chế biến dầu dừa tinh khiết mang lại cho HTX mỗi năm khoảng 3,5 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ bán dừa tươi khoảng 2,4 tỷ đồng, từ sản xuất bánh tráng nước dừa đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Theo kế hoạch trong giai đoạn 2017 - 2020, HTX sẽ đầu tư khoảng 3,3 tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, đổi mới máy móc, thiết bị; đầu tư dây chuyền nướng bánh tráng, đóng gói tự động; công bố chất lượng sản phẩm, thực hiện chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết và bánh tráng nước dừa. Đặc biệt, sản phẩm dầu dừa tinh khiết của HTX là 1 trong số sản phẩm của tỉnh Bình Định vừa được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia năm 2017.

     Bên cạnh phát triển các HTX trong xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hoài Nhơn đã đề ra các giải pháp cụ thể cho từng xã, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí môi trường . Đối với 10 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện sẽ nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, huyện phấn đấu trong năm 2018 có thêm 5 xã (Hoài Đức, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Phú) về đích NTM; tập trung xây dựng xã Hoài Châu Bắc thành xã NTM kiểu mẫu của huyện.

     Trong thời gian tới, để các HTX hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng NTM tại địa phương, huyện sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh rà soát, phân loại tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn để có kế hoạch, biện pháp củng cố, sắp xếp các HTX hợp lý và hiệu quả hơn; tiếp tục xây dựng mô hình liên kết mới, nhân rộng mô hình hoạt động của HTX tiên tiến... từng bước tạo ra những chuyển biến theo chiều sâu trong từng HTX, tăng dần tỷ lệ HTX hoạt động khá giỏi, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thu hút lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở khu vực nông thôn...Đồng thời,  phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT cho các HTX; tổng kết, phổ biến và nhân rộng các mô hình HTX tổ chức, hoạt động có hiệu quả, điển hình tiên tiến về BVMT, tổ chức các phong trào thi đua  BVMT trong khu vực kinh tế tập thể .

     Cùng với đó,  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các HTX phối hợp với tổ chức đoàn thể, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đạt chuẩn; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT (làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp.

 

Phạm Oanh

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

Ý kiến của bạn